Trước đây có nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, … Giờ đây lại có thêm một thương hiệu nông sản Việt Nam bị doanh nghiệp ngoại nhanh chân đăng ký bảo hộ ‘hộ’ thương hiệu ở nước ngoài. Đó chính là gạo ST24 – loại gạo được vinh danh với gạo Thái-lan và gạo Cam-pu-chia trong “Top 3 gạo ngon nhất thế giới” và ST25 – loại gạo đạt giải nhất cuộc thi Gạo ngon thế giới năm 2019.

Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Loại gạo ST24 và ST25 đã bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền trước. Như vậy, khi Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ sẽ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST24, ST25 ở Mỹ. Nếu doanh nghiệp Việt cung cấp và buôn bán sản phẩm ở Mỹ mà không thông qua các doanh nghiệp này, doanh nghiệp Việt sẽ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. 

Đơn đăng ký gạo ST25 (Hiện chưa được thông qua). Nguồn: uspto

Ngoài ra, bạn cũng có thể xem thông tin về tập đoàn đăng ký thương hiệu gạo ST25 TRANSWORLD FOODS ở đây.

Theo báo Người lao động, Giám đốc một doanh nghiệp am hiểu thị trường Mỹ cho rằng: Tại thị trường này, hễ mặt hàng nào nổi lên trên thế giới, được người tiêu dùng chú ý ngay lập tức sẽ có người đăng ký thương hiệu đón đầu.

Vị giám đốc này phân tích: “Chi phí đăng ký thương hiệu không nhiều, nếu mặt hàng bán chạy thì người đăng ký thương hiệu trước có thể bán lại cho chủ sở hữu thực sự hoặc nhận tiền bản quyền khi có hàng hóa xuất khẩu sang. Trường hợp chủ sở hữu muốn đòi lại thương hiệu phải trải qua cuộc chiến pháp lý khá phức tạp.”

Đăng ký ‘hộ’ thương hiệu

Có rất nhiều trường hợp cá nhân trục lợi từ việc đăng ký hộ cho các thương hiệu nổi tiếng. Điển hình nhất phải kể đến vụ tranh chấp nhãn hiệu giữa thương hiệu nổi tiếng quốc tế Starbucks với luật sư Zuykov khi Starbucks đang trên đường mở rộng vào Nga. Hồi đó, chỉ 1 cá nhân đơn lẻ đã có thể ngăn cản đà phát triển cấp tốc của hãng cà phê Starbucks khổng lồ trên con đường phát triển quốc tế ở Nga. Tuy cuối cùng, Starbucks đã giành chiến thắng trên tòa nhưng quãng thời gian hầu tòa với ông Zuykov đã khiến cho con đường mở rộng phát triển của thương hiệu cà phê này ở Nga gặp trì trệ rất lớn.

Để khắc phục tình trạng các cá nhân, tổ chức trục lợi từ việc đăng ký hộ và hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, các quốc gia hiện theo nguyên tắc First to file (Việt Nam) đã ra các quy định về nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu trong một thời gian nhất định. Nếu nhãn hiệu không được sử dụng trong một khoảng thời gian (ví dụ khoảng 6 tháng) thì tổ chức khác có thể yêu cầu hủy hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhằm tạo điều kiện cho chủ sở hữu có thể lấy lại được nhãn hiệu, thương hiệu của mình, đồng thời phát huy được hết mục đích thương mại của thương hiệu.

Gạo thơm thượng hạng ST25. Nguồn: phuclocgia

Với doanh nghiệp, điều quan trọng hơn cả không chỉ là tiền mà chính là quãng thời gian quý báu để mở rộng phát triển thương hiệu. Và hiện nay, gạo ST24 và ST25 lại có cùng câu chuyện với Starbucks. Nhưng liệu thương hiệu gạo ngon nhất thế giới 2019 này có thể có kết thúc ‘có hậu’ như Starbucks và trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu?

Rắc rối trong việc đăng ký bản quyền ở Việt Nam và Hoa Kỳ

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang rất chậm chạp trong việc đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài, trong khi Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới.

Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, hiện thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất, vì thế doanh nghiệp cần nhanh chóng chứng minh mình là chủ sở hữu của thương hiệu đó để được bảo hộ thương hiệu trên khán đài quốc tế.

Hoa Kỳ nơi thương hiệu gạo ST24 và ST25 ‘được’ đăng ký hộ là quốc gia theo nguyên tắc First to use. Điều đó có nghĩa là quyền sở hữu công nghiệp được trao cho người đầu tiên sử dụng thương hiệu, chứ không phải người đầu tiên nộp đơn đăng ký. Do đó, 4 doanh nghiệp đăng ký hộ gạo trước không nhất thiết sẽ là người giành chiến thắng sau cùng trong cuộc chiến sở hữu trí tuệ này. Doanh nghiệp Việt vẫn còn cơ hội giành chiến thắng rất lớn nếu phản ứng kịp thời và quyết đoán.

