Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thời đại kỹ thuật số là yếu tố rất quan trọng cho các doanh nghiệp, bởi vì hiện nay, hầu hết doanh nghiệp phần nào cũng sẽ có sự liên hệ với không gian kỹ thuật số. Qua đó, tài sản của họ có thể bị đánh cắp hoặc sao chép bất cứ lúc nào, thậm chí họ còn có thể không hề hay biết về việc đó. Để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, các doanh nghiệp cần xem xét về việc gia tăng các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong không gian mạng.

Vấn đề quyền sở hữu trí tuệ trong thời đại kỹ thuật số tại Việt Nam

Sinh sống trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các yếu tố khoa học kỹ thuật mới được ra mắt mỗi ngày như trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh, blockchain, bảo mật, mã hóa thông tin điện tử,… các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự hòa nhập với thế giới thông qua các nền tảng kỹ thuật số nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của mình.

Không gian mạng là một nơi lý tưởng để phát triển doanh nghiệp. Tại Việt Nam, ví dụ nổi bật hiện nay về sự phát triển của nền kinh tế độc lập, tự chủ xoay quanh các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shoppee, Lazada, Tiki,…

Tuy nhiên, việc kinh doanh tại các trang, sàn thương mại điện tử này còn mang tính tự phát, không có quy định cụ thể dẫn đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các bên khác diễn ra rất nhiều. Hành vi làm giả, làm nhái sản phẩm đã có từ lâu nhưng chưa bao giờ thế giới phải đối mặt với quy mô lớn như hiện tại và khả năng lan rộng của nó.

Biện pháp xâm phạm nổi bật diễn ra khi các cá nhân, tổ chức nhỏ ăn cắp thương hiệu, nhãn hiệu đã được bảo hộ của các thương hiệu nổi tiếng, in lậu, chế lậu sản phẩm như sách, thiết bị, chậu, bình,… đã được đăng ký hoặc đang trong tình trạng xét duyệt bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, bản quyền, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,…

Họ hưởng lợi từ việc không phải tốn công sức, chi phí đi xây dựng thương hiệu hoặc sáng chế ra phương trình, công thức tạo ra một sản phẩm,… mà chỉ việc đạo nhái tên tuổi rồi bán với giá chuẩn hoặc giá thành rẻ hơn để thu hút người mua (có thể sử dụng các chương trình khuyến mãi độc quyền trên các trang thương mại điện tử).

Qua đó, việc tăng cường các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian kỹ thuật số sẽ là bước đi đúng để đảm bảo tạo nên môi trường kinh doanh trực tuyến ổn định, giữ lại những điểm tích cực và loại đi những điểm còn hạn chế.

Lên án hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng số

Việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng kỹ thuật số nói riêng và trên thị trường nói chung không chỉ có hại cho bên sở hữu quyền mà còn có hại cho chính người tiêu dùng đã mua phải các sản phẩm xâm phạm đó, thường với giá thành rẻ hơn nhằm tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, các sản phẩm đó thường là sản phẩm kém chất lượng, thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng đặc biệt xấu đến sức khỏe của người dùng. Nếu là các sản phẩm kỹ thuật số như bóng đá lậu, phim lậu, truyện lậu, game lậu,… người xem, người chơi cũng có thể bị nhiễm virus trên thiết bị xem khi sử dụng dịch vụ của các trang web này và việc sử dụng các sản phẩm xâm phạm đó có thể làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của chủ sở hữu quyền, khiến họ không còn động lực để tiếp tục sản xuất sáng tạo hoặc gia tăng các phần mềm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm (DENUVO).

Qua đó, người dùng không nên chỉ đứng ở ngoài nhìn vào vấn đề mà nên xem xét việc gia nhập vào cuộc chiến chống hành vi xâm phạm quyền, tự nâng cao ý thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, sử dụng các sản phẩm chính hãng, được bảo hộ quyền dù rằng sản phẩm đó có thể có giá thành cao hơn so với các sản phẩm lậu.

Việc sử dụng sản phẩm chính hãng cũng là một trong các phương thức chủ động mà người dùng có thể thực hiện nhằm chống lại các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Khi thị trường xem lậu và thu lợi từ quảng cáo dần mất đi, các trang lậu hay các thương nhân buôn bán sản phẩm đạo nhái trên sàn thương mại điện tử sẽ dần mất đi nguồn thu để duy trì, cuối cùng hoàn toàn chấm dứt hành vi xâm phạm quyền.