Mods và UGC là các khái niệm chỉ về sự liên hệ mật thiết giữa một tựa game và cộng đồng game đó. Cả hai yếu tố này đều do cộng đồng người chơi tạo nên, đó có thể là một cá nhân hoặc một tổ chức xây dựng nên các nội dung dựa trên tựa game có sẵn, hoặc theo cách hiểu khác là tập hợp code và các yếu tố kĩ thuật khác xây dựng nên game. Tuy nhiên, vì sự nổi tiếng và phổ biến của các khái niệm này trong cộng đồng game mà hiện nay, nó đã dần gây nên nghi vấn về việc liệu Mods và UGC có khả năng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của nhà sản xuất game hay không.

Mods

Trong ngành công nghiệp game, “mods” là từ viết tắt của “modifications” hay còn hiểu là “sửa đổi”, là những thay đổi do người dùng thực hiện đối với trò chơi điện tử. Bản mod có thể có nhiều dạng khác nhau nhưng vẫn sẽ giữ yếu tố game gốc là trung tâm, chẳng hạn như thêm cấp độ mới, nhân vật mới hoặc cải thiện cơ chế trò chơi, cải thiện đồ họa hoặc điều chỉnh cân bằng trò chơi,…

Ví dụ, trong tựa game Witcher 3, một trong các yếu tố khiến nhiều người chơi thấy khó chịu là cơ chế nhặt, thu thập đồ (Loot) quá phức tạp, buộc người chơi phải bấm nút thu thập liên tục. Vừa có nguy cơ tổn hại bàn phím, vừa tạo cảm giác nhàm chán khi quá trình được lặp đi lặp lại trong vài chục, vài trăm giờ chơi game khiến cộng đồng mods của Witcher 3 tạo ra một mods giúp người chơi chỉ ấn một lần duy nhất là có thể thu thập được mọi đồ vật trong phạm vi nhất định.

Ngoài chế độ Auto Loot, game Witcher 3 cũng có các bản mods khác. Ví dụ như mods cho phép người dùng dịch chuyển bất kì đâu trên bản đồ, khả năng bay lượn, các trang phục đẹp và độc hơn cho nhân vật game, hiệu ứng chiến đấu, bùa chú đẹp hơn,…

Các bản mod được tạo bởi các thành viên của cộng đồng game và thường được phân phối trực tuyến thông qua các nền tảng hoặc trang web khác nhau đến cộng đồng game đó. Chúng có thể được tạo bằng nhiều công cụ khác nhau, chẳng hạn như phần mềm phát triển trò chơi, ngôn ngữ lập trình hoặc công cụ sửa đổi chuyên dụng.

Bản mod đã phổ biến trong ngành công nghiệp trò chơi trong nhiều năm và đã góp phần kéo dài tuổi thọ của nhiều game nổi tiếng bằng cách giữ cho chúng luôn mới mẻ và mang lại trải nghiệm mới cho người chơi. Điều này là cần thiết và được khuyến nghị, ủng hộ bởi đa phần nhà sản xuất game do một tựa game không có mods hoặc các nội dung mới liên tục được cập nhật sẽ không có giá trị chơi lại.

Người chơi thường sẽ chỉ chơi một tựa game một lần hoặc nếu quy ra thời gian thì khoảng 100 giờ. Khi phá đảo hoặc khi đã chán, họ sẽ tiến tới tựa game tiếp theo. Mods chính là một trong các nhân tố khiến một tựa game trong thế kỉ 22 trở nên đáng chơi và quan trọng hơn là đáng chơi lại.

Một số nhà phát triển trò chơi thậm chí còn khuyến khích việc tạo mods bằng cách cung cấp các công cụ hoặc API để giúp quá trình này trở nên dễ dàng hơn đối với người dùng. Hiện nay, một số trò chơi đã được xây dựng với ý tưởng có các bản mods ngay từ trong giai đoạn phát triển và thậm chí, tối ưu việc phát triển các bản mods thay vì tựa game gốc.

Đối với các tựa game này, UGC sẽ là một khái niệm phù hợp hơn.

UGC

Khá tương đồng, thậm chí ở một vài lĩnh vực có thể được coi là một nhưng UGC vẫn có đôi chút khác biệt so với Mods ở quy mô. UGC (User-generated content) định nghĩa là nội dung do người chơi tự tạo có thể bao gồm khái niệm về các bản mods.

