Những đôi giày Sneaker trông có vẻ đơn giản nhưng lại có tầm ảnh hưởng vượt xa ngoài lĩnh vực thể thao và thời trang tới các lĩnh vực khác như âm nhạc, phim ảnh, TV, mạng xã hội… Điều này mang đến cho những chiếc giày Sneaker giá trị to lớn không chỉ về mặt thương mại mà còn cả giá trị liên quan đến tài sản Sở hữu Trí tuệ (SHTT). Bài viết này sẽ giải thích tại sao những chiếc giày bình thường lại có giá trị lớn đến như vậy.

Nguồn gốc tên gọi “Sneaker”

Những đôi giày Sneaker đầu tiên được ra mắt vào năm 1876, do Công ty Cao su New Liverpool có trụ sở tại Anh sản xuất. Trong khoảng thời gian này, chúng thường được gọi là những đôi “giày đi trên biển”. Ở những quốc gia và khu vực khác, những đôi giày Sneaker đầu tiên này và những chiếc giày tương tự được gọi chung là giày quần vợt. Tên gọi của chiếc giày “sneaker” bắt nguồn từ Hoa Kỳ. Vào năm 2010, một nhà nghiên cứu đã tìm thấy một bài báo trên Tạp chí Giáo dục Boston được xuất bản năm 1887 sử dụng thuật ngữ giày “Sneaker” để mô tả những chiếc giày đế mềm của trẻ em khi chúng “lén lút” làm việc riêng trong lớp học.

Từ những năm 1890 đến những năm 1930, kiểu dáng giày Sneaker đã có những thay đổi đáng kể. Thành công ban đầu của Reebok vào những năm cuối của thế kỷ 19 bắt nguồn từ những đôi giày chạy bộ bằng da, sử dụng gai kim loại để giảm thiểu trơn trượt. Tại Đức, Adolf “Adi” Dassler và anh trai là Rudolf Dassler đã bắt đầu sản xuất những chiếc giày chạy bộ và giày đá bóng đầu tiên vào những năm 1920. Cả hai loại giày đều được làm bằng da, nhưng chiếc giày đá bóng đã được tích hợp thêm đinh giày, điều này giúp cho chiếc giày có thêm độ bám và khả năng chống trơn trượt trên cỏ.

Cũng trong khoảng thời gian này, sự nổi tiếng của vận động viên bóng rổ Chuck Taylor với vai trò đại sứ thương hiệu đã thúc đẩy Converse liên kết cái tên Chuck Taylor với các tài sản SHTT của thương hiệu này. Với khả năng ấn tượng của mình, Chuck Taylor đã quảng bá thành công những đôi giày Sneaker Converse tại nhiều giải bóng rổ trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ. Điều này khiến số lượng lớn người hâm mộ háo hức đổ xô đến các địa điểm bán lẻ giày Sneaker tại các địa phương. Nhận thấy độ nổi tiếng của Taylor, Converse đã thêm chữ ký của ông vào logo ngôi sao năm cánh của mình vào năm 1932. Biểu tượng trên và đôi giày Sneaker Converse cổ cao hầu như không thay đổi vẫn được đón nhận cho đến tận ngày nay.

Giày Sneaker trong thời kỳ chiến tranh

Chiến tranh thế giới thứ hai đã hạn chế quá trình sản xuất và phát triển về kiểu dáng của những chiếc giày Sneaker. Nhiều nhà sản xuất đã phải chuyển đổi hoạt động của nhà máy sang sản xuất cao su, nhưng Converse lại được hưởng lợi từ các hợp đồng của Quân đội Hoa Kỳ.

Trong thời kỳ này, 2 anh em nhà Dasslers tại Đức đã bắt đầu thực hiện việc bảo hộ các tài sản SHTT của mình. Tuy nhiên, sau khi những căng thẳng âm ỉ kéo dài khiến việc kinh doanh giày chung của 2 anh em chấm dứt, họ đã xây dựng 2 nhà máy khác nhau tại Herzogenaurach, Đức. Rudolf Dasslers là người đầu tiên đưa nhà máy của mình đi vào quá trình hoạt động, ông cũng ngay lập tức thành lập công ty “Ruda” vào tháng 1 năm 1948. Adi Dasslers sau đó đã bắt đầu liên doanh với “Adidas” để trực tiếp cạnh tranh với Rudolf vào tháng 8 năm 1949. Vào ngày 1 tháng 10 năm 1948, Rudolf đã đăng ký thành công nhãn hiệu “PUMA” tại Văn phòng Nhãn hiệu và Sáng chế Đức (DPMA) và đổi tên công ty của mình. Kể từ đó, 2 công ty anh em trực tiếp cạnh tranh với nhau vẫn được đặt trụ sở chính tại cùng một thị trấn. Năm 1952, Adi Dassler đã thuyết phục Karhu Sports – một công ty kinh doanh quần áo thể thao tại Phần Lan, bán lại cho ông logo “ba sọc” của họ. Kể từ thời điểm này, biểu tượng “ba sọc” của Adidas đã trở thành một nhãn hiệu có giá trị khổng lồ.

