Nhái nhãn hiệu là tình trạng khá phổ biến trong thị trường bánh kẹo. Từ bao bì, kích thước, màu sắc đến tên của nhãn hiệu cũng gần giống, khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn.

Bánh Custas bị nhái gần như giống hệt

Hàng nhái gần giống hệt hàng thật

Trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều bánh kẹo có tên gần giống với các sản phẩm thật. Có thể kể đến như bánh Custas với Custard, bim bim Oishi với Oshi, kẹo Alpeliebe với Apellebe, …. Tuy nhiên, bên trong các bao bì đó lại là những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Do mẫu mã vỏ hộp gần giống với sản phẩm thật nên nếu khách hàng không để ý, có thể dễ dàng “sập bẫy”.

Ngoài việc sử dụng tên thương hiệu gần giống, bao bì của sản phẩm cũng bị nhái. Thông thường, bao bì và kích thước của sản phẩm nhái được thiết kế gần như giống hệt hàng thật. Điều này khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc phân biệt hàng thật và hàng nhái.

Hàng nhái được tiêu thụ nhiều vì giá rẻ

Đa phần các sản phẩm nhái giá thấp hơn nhiều lần hàng chính hãng. Nếu như một hộp bánh Choco-Pie 12 chiếc có giá dao động từ 45.000-60.000 đồng, thì hàng nhái được bán với giá chỉ bằng một nửa. Bánh Danisa cũng vậy, thậm chí một số nơi còn bán với hình thức tinh vi hơn. Để tránh cho người tiêu dùng nghi ngờ, phát hiện là mẫu mã giả, nhái, gian thương chỉ bán thấp hơn đôi chút. Nếu một hộp bánh quy bơ Danisa 681g có giá trên thị trường từ 175.000 – 190.000 đồng, thì mẫu mã giả được bán với giá khoảng 130.00 đồng – 140.000 đồng.

Bánh Choco-Pie bị nhái và được bán với giá thấp hơn

Khi được hỏi xuất xứ các loại bánh kẹo này, người bán hàng cho biết kẹo được sản xuất tại các cơ sở trong nước. Một số mặt hàng nhập khẩu vì không mất chi phí bao bì, đóng gói nên có giá rẻ. Không những vậy, hiện nay còn có hình thức bán hàng trên thị trường mới, đó là “chợ Online Facebook”. Đây được coi là một trong những kênh bán hàng được ưa chuộng với lượng khách hàng khá lớn. Tuy nhiên, điều đáng nói là bên cạnh những mặt hàng có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; thì rất nhiều mặt hàng được làm giả, làm nhái và bán ra với giá rất rẻ.

Ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng

Việc ăn phải những loại bánh giả, nhái này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Bánh kẹo, mứt, hạt dưa kém chất lượng có thể chứa nhiều các chất độc hại. Trong đó có chất Rhodamine B. Đây là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng để nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm vì chúng có thể dẫn đến ung thư. Chất phụ gia tạo màu gây bệnh béo phì, tiểu đường, các vấn đề về não, ung thư. Hóa chất tạo ngọt nhân tạo aspartame có thể gây chán nản, kiệt quệ các tế bào não…

Với người tiêu dùng, các sản phẩm nhái sao chép về hình thức gần giống hệt với hàng thật. Tuy nhiên với điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm thì không thể kiểm chứng được chất lượng. Vì vậy, nếu người tiêu dùng không chú ý có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình.

Cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm các biện pháp để tự bảo vệ mình. Đó là đưa ra các giải pháp như sử dụng tem chống giả để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Một số doanh nghiệp lựa chọn cách đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Tuy nhiên, muốn tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh, sản phẩm chất lượng an toàn thì đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp ngành từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt cần kịp thời phát hiện và có chế tài xử lý nghiêm vi phạm.

Hành vi sản xuất bánh kẹo giả có thể cấu thành tội phạm. Người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 157 Bộ luật hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Nghị định 98/2020/NĐ-CP

Mới đây, để bảo vệ người tiêu dùng Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Trong đó quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10/2020. Trong đó tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái.

Nghị định cũng quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Ngoài ra còn có quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước tình trạng vi phạm về nhãn hàng hóa còn tràn lan, để hạn chế việc mua phải hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cần tạo thói quen xem kỹ nhãn mác, bao bì sản phẩm trước khi chọn mua.

-Namneyu-