Cuộc chiến pháp lý của Nike chống lại Bape – gã khổng lồ thời trang đường phố Nhật Bản, đang có những diễn biến mới khi thẩm phán liên bang New York quyết định không bác bỏ vụ kiện vi phạm quyền SHTT. Vụ kiện này có thể tạo tiền lệ cho các thương hiệu khác đang nỗ lực bảo vệ những kiểu dáng sản phẩm độc đáo của họ.

Vào tháng 1 năm 2023, Nike đã khởi xướng vụ kiện chống lại Bape, cáo buộc công ty này sao chép một số kiểu dáng giày thể thao mang tính biểu tượng của mình, bao gồm kiểu dáng của các mẫu giày như Air Force 1, Air Jordan và Dunk. Bape, gã khổng lồ ngành thời trang được thành lập tại Nhật Bản vào năm 1993 bởi Tomoaki Nagao (Nigo) đã mở rộng sự hiện diện sang Mỹ khoảng một thập kỷ sau đó. Trong số các kiểu dáng bị cáo buộc sao chép trong vụ kiện có chiếc giày nổi tiếng của Bape, Bape STA.

Các thương hiệu thời trang đang tích cực theo dõi vụ việc này, vì những tác động của nó đối với các quy định về hình ảnh thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhận diện thương hiệu và bảo vệ kiểu dáng. Việc bảo vệ hình ảnh thương mại xoay quanh việc chứng minh rằng người tiêu dùng có thể nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm nếu một sản phẩm khác xuất hiện với bao bì hoặc kiểu dáng tương tự.

Cáo buộc của Nike chống lại Bape khẳng định rằng một số yếu tố nhất định trong phong cách mang tính biểu tượng của Nike có tính đặc biệt và xứng đáng được bảo vệ. Phía Bape đã bác bỏ lập luận này, với lý do Nike đã thiếu các thông tin cụ thể liên quan đến các tuyên bố về nhãn hiệu và kiểu dáng của mình. Tuy nhiên, tòa án cho rằng cách tiếp cận của Nike là thỏa đáng, dựa trên nhiều nhãn hiệu, kiểu dáng đã đăng ký và mô tả chi tiết của chúng.

Vụ kiện bắt nguồn từ những cáo buộc vào năm 2009, nhưng những hành động pháp lý chỉ được thực hiện vào tháng 1 năm 2023. Nike đã hợp tác với Bape để giải quyết cáo buộc Bape vi phạm kiểu dáng sản phẩm Air Force 1. Bape cũng đã đệ đơn bác bỏ vụ kiện vào tháng 3 cùng năm.