Nhiều năm trôi qua, với nhu cầu ngày càng tăng, nhiều công ty sản xuất giày Sneaker mới đã xuất hiện. Những năm 1960 là thời điểm Nike và Vans lần đầu xuất hiện, nhưng thành công của 2 gã khổng lồ này không đến ngay lập tức. Nike bắt đầu tham gia ngành công nghiệp thời trang với cái tên Blue Ribbon Sports (BRS), và chỉ thực sự nổi tiếng khi đổi sang cái tên hiện tại và sử dụng biểu tượng “swoosh” vào năm 1971.

Biểu tương “swoosh” nổi tiếng của Nike.

Với Vans, chiếc giày của họ chỉ thực sự trở nên nổi tiếng vào giữa những năm 1970, khi những chiếc ván trượt, xe đạp BMX và punk rock trở nên phổ biến tại Mỹ. Khẩu hiệu và logo nổi tiếng “Off The Wall” của Vans cũng được ra mắt trong thời điểm này.

Cũng trong thập kỷ này, những nhà sáng lập của Nike – Phil Knight và Bill Bowerman đã tập trung vào việc đổi mới chiếc giày Sneaker của họ, và những đổi mới này vẫn được sử dụng phổ biến cho đến ngày nay chẳng hạn như phần đế giày có đệm khí.

“Văn hóa” sneaker

Chiếc giày Puma của huyền thoại bóng đá Pelé và đôi giày Adidas của ngôi sao quần vợt Stan Smith là biểu tượng thời trang của những năm 1970. Sau đó, những chiếc giày Sneaker đã thực sự trở thành hiện tượng thời trang trong những năm 1980 với việc Các vận động viên nổi tiếng đã giúp các thương hiệu giày trở thành một phần trong văn hóa đại chúng. Tiêu biểu là khi vận động viên bóng rổ huyền thoại Michael Jordan bắt đầu hợp tác với Nike vào năm 1984. Sự kết hợp giữa danh tiếng lẫy lừng của Jordan và những đổi mới trong chiếc giày của Nike đã khiến những chiếc giày Sneaker Air Jordan trở thành chiếc giày ưa thích của phần lớn người hâm mộ và vận động viên trong bộ môn bóng rổ. Ngày nay, Air Jordan là một trong những thương hiệu giày thể thao phổ biến nhất và logo “Jumpman” với hình ảnh của Jordan vẫn là một con gà đẻ trứng vàng của Nike giúp thương hiệu này kiếm được hàng tỷ USD.

Adidas đã thể hiện mức độ hiện diện thương mại của mình một cách mạnh mẽ trong những năm 1980 với cột mốc quan trọng nhất của họ trong thập kỷ đó là sự hợp tác với nhóm nhạc hip-hop Run-DMC (nhóm nhạc đầu tiên nhận hợp tác với một công ty sản xuất giày để sản xuất âm nhạc) với đĩa đơn nổi tiếng “My Adidas” vào năm 1986. Trong khi đó, những chiếc giày Sneaker của Vans và Converse đã được những fan hâm mộ dòng nhạc punk, heavy metal và grunge rock đón nhận rộng rãi. Tiếp theo, Nike đã giành được vị trí thống trị trong ngành công nghiệp sản xuất giày khi giới thiệu khẩu hiệu mới “Just do it” vào năm 1988.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa những chiếc giày Sneaker và quyền sở hữu trí tuệ đã khiến nhiều người bắt đầu bán lại những chiếc giày của mình và từ đó tạo ra hoạt động resale giày Sneaker hiện có tổng trị giá lên đến khoảng 6 tỷ USD.

Chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong ngành công nghiệp sản xuất giày Sneaker

Hầu hết mọi công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giày Sneaker đều đã từng phải đối mặt với các vụ tranh chấp quyền SHTT. Đơn cử như vụ việc Nike khởi kiện StockX với cáo buộc bán hàng giả sử dụng NFT có nhãn hiệu Nike một cách trái phép mới đây.

Đáng chú ý hơn nữa là những tranh chấp liên quan đến công nghệ Flyknit của Nike-Adidas — bắt đầu bằng việc Nike khởi kiện Adidas tại Đức vào năm 2012 và tiếp tục vụ kiện tại Hoa Kỳ trong nhiều năm — cuối cùng cả 2 bên đã có thể đi đến thỏa thuận chung để giải quyết vụ kiện vào tháng 8 năm 2022.

Mới đây, Vans cũng đã đệ trình hai đơn kiện liên quan đến hành vi xâm phạm quyền SHTT trong năm 2022 và 2 vụ kiện này vẫn đang được chờ giải quyết. Trong vụ kiện thứ hai, Vans đã đệ đơn kiện chống lại gã khổng lồ bán lẻ Walmart với cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tiềm năng sinh lời ngày càng lớn của những chiếc giày Sneaker cũng đã khẳng định tầm quan trọng của hoạt động ngăn chặn vi phạm quyền SHTT. Những chiếc giày Sneaker không được sử dụng trong hoạt động thể thao (hay “athleisure”) đã tạo ra khoảng 73 tỷ đô la doanh thu cho các hãng thời trang trên toàn thế giới trong năm 2022 và con số này là 50 tỷ USD với những chiếc giày Sneaker thông thường. Tuy nhiên, thị trường giày Sneaker giả đã tạo ra tới 450 tỷ USD trong năm 2021, con số này gấp khoảng 5,5 lần so với những chiếc giày chính hãng vào thời điểm đó. Vì vậy, để ngành công nghiệp này có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần có những biện pháp phù hợp để ngăn chặn hành vi vi phạm quyền SHTT.