Quá trình đăng ký nhãn hiệu thông thường sẽ được phân thành nhiều giai đoạn. Trong bài viết sau, VLIP sẽ đưa ra thông tin chi tiết về các giai đoạn đăng ký nhãn hiệu thông thường tại Việt Nam.

Giai đoạn thẩm định hình thức

Sau khi nhận đơn, các chuyên viên tại Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định hình thức để kiểm tra xem đơn đăng ký nhãn hiệu có hợp lệ về mặt hình thức hay không.

Nếu hợp lệ, Cục sẽ đưa ra quyết định chấp nhận hình thức của đơn đăng ký nhãn hiệu đã nộp.

Thời hạn để đưa ra phản hồi trong giai đoạn này là 1 tháng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 119 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2019 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

Giai đoạn công bố và phản đối đơn đăng ký

Khi nhận được Quyết định chấp nhận hình thức của đơn đăng ký nhãn hiệu, trong vòng 2 tháng, đơn đăng ký sẽ được đăng công báo trên Công báo sở hữu công nghiệp.

Sau khi được đăng công báo, cho đến khi đơn tiến vào giai đoạn thẩm định nội dung, bất kì bên thứ 3 nào cũng có thể nộp phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu. Cụ thể, bên phản đối có quyền gửi công văn đề nghị Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam không cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho đơn đang đăng trên công báo, ghi rõ lí lẽ cụ thể để Cục Sở hữu trí tuệ có thể xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng.

Giai đoạn thẩm định nội dung

Nếu không có phản đối hoặc phản đối kết thúc với quyết định không chấp nhận phản đối, trong vòng 9 tháng kể từ ngày công bố, đơn sẽ tiến vào giai đoạn thẩm định nội dung. Trong giai đoạn này, các chuyên viên sẽ đánh giá nhãn hiệu về các điều kiện bảo hộ, cùng với việc so sánh với các nhãn hiệu đang chờ duyệt đã được nộp trước và các nhãn hiệu đã đăng ký thành công và còn hiệu lực để kiểm tra khả năng đăng ký.

Trong trường hợp đơn đủ điều kiện thì Cục ra thông báo cấp văn bằng bảo hộ. 

Giai đoạn cấp văn bằng

Kết thúc quá trình thẩm định nội dung, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo cho người nộp đơn, đại diện sở hữu công nghiệp của người nộp đơn về việc đơn được cấp văn bằng qua Thông báo cấp văn bằng kèm theo số tiền phí và lệ phí cấp văn bằng.

Người nộp đơn sẽ tiến hành nộp lệ phí Cấp văn bằng bảo hộ và nhận giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực 10 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm.

Tra cứu khả năng đăng ký trước khi chính thức nộp đơn đăng ký nhãn hiệu

Tra cứu trước khả năng đăng ký nhãn hiệu là không bắt buộc, tuy nhiên, trước khi chính thức tiến vào 4 giai đoạn thẩm định đăng ký nhãn hiệu trên, tốt nhất là người nộp đơn thực hiện tra cứu để có được con số nhất định về tỉ lệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Việc này là để tránh trường hợp sau 12-14 tháng thẩm định, người nộp đơn nhận được kết quả từ chối đăng ký vì đã có nhãn hiệu trùng, giống có khả năng gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu đăng ký trên thị trường.

Quy trình tra cứu chỉ tốn từ 3-5 ngày và thường được các công ty luật sở hữu trí tuệ cung cấp dịch vụ tra cứu hoàn toàn miễn phí. Đối với tra cứu chuyên sâu, người nộp đơn sẽ phải mất thêm một khoản phí nhỏ để biết được tỉ lệ chắc chắn hơn đối với khả năng đăng ký nhãn hiệu thành công.