Gần đây, những dự án bảo vệ môi trường, hạn chế chất thải nhựa nhận được nhiều quan tâm. Xu hướng này được nhiều bạn trẻ chọn và đã cho ra đời những sáng chế có tính khả thi. Điển hình là “Vibale – Nâng cao giá trị lá chuối Việt”. Dự án này đã chiến thắng tại cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020“. Đây là dự án của hai bạn trẻ Quế Thanh và Diệu Linh với mục đích thay thế hộp xốp, túi nilon bằng nguyên liệu dễ phân hủy là lá chuối.

Dự án Vibale

Năm 2019, hai bạn trẻ đến từ TP.HCM đã triển khai dự án hộp làm từ lá chuối. Sản phẩm này có thể thay thế hộp xốp/nhựa dùng một lần vì khả năng phân hủy sinh học trong vòng 45 ngày. Hộp lá chuối được ép khô và giữ nguyên màu bằng công nghệ hiện đại; có thể bảo quản trong 12 tháng. Vượt qua nhiều đối thủ khác, Quế Thanh và Diệu Linh với vai trò là leader của dự án; đã xuất sắc giành được chiến thắng chung cuộc tại cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020″.

Vibale chia sẻ bức xúc khi bị tới 10 đơn vị cướp nhãn hiệu “Vibale”

Tuy nhiên, phía Vibale đã đăng trên trang Facebook của mình để bày tỏ bức xúc về việc nhãn hiệu Vibale bị ăn cắp. Cụ thể, khi quyết định mở công ty và đăng ký với tên thương hiệu Vibale; 2 bạn trẻ phát hiện ra đã có tới 10 bên đăng ký trước. Ngay cả tên miền cũng đã bị các bên đó mua lại từ trước. Vì vậy, phía Vibale buộc phải dừng dự án và chờ ngày quay lại với một cái tên mới.

Vấn đề nằm ở đâu?

Trước hết, rõ ràng nhận thấy rằng chủ của dự án này đã khá chủ quan khi không sử dụng pháp luật một cách tối ưu để bảo vệ thành quả của mình. Hai vấn đề chính có thể kể đến là

Ý tưởng không được bảo hộ theo quyền tác giả

Quyền tác giả chỉ tập trung bảo hộ hình thức tác phẩm, không bảo hộ nội dung tác phẩm. Vì thế quyền tác giả phát sinh khi tác phẩm được thể hiện dưới một hình thức nhất định. Thậm chí, tác phẩm được hưởng sự bảo hộ quyền tác giả, không phụ thuộc vào các yếu tố chất lượng hay giá trị của tác phẩm.

Quyền tác giả bảo hộ tác phẩm được thể hiện dưới các hình thức khác nhau. Ví dụ như viết, nói, thể hiện bằng cử chỉ, hành động (các tác phẩm sân khấu), các tác phẩm tạo hình (tranh, điêu khắc,..). Để một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả thì bắt buộc nó phải được ghi nhận dưới một trong các hình thức đó.

Như vậy, quyền tác giả không bảo hộ nội dung, ý tưởng sáng tạo của tác phẩm. Chủ của dự án này nếu không muốn bị ăn cắp ý tưởng cho hộp lá chuối; họ cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới dạng sản phẩm khay và đĩa lá chuối cụ thể.

Nguyên tắc first to file

Chủ dự án Vibale còn mắc thêm một sai lầm. Đó chính là không đăng ký nhãn hiệu “Vibale” trước khi tham gia cuộc thi. Mặc dù là người nghĩ ra và phát triển cái tên này, nhưng Quế Thanh và Diệu Linh lại không thể đăng ký do Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên – first to file được quy định tại Điều 90 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009.

Theo đó, trong trường hợp có nhiều chủ đơn khác nhau cùng nộp các đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt với nhau hoặc các nhãn hiệu trùng/tương tự với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự nhau thì đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn đầu tiên sẽ được chấp nhận bảo hộ.

Kết luận

Chắc chắn dự án Vibale của Quế Thanh và Diệu Linh sẽ không thể tiếp tục với cái tên Vibale. Đây có thể coi là một ví dụ điển hình về việc đánh mất thương hiệu của mình vì sự bất cẩn trong việc bảo vệ Tài sản trí tuệ của mình. Các doanh nghiệp, đặc biệt là Startups cần hết sức lưu ý; để Sở hữu trí tuệ không còn là nỗi sợ mà trở thành chìa khóa thành công của mình.

-Namneyu-