Thế giới ngày nay đang bước vào thời đại của công nghệ thông tin. Công nghệ khiến cuộc sống mọi người trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đây cũng chính là thứ đang dấy lên nhiều mối lo trong xã hội. Giờ đây, với mạng Internet, dường như không còn bí mật gì là an toàn nữa; bảo mật thông tin cá nhân đã trở thành một món hàng xa xỉ trong thời đại công nghệ số này. Không chỉ bí mật cá nhân, thứ quan trọng hơn cả đối với các doanh nghiệp là bí mật kinh doanh giờ cũng đang như “chỉ mành treo chuông”.
Tình cảnh khó khăn của các xe tải thực phẩm
Xe chở đồ ăn đã có mặt trên Trái Đất được 400 năm nay. Lịch sử của nó bắt nguồn từ những chiếc xe đẩy ở Anh vào những năm đầu của thế kỉ 17, sau đó nó tiến hóa thành những chiếc xe chở thức ăn và bếp lò ở Mỹ vào thế kỉ 19. Cuối cùng chiếc xe đẩy đơn giản đó đã phát triển thành những chiếc xe tải thực phẩm có thể đi khắp thế giới như ngày hôm nay. Chiếc xe tải thực phẩm đã, đang và sẽ luôn là một phương tiện tinh thần trong thế giới ẩm thực.
Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 bùng nổ, những “nhà hàng” nhỏ và phi thường tiện dụng này hiện đang phải vật lộn để tồn tại trong nhiều tháng qua do các biện pháp đóng cửa và cách ly xã hội.
Không chỉ đại dịch, một yếu tố khác ảnh hưởng đến sự sống còn của những chiếc xe tải này là việc trộm cắp bí mật kinh doanh. Vào thời điểm mà các công thức nấu ăn có thể dễ dàng bị sao chép thông qua mạng xã hội hoặc các nền tảng video khác, một ông chủ xe tải thực phẩm phải làm gì để có thể bảo vệ di sản của bà mình?
Bản chất của công thức nấu ăn
Lorraine Tay – một đối tác của Bird & Bird ở Singapore nói: “Các công thức nấu ăn trên xe tải (cũng như hầu hết các công thức nấu ăn khác) thường thiếu các điều kiện cần thiết để đáp ứng khả năng cấp bằng sáng chế, đặc biệt nếu như nội dung công thức chỉ là các bước hướng dẫn để chế biến một món ăn.” Cô nói thêm: “Việc thiết lập tính mới mẻ, độc nhất trong công thức nấu ăn để có thể được đăng ký thành công sẽ là một nhiệm vụ khó khăn nếu những người khác đã từng chiêm nghiệm, mô tả hoặc sử dụng một công thức tương tự.”
“Hơn nữa, bản thân công thức nấu ăn cũng thông thường được bảo vệ như bí mật thương mại hoặc thông qua thỏa thuận bảo mật thông tin. Chúng thường dừng ở mức độ bí mật hoặc thông tin mật, chứ không phải là một bằng sáng chế cụ thể”.
Làm cách nào để bảo hộ một công thức nấu ăn?
Cô Gloria Goh, một đối tác của Allen & Gledhill ở Singapore, đồng ý với quan điểm trên: “Để có được bằng sáng chế cho một công thức, bạn cần phải chứng minh được rằng công thức đó có tính mới (phải có tính sáng tạo, độc nhất ở bất kỳ nơi nào trên thế giới theo luật của nhiều quốc gia). Thêm nữa, nó phải trải qua một quá trình nghiên cứu phát minh (nói cách khác là công thức đó không thể hiển nhiên và bất kì ai cũng có thể làm được) và có khả năng ứng dụng công nghiệp.”
Bảo hộ sáng chế với Bí mật thương mại
Cô Goh cho biết thêm: “Ngay cả khi bạn có thể nhận được bằng sáng chế cho công thức của mình, bằng sáng chế đó sẽ không nhất thiết là phương tiện tốt nhất để bảo vệ công thức của bạn. Việc này còn tùy thuộc vào mục đích và ưu tiên của bạn là gì. Bởi vì bằng sáng chế sẽ yêu cầu công bố công khai công thức nấu ăn của bạn. Bạn chỉ có thể độc quyền công thức nấu ăn trong 20 năm, sau đó công thức này sẽ được mọi người miễn phí sử dụng”.
Nhiều công thức nấu ăn, bao gồm cả công thức nấu ăn trên xe tải có thể được phân vào mục bí mật kinh doanh. Do đó người phát minh hoặc chủ sở hữu công thức có thể sử dụng luật bảo mật cũng như các điều khoản trong hợp đồng thương mại (hoặc cả hai) để bảo vệ tính bí mật của công thức. Nhưng hiển nhiên, bí mật thương mại mà bị “bật mí” thì sẽ không còn là bí mật nữa và chủ sở hữu sẽ đối diện nguy cơ trắng tay.
Một ví dụ điển hình của việc không đăng ký bằng sáng chế (độc quyền trong một thời gian) mà giữ công thức nấu ăn như một bí mật kinh doanh (độc quyền vĩnh viễn) là hãng khổng lồ nước giải khát Coca-cola.
Đâu là lựa chọn đúng?
Trong khi các công thức nấu ăn có thể tiếp tục được bảo vệ dưới dạng bí mật thương mại, nhưng với ảnh hưởng của công nghệ thông tin, việc trộm cắp và lan truyền thông tin ra toàn cầu đã trở nên quá dễ dàng. Hơn nữa, việc đối thủ cạnh tranh hoặc người tiêu dùng sử dụng kỹ nghệ đảo ngược (reverse engineering) nhằm tìm ra công thức gốc là hoàn toàn hợp pháp. Lúc đó, do không đăng ký bằng sáng chế, công thức sẽ không được bảo vệ và có nguy cơ bị cướp mất.
Bí mật thương mại có lợi ở chỗ ngày nào còn là bí mật, chủ sở hữu có thể độc quyền khai thác bí mật vô hạn định. Tuy nhiên, một khi đã bị “bật mí”, bí mật thương mại sẽ trở nên vô giá trị.
Ngược lại, việc đăng ký bảo hộ sáng chế sẽ có thể giúp chủ sở hữu ngăn chặn các hành vi sử dụng bất hợp pháp sáng chế của mình cho mục đích thương mại. Điểm bất cập là chủ sở hữu chỉ có thể độc quyền sử dụng sáng chế trong một thời hạn nhất định. Sau thời gian đó công thức sẽ không còn được bảo hộ và trở thành miễn phí cho mọi người sử dụng.
Kết luận
Vậy nên, áp dụng loại biện pháp nào để bảo vệ “nước sốt bí mật” của mình còn tùy thuộc vào mục đích và nhu cầu của các chủ xe tải thực phẩm. Ngoài việc tìm hiểu về các biện pháp bảo vệ, các chủ sở hữu cũng cần phổ cập thêm kiến thức về các thủ tục đăng ký sáng chế độc quyền để không phải chịu rủi ro bị trộm cắp bí mật kinh doanh.
-Monster Hunter-