Trong bảng xếp hạng “Hệ sinh thái khởi nghiệp 2021” cho thấy, cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều tăng bậc so với năm 2020. Trong đó, giá trị của hệ sinh thái startup ở TPHCM đã đạt mức 1,4 tỷ USD. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
StartupBlink – Trung tâm nghiên cứu khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu vừa công bố bảng xếp hạng “Hệ sinh thái khởi nghiệp 2021” cho 1.000 thành phố và 100 quốc gia trên toàn thế giới. Tổ chức này xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp tại các quốc gia dựa trên các tiêu chí: số lượng khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, chất lượng của các startup và tổ chức này, môi trường kinh doanh.
Báo cáo của StartupBlink cho thấy, dù Việt Nam không tăng về thứ hạng nhưng cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều tăng bậc so với năm 2020. TP.HCM đứng trong nhóm 61-70, trong khi Hà Nội lần đầu có mặt trong xếp hạng này và thuộc nhóm 91-100. Theo các chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp, việc các thành phố của Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng hệ sinh thái toàn cầu này là cực kì quan trọng, bởi nó sẽ giúp Việt Nam xuất hiện trên bản đồ khởi nghiệp thế giới và lọt vào tầm ngắm của quốc tế.
Bảng xếp hạng của Startup Genome và các đối tác hiện là một trong số ít các báo cáo sâu nhất và toàn diện nhất về hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu. Nó giúp các nhà hoạch định chính sách trả lời câu hỏi “Làm thế nào để hệ sinh thái của mình tăng cơ hội chiến thắng trong cuộc cách mạng khởi nghiệp toàn cầu?”, đồng thời giúp những người sáng lập và giám đốc điều hành startup giải đáp thắc mắc nên đặt công ty hay mở văn phòng đại diện ở đâu để tối đa hóa cơ hội thành công hoặc có chi phí khởi nghiệp thấp nhất? Các nhà đầu tư cũng dựa trên những dữ liệu này để tìm kiếm các hệ sinh thái có những công ty khởi nghiệp tốt nhất và các nhà đầu tư địa phương kinh nghiệm mà họ có thể kết hợp.
TP.HCM và Hà Nội thuộc Top 100 hệ sinh thái Startup mới nổi toàn cầu
Top 10 hệ sinh thái mới nổi trong báo cáo năm nay lần lượt gồm: 1- Mumbai (Ấn Độ), 2-Copenhagen (Đan Mạch), 3- Jakarta (Indonesia), 4- Quảng Châu (Trung Quốc), 5- Barcelona (Tây Ban Nha), 6- Estonia (Estonia), 7- Vô Tích (Trung Quốc), 8- Madrid (Tây Ban Nha), 9-Zurich (Thụy Sĩ), và 10- Miami (Mỹ).
Theo GSER, bảng xếp hạng Top 100 hệ sinh thái mới nổi đang biến chuyển nhanh chóng, số lượng hệ sinh thái tạo ra giá trị vượt quá 4 tỷ USD đã tăng hơn gấp đôi trong bốn năm qua. Giá trị của hệ sinh thái (Ecosystem value) được tính bằng giá trị cộng dồn qua các năm của các lần thoái vốn và định giá của các startup trong hệ sinh thái đó.
Việt Nam trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu
Phía StartupBlink cho rằng, sở dĩ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang phát triển nhanh so với khu vực là nhờ quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Điều này tạo thuận lợi cho các startup trong nước phát triển, ngay cả khi các công ty này chưa vươn ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, để thực sự trở thành một trung tâm khởi nghiệp trong khu vực, StartupBlink đề xuất Chính phủ Việt Nam cần tạo ra những đổi mới về mặt cơ chế, chính sách giúp các startup trong nước phát triển xa hơn nữa.
Các sáng kiến về chuyển đổi số tại Việt Nam thời gian gần đây được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhờ đó, các chỉ số tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đều rất tích cực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm phần mềm, dịch vụ.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 10 kỳ lân vào năm 2030. Nếu mục tiêu này hoàn thành, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có thể kỳ vọng sẽ nhanh chóng thăng hạng với các quốc gia và thành phố.