Nhãn hiệu cần phải được đăng ký nhãn hiệu để đạt được bảo hộ tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhận thấy cơ hội kinh doanh hoặc cảm thấy nhãn hiệu không còn phù hợp với mục đích phát triển của cá nhân, tổ chức, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể thực hiện thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu cho một bên khác. Trong bài viết sau, VLIP sẽ chỉ ra thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu tại Việt Nam theo quy định pháp luật.
Chuyển nhượng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu chuyển giao quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật.
Việc chuyển nhượng nhãn hiệu phụ thuộc vào sự đồng thuận của các bên, thực hiện dưới sự quản lý của nhà nước thông qua việc đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quyền sở hữu công nghiệp.
Điều kiện chuyển nhượng nhãn hiệu tại Việt Nam
Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu cần được viết bằng văn bản, chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Cần lưu ý rằng điều kiện chuyển nhượng nhãn hiệu tại Việt Nam có rất nhiều quy chế cần lưu ý. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, các điều kiện cần tuân theo trong giao dịch chuyển nhượng nhãn hiệu là:
– Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ;
– Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
– Quyền đối với nhãn hiệu chi được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện về quyền đăng ký nhãn hiệu.
Nội dung hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tại Việt Nam
Trong hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu, ngoài các thông tin cơ bản về chủ sở hữu nhãn hiệu hiện tại (bên chuyển nhượng), bên được chuyển nhượng thì hợp đồng cũng cần ghi rõ căn cứ chuyển nhượng, giá chuyển nhượng và quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trước, trong và sau quá trình chuyển nhượng nhãn hiệu.
Cần ghi rõ quyền và nghĩa vụ để tránh trường hợp bên chuyển nhượng vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu sau khi đã chuyển nhượng nhãn hiệu cho bên được chuyển nhượng bởi lẽ đây là hợp đồng chuyển nhượng chứ không phải hợp đồng cấp phép sử dụng.
Thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu
Sau khi các bên xác lập và xác nhận các thông tin trong hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu (tốt nhất là dưới sự giúp đỡ của một bên thứ 3 là các công ty luật uy tín về vấn đề nhãn hiệu, chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu), các bên tiến hành đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Cụ thể, bên chuyển nhượng sẽ nộp một bộ hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng tại Cục Sở hữu trí tuệ bao gồm các tài liệu theo quy định của pháp luật. Sau khi xác nhận hồ sơ đã hợp lệ về mặt hình thức bởi các chuyên viên, hồ sơ chuyển nhượng sẽ được xử lý theo đúng quy trình.
Cục sẽ tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu, ghi nhận văn bằng bảo hộ đối với chủ sở hữu mới, ghi nhận việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với nhãn hiệu và Sổ đăng ký quốc gia về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.
Cuối cùng, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.