UGC là bất kỳ dạng nội dung nào, chẳng hạn như hình ảnh, video, văn bản, lời chứng thực và âm thanh, đã được người dùng đăng trên các nền tảng trực tuyến như mạng xã hội phương tiện truyền thông, diễn đàn thảo luận và wiki. UGC là sản phẩm mà người tiêu dùng tạo ra để phổ biến thông tin về các sản phẩm trực tuyến hoặc các công ty tiếp thị chúng.

Khái niệm rõ nhất ở UGC trong thế giới game xuất hiện ở tựa game Roblox hoặc Minecraft. Điểm chung của 2 game này là nó hoạt động như một nền tảng trực tuyến dựa trên nguyên tắc trải nghiệm thế giới (Minecraft) hoặc game (Roblox) do người dùng khác tạo nên.

Dựa trên mã nguồn gốc, người chơi có thể sử dụng các yếu tố cơ bản của game như các khối hình vuông có độ phân giải thấp của Minecraft để tạo nên một kì quan với tỉ lệ 1:1 của thế giới như vịnh Hạ Long của Việt Nam, Grand Canyon của Mỹ, Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc,…

Mods và UGC trong ngành game , Mods và UGC, Mods , UGC,
Công trình một phần thành phố Sokovia trong bộ phim của Marvel Avenger: Age of Ultrons bị hút khỏi Trái Đất tạo bởi người chơi Minecraft. Nguồn: TrixyBlox

Với UGC, một tựa game sẽ trở nên nổi tiếng, điển hình nhất với sự thành công của Roblox và Minecraft. Sự tương tác thực tế với nội dung do người chơi giống mình tạo nên chính là điểm nổi bật của UGC, thu hút một cộng đồng game lớn trên thế giới. 

Liệu Mods và UGC có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?

Tuy rằng Mods và UGC mang lại nhiều giá trị cho nhà sản xuất game, liệu sự thành công quá lớn của Mods và UGC sẽ trở thành yếu tố cản đường, chướng ngại trong mắt nhà sản xuất game?

Qua đó, liệu họ có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm game của mình, ngăn cấm việc các người dùng tạo nên các sản phẩm Mods và UGC trên nền tảng của mình, thậm chí khởi kiện để yêu cầu bồi thường?

Ở vai trò là người chơi, việc tạo và chia sẻ các bản Mods, UGC dựa trên trò chơi điện tử luôn liên quan đến việc sử dụng tài sản trí tuệ của trò chơi theo cách này hay cách khác, bởi lẽ Mods và UGC được xây dựng trên chính tài sản game đó.

Nếu một bản mods về gameplay có bao gồm âm thanh được giữ nguyên hoặc bản mods tăng giảm âm lượng, làm chất lượng âm thanh mượt mà hơn, liệu file mods đó có được xem là hành vi xâm phạm bản quyền âm thanh mà nhà sản xuất nắm giữ, hoặc hợp tác với một bên khác?

Nếu là trường hợp hợp tác thì dù bên sản xuất game có đồng ý với sự phát triển và chia sẻ của Mods thì chưa chắc bên sản xuất nhạc đã đồng ý, do việc đó xâm phạm đến lợi ích của họ. Nhà sản xuất nhạc có thể không có sự liên hệ trực tiếp đến lợi ích sẽ đạt được nếu tựa game phát triển hơn, do hợp đồng giữa 2 bên thường chỉ là hợp đồng cung cấp với một khoản lợi ích cố định, không phụ thuộc vào doanh thu.

Tuy nhiên, nếu nhà sản xuất đã thỏa thuận với các bên cung cấp và qua đó, trở thành chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ duy nhất của mọi yếu tố trong tựa game như âm thanh, đồ họa, văn bản, phong cách,… gồm quyền tác giả và cả quyền nhân thân thì thứ duy nhất các moder hay user của UGC cần chú ý là “Thỏa thuận cấp phép người dùng cuối” (End-user license agreement) quy định về việc sử dụng các tài sản trí tuệ của game.

