Thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam được biết đến là sản phẩm đã từng đạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2019. Trong những ngày gần đây, thương hiệu này lại một lần nữa tạo lên một nét đột phá khi được Văn phòng Nội các Nhật Bản đưa vào thực đơn. Cụ thể là vào ngày 2/9, món cơm chiên sử dụng nguyên liệu là gạo ST25 đến từ Việt Nam đã trở thành “bữa trưa đặc biệt” tại Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Để đạt được những thành tựu này, đại diện Công ty TNHH Spice House – đơn vị phân phối gạo ST25 ở Nhật Bản cho biết thương hiệu gạo ST25 phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng với yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Nhật bản. Đại diện công ty TNHH Spice House còn cho biết, tất cả các quy trình từ gieo trồng, theo dõi chất lượng, thu hoạch, đóng gói và bảo quản đều được kiểm soát chặt chẽ để có thể đảm bảo được chất lượng hạt gạo thơm, chắc và hạt cơm có vị ngọt tự nhiên. Sau hơn 1 năm đàm phán và kiểm định chất lượng, gạo ST25 cuối cùng cũng đã vượt qua tất cả các khâu kiểm tra và được đưa tới người tiêu dùng của xứ sở hoa anh đào.

Với danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”, thương hiệu gạo ST25 đã dần chinh phục được các thị trường, doanh nghiệp nhập khẩu khó tính tại Nhật Bản. Mới đây, vào đầu tháng 7/2022, lần đầu tiên 100 tấn gạo ST25 Việt Nam được quảng bá, bày bán chính thức tại các siêu thị, cửa hàng tại thị trường Nhật Bản, đánh dấu một cột mốc quan trọng khi gạo Việt Nam sẽ chính thức xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình Nhật Bản.

Gạo ST25 được sử dụng làm cơm chiên trong thực đơn ngày 2/9 của cán bộ Văn phòng Nội các Nhật Bản. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Theo ông Khorow Hassanzadeh – Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Spice House: “Nhật Bản là một thị trường khó tính, nhưng với kinh nghiệm hơn 30 năm nhập khẩu gạo, tôi cho rằng ST25 hoàn toàn có thể chinh phục thị trường này. Chúng tôi sẽ cùng nỗ lực với đơn vị sản xuất trong việc quảng bá để người tiêu dùng Nhật Bản biết đến gạo ST25 nhiều hơn.”

Vì vậy, có thể coi đây là một thành công rất lớn của người sản xuất cũng như các nhà thương mại khi đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản. Hơn nữa, đây cũng là một minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Nhật bản cũng như thị hiếu của người tiêu dùng nơi đây.

Tuy nhiên, để gạo Việt Nam có thể dấn thân dài lâu trong thị trường Nhật Bản cũng như xây dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng, bên cạnh các Thương vụ, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường việc tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, các chương trình xúc tiến thương mại nhằm nắm bắt các cơ hội xuất khẩu gạo. Mặt khác, cần đồng bộ quy trình sản xuất, tuyên truyền cho người nông dân sản xuất những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo các quy trình như Global Gap, có vùng trồng ổn định và đồng đều.

Theo ông Tạ Đức Minh- Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ: “Gạo Việt Nam cần gắn liền với thương hiệu, hình ảnh của Việt Nam, có sự khác biệt nổi trội, đặc thù riêng thì chắc chắn sẽ cạnh tranh được với các loại gạo đã bước chân vào thị trường Nhật từ nhiều năm nay của Thái Lan, Trung Quốc”.

Nhìn chung, qua việc gạo ST25 vào được Văn phòng Nội các Nhật Bản, có thể thấy được đây sẽ là bước tiến giúp cho hạt gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nhật bản sau này và cũng là bước đệm để thúc đẩy gạo Việt Nam khẳng định được vị thế của mình và cạnh tranh được với các loại gạo khác trong thị trường xuất khẩu gạo quốc tế.