Do đó, doanh nghiệp Việt cần phải tìm hiểu, nắm rõ được sự khác biệt giữa nguyên tắc nộp đơn First to file và First to use để hiểu rõ được quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu ở mỗi quốc gia và giành được lợi thế khi có sự tranh chấp về ai là chủ sở hữu hợp pháp của thương hiệu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần hiểu thêm về các nguyên tắc khi đặt tên thương hiệu, tránh trùng lặp và tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Bạn có thể đọc thêm về bài viết 8 Sai lầm dễ gặp trong đặt tên thương hiệu – nhãn hiệu để hiểu thêm về các nguyên tắc quan trọng cần biết khi đặt tên thương hiệu, nhãn hiệu.

Liệu ta còn cơ hội giành lại loại gạo bản sắc Việt?

Ngay bây giờ, thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nếu thời gian tới doanh nghiệp vẫn không có ý định đấu tranh, không có động thái kịp thời để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu thì thương hiệu gạo ngon nhất Việt Nam này có thể sẽ bị cướp mất hoàn toàn.

Phía Bộ Công Thương đã tư vấn cho doanh nghiệp ông Hồ Quang Cua đăng ký thương hiệu ở Mỹ: “Ông Hồ Quang Cua cần chứng minh mình là sở hữu của thương hiệu đó, ví dụ là người nghiên cứu, tạo ra giống gạo này, đưa đi thi và có giải gạo ngon nhất thế giới”.

Ông Hồ Quang Cua (trái) nhận giải nhất gạo ngon Việt Nam năm 2020 cho giống gạo ST25. Nguồn: nld

Đáp lại lời khuyên và lời động viên từ nhiều cá nhân/tổ chức trên khắp đất Việt, ông Cua – ‘cha đẻ’ của gạo ST25 cho biết rằng ông và nhiều bạn bè đang cố gắng thực hiện các quy trình đăng ký thương hiệu: “Tôi rất cảm ơn mọi người đã chia sẻ, hướng dẫn tôi thực hiện đăng ký thương hiệu gạo ST25 tại nước ngoài. Điều này cho thấy các bạn rất quý hạt gạo của Việt Nam. Chúng tôi đang cố gắng làm các bước thủ tục để đăng ký thương hiệu tại nước ngoài.”

Bài học cho doanh nghiệp Việt trên khán đài quốc tế

Còn điều gì đáng buồn hơn khi thân là người Việt Nam lại phải đứng yên và nhìn các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bản quyền cho thương hiệu Việt của mình. Ngay từ khi tin gạo ST24 và ST25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký lộ ra, cộng đồng mạng Việt Nam đã dậy sóng phẫn nộ bất bình.

Nhiều comment trách mắng, kêu hành động của các doanh nghiệp Mỹ này là ‘unfair’. Trong khi nhiều người lại cho rằng không thể trách họ, mà phải trách chính chủ sản xuất loại gạo ST24 và ST25 tại sao không đăng ký thương hiệu quốc tế ngay từ khi loại gạo này được sản xuất. Vậy trong trường hợp này lỗi là của ai? Của doanh nghiệp Mĩ hay của doanh nghiệp sản xuất ra loại gạo ST24 và ST25, hay lỗi của chính phủ vì không bảo vệ thương hiệu Việt của dân ta?

Hiện thương hiệu gạo ST25 và sở hữu giống là của kỹ sư Hồ Quang Cua. Do đó trách nhiệm bảo hộ bản quyền của loại gạo này trên khán đài quốc tế là trách nhiệm của chính bản thân doanh nghiệp và không phải của ai khác (sản phẩm của doanh nghiệp nào doanh nghiệp đó chịu trách nhiệm bảo hộ). Vì đây không phải là sản phẩm thuộc tài sản quốc gia nên trong vụ này, chính phủ cũng không thể làm gì.

Qua đó, việc xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ, nhãn mác bao bì của sản phẩm là 2 việc phải đi song song với nhau. Doanh nghiệp không thể chỉ tập trung vào sản xuất mà đồng thời cũng phải phân chia nguồn lực để đăng ký bảo hộ bản quyền cho thương hiệu để đề phòng trường hợp người khác nẫng tay trên, cướp đi thành quả nghiên cứu hàng chục năm trời của mình.

-Huntress-