Trong hầu hết các game hiện nay, trước khi vào game, người chơi đều phải tích xác nhận về việc đã đọc thỏa thuận này (Mặc dù gần như không ai thật sự đọc nó). Dù không đọc nhưng sự xác nhận đó chính là minh chứng cho giao kết pháp lý giữa hai bên. Nếu người chơi vi phạm quy định nào đó trong thỏa thuận, họ có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Trong đó, điều khoản “Giới hạn sử dụng” hay “Giới hạn sử dụng cá nhân” là điều khoản quy định về điều mà người dùng, người chơi có thể thực hiện với tựa game. Thông thường sẽ có dòng sau: “Người dùng không được phép sửa đổi, sao chép, phân phối, chuyển tải, trình chiếu công khai, thực hiện, xuất bản, cấp phép, tạo sản phẩm phái sinh, chuyển nhượng hoặc bán bất kỳ thông tin, phần mềm, sản phẩm hoặc dịch vụ nào có được từ Dịch vụ (trừ trường hợp sử dụng cá nhân vì mục đích phi thương mại) mà không có văn bản chấp thuận của nhà sản xuất/nhà phát hành game”

Về vấn đề đăng tải thông tin nội dung game lên mạng, có quy định: “Người dùng khác có thể xem mọi Nội dung được người dùng đăng tải công khai. Người dùng có thể xóa bỏ một số loại hình Nội dung sau khi đăng tải. Tuy nhiên, không phải loại hình Nội dung nào cũng có thể bị xóa bỏ sau khi được đăng tải công khai.”

Ngoại trừ các nội dung lớn đến mức độ có thể sánh ngang với DLC (Downloadable Content) thì hầu hết các Mods và UGC đều được tự tạo mà không có sự thỏa thuận hay chấp thuận trực tiếp, gián tiếp nào của nhà sản xuất game. Qua đó, có thể nhìn theo một hướng là hầu hết các Mods và UGC trên mạng hiện nay đều là sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của nhà sản xuất.

Tuy nhiên, như đã nhắc đến ở trên, các nhà sản xuất thường sẽ ủng hộ, khuyến khích hành vi này nếu nó không tạo nên tác động tiêu cực đến họ. Trong trường hợp ảnh hưởng là tiêu cực, họ sẽ có thể sử dụng các nội dung trong Thỏa thuận cấp phép người dùng cuối làm cơ sở để bảo vệ quyền lợi của mình, yêu cầu gỡ bỏ hoặc bồi thường.

Tuy hiếm nhưng việc này không hẳn là không có khả năng xảy ra. Tháng 3 năm 2020, Sony đã bị Nintendo buộc xóa UGC có nhân vật chính Mario nổi tiếng của Nintendo khỏi trò chơi điện tử Dreams do Sony phát hành. PieceofCraft, bên tạo ra sản phẩm Mario trong Dreams đã cho biết về vụ việc này trên trang Twitter của họ. Tuy nhiên, có vẻ như Nintendo không có yêu cầu gì khác ngoài yêu cầu gỡ bỏ do bản thân PieceofCraft cho biết họ coi động thái của Nintendo là ‘kinda like a slap on the wrist’ nghĩa là chỉ cảnh báo, yêu cầu gỡ bỏ chứ không có hành động nào nặng hơn.

Hiện nay, hầu hết các nhà sản xuất, phát triển game đều không có khả năng cũng như nhu cầu loại bỏ việc sử dụng mọi phần của Mods và UGC nếu họ không muốn đối mặt với sự xa lánh của cộng đồng game. Chính vì vậy mà trong tương lai, ngành công nghiệp game chắc chắn sẽ còn thấy nhiều trường hợp tương tự như Sony và Nintendo trong tương lai.

Dẫu vậy, ngoài một vài trường hợp nhỏ thì nhìn chung, Mods và UGC sẽ có sự phát triển bền vững khi khoa học kĩ thuật tiếp tục tiến bộ. Trong khoảng 10, 20 năm tiếp theo sẽ là kỷ nguyên của game thực tế ảo (VR games). Thật ngóng chờ các sản phẩm của cộng đồng game thủ trong các tựa game này. Tuy nhiên, các nhà sáng tạo luôn cần phải nhớ và tôn trọng sự tồn tại của Luật Sở hữu trí tuệ.

Sáng tạo là tốt nhưng việc sáng tạo không kiểm soát có thể ảnh hưởng đến bản thân người sáng tạo và nhà sản xuất game. Qua đó, các moder và user cần làm việc với tinh thần tôn trọng nguyên tác và công sức của đội ngũ sản xuất, phát hành game và khi nhận được ‘a slap on the wrist’ thì nên tuân thủ, hợp tác với thiện chí để tránh việc cái tát nhẹ trở thành một vụ kiện pháp lý khổng lồ mà người sáng tạo gần như chắc chắn sẽ thua.