Ngày 09 tháng 03 năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2023 nhằm tổng kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2022, đưa ra những định hướng lớn cho hoạt động SHTT năm 2023.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN cùng lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, các sở, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện một số trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức đại diện Sở hữu công nghiệp từ 62 Sở KH&CN trên cả nước.

Nhằm tận dụng sở hữu trí tuệ làm nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xã hội Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược SHTT đến năm 2030 tập trung trọng điểm vào việc lồng ghép SHTT trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, trong giai đoạn thực hiện các mục tiêu đề ra, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vướng phải nhiều khó khăn, trở ngại. Một vài nút thắt đã được tháo gỡ với việc ban hành Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, trong đó quy định về đăng ký nhãn hiệu âm thanh là điểm nổi bật, thể hiện quyết tâm thực hiện cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định quốc tế.

Dẫu vậy, ngành sở hữu trí tuệ Việt Nam nói chung vẫn còn nhiều nút thắt cần được tiếp tục tháo gỡ, ví dụ như một vài quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 vẫn còn tương đối phức tạp, cần các cơ quan có thẩm quyền ban hành hướng dẫn thực thi.

Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2023. Nguồn: Sở hữu trí tuệ

Nội dung chính tại Hội nghị

Hội nghị Sở hữu trí tuệ 2023 tập trung vào các nội dung chính sau:

  • Báo cáo tổng quan hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp năm 2022 ở trung ương và địa phương, định hướng nhiệm vụ năm 2023;
  • Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 – những vấn đề đặt ra cho hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương;
  • Đổi mới và nâng cao hiệu quả phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hà Tĩnh;
  • Tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, bảo hộ tài sản trí tuệ ra nước ngoài đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang;
  • Đổi mới sáng tạo trong phát triển tài sản trí tuệ hiện nay: tiếp cận từ góc độ quản lý nhà nước;
  • Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý sở hữu trí tuệ tại địa phương năm 2022.

Bên cạnh những nội dung trên, các đại biểu cũng đề xuất một vài vấn đề tới Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thảo luận, triển khai thực hiện:

  • Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022;
  • Đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng, phát hành bộ tài liệu về SHTT với nội dung phù hợp với chính sách, pháp luật SHTT trong giai đoạn hiện nay;
  • Đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục hỗ trợ địa phương triển khai hiệu quả Chiến lược, nhất là hoạt động khai thác, thương mại hóa sáng chế, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh;
  • Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng, quản lý phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm, dịch vụ danh tiếng và có lợi thế phát triển của địa phương.