Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), bất chấp sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xu hướng suy thoái kinh tế. Số lượng bằng sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đã đạt mức kỷ lục vào năm 2021.

Số đơn đăng ký quyền SHTT trên thế giới đạt kỷ lục mới trong năm 2021.

Theo tổng giám đốc Wipo Daren Tang, những dữ liệu mới nhất cho thấy “sự tăng trưởng liên tục và bền vững” về số lượng đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, “chủ yếu là do sự gia tăng tại khu vực châu Á, với các khu vực khác cũng có xu hướng tăng”. Với số lượng lớn đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ trong thời kỳ đại dịch cho thấy thế giới vẫn tiếp tục đổi mới và sáng tạo bất chấp những gián đoạn kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực châu Á

Dữ liệu được công bố trong báo cáo Chỉ số sở hữu trí tuệ thế giới mới nhất của WIPO cho thấy các nhà sáng chế đã nộp 3,4 triệu đơn đăng ký sáng chế trên toàn cầu vào năm ngoái. Con số này tăng 3,6% so với năm 2020 – trong đó số lượng đơn đăng ký tại châu Á chiếm hơn 2/3 con số trên.

Với số lượng đơn đăng ký tăng 5,5%, Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ số lượng đơn đăng ký sáng chế trong nước, theo sau là Hàn Quốc với số lượng đơn đăng ký tăng 2,5%.

Tại Hoa Kỳ, số lượng đơn đăng ký sáng chế đã giảm 1,2%, con số này đối với Nhật Bản là 1,7% và với Đức là 3,9% vào năm ngoái.

Hầu hết các quốc gia đều có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng vào năm 2021, với 18,1 triệu lượt đăng ký nhãn hiệu trên toàn thế giới vào năm 2021. Con số này tăng 5,5% so với năm 2020.

Tăng trưởng sau đại dịch

WIPO cũng đề cập đến sự gia tăng trong việc đăng ký nhãn hiệu mới có thể do sự bùng nổ trong hoạt động kinh doanh và các giao dịch đầu tư mạo hiểm được thúc đẩy bởi sự gián đoạn của đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo của WIPO, “Hoạt động nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng 9,2%,” với sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất về kiểu dáng công nghiệp cũng diễn ra tại châu Á.

Mặc dù có sự tăng trưởng rõ rệt trong số lượng đơn đăng ký quyền SHTT trên thế giới, những vẫn có những thách thức gây cản trở với sự phát triển này như những căng thẳng chính trị hay suy thoái kinh tế.

Ông Tang nhấn mạnh rằng để vượt qua những thách thức như biến đổi khí hậu và thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SGD) của Liên hợp quốc “chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ quá trình đổi mới và sáng tạo với việc sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để đưa các ý tưởng thành hiện thực và tạo ra tác động tích cực có thể thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt hơn”.