Trong một hội nghị công nghệ gần đây, Bill Gates lập luận rằng giá trị của Token không thể thay thế (“NFT”) là “100% dựa trên học thuyết về kẻ ngốc hơn (Greater Fool Theory)” – việc có thể kiếm tiền từ các tài sản được định giá quá cao miễn là có người sẵn sàng ra giá cao hơn.

Những câu hỏi chưa có lời giải về SHTT và NFT trong vụ kiện giữa Nike và StockX.

Sự gia tăng mạnh mẽ về giá trị của NFT vào năm 2021 và sự sụt giảm giá trị vào năm 2022, cho thấy có sự những rủi ro về tiềm năng đầu tư của loại tài sản này. Nhưng một trong những điều thường bị bỏ qua khi nhắc đến NFT là tiện ích của chúng ngoài việc trở thành một loại tài sản mới thì NFT còn có thể có nhiều chức năng hữu ích.

Một ứng dụng của NFT là việc có thể sử dụng chúng làm bằng chứng về quyền sở hữu tài sản thực. Có nhiều loại tài sản thực, chẳng hạn như đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật và thẻ giao dịch có giá trị, phải được lưu trữ cẩn thận và có thể bị hư hỏng khi người bán chuyển giao cho người mua. NFT liên quan đến tài sản thực cho phép các bên sử dụng tài sản kỹ thuật số để đại diện cho quyền sở hữu tài sản thực. Bằng cách sử dụng NFT để đại diện cho quyền sở hữu, một bức tranh có thể được mua và bán nhiều lần mà không cần phải di chuyển nó khỏi kho lưu trữ và không bao giờ có bất kỳ sự nhầm lẫn nào về quyền sở hữu hoặc gian lận vì mọi giao dịch đều được ghi lại trên sổ cái blockchain.

Việc sử dụng NFT như vậy đang ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, vẫn có rủi ro xảy ra khi thực hiện hoạt động sử dụng như vậy. Một trong những rủi ro điển hình, được chứng minh bởi vụ kiện của Nike chống lại sàn thương mại điện tử StockX với khiếu nại vi phạm nhãn hiệu.

Diễn biến vụ kiện giữa Nike và StockX

Vào tháng 1 năm 2021, Nike đã đệ đơn kiện sàn thương mại điện tử StockX chuyên buôn bán sneaker cùng với các loại hàng hóa khác. Đơn khiếu nại nêu rõ rằng “Không có sự cho phép hoặc chấp thuận của Nike, StockX đang tự tạo ra các NFT sử dụng nhãn hiệu của Nike, tiếp thị các NFT đó với tài sản của Nike và bán các NFT đó với giá cao để người tiêu dùng tin rằng hoặc có khả năng tin rằng đó là những ‘tài sản kỹ thuật số có tiềm năng đầu tư’ (theo StockX) đã được Nike cấp phép mặc dù trên thực tế những tài sản này không được Nike cấp phép.”

StockX lập luận rằng mỗi Vault NFT của họ gắn liền với một sản phẩm cụ thể, chẳng hạn như một đôi giày thể thao Nike mà họ đã mua lại từ chủ sở hữu hợp pháp và đang được bày bán trên sàn thương mại điện tử của StockX. Vault NFT cũng cho phép chủ sở hữu bán lại NFT và quyền đổi NFT lấy giày mà không phải trả bất kỳ khoản phí vận chuyển hoặc lưu kho nào. Không giống như trong một giao dịch thông thường đối với giày thể thao hoặc hàng hóa vật chất khác, sản phẩm không cần phải được vận chuyển từ bên này sang bên còn lại hoặc xác thực lại khi giao dịch, còn NFT chỉ có thể được bán thông qua nền tảng blockchain.

StockX cho rằng việc sử dụng thương hiệu và hình ảnh của Nike như một phần của việc bày bán Vault NFTs là phù hợp theo học thuyết về lần bán hàng đầu tiên (first sale doctrine) hay việc một pháp nhân có thể bán lại hàng hóa mang nhãn hiệu, chẳng hạn như biểu tượng hoặc tên thương hiệu, sau khi chủ sở hữu nhãn hiệu đã bán những mặt hàng đó. Nói cách khác, quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu trong việc kiểm soát phân phối sản phẩm sẽ không mở rộng ra ngoài lần bán sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, có những hạn chế đối với học thuyết này, bao gồm các trường hợp mà việc bán lại có thể gây ra sự nhầm lẫn hoặc lừa dối người tiêu dùng.

Về NFTs của họ, StockX khẳng định rằng hành động của họ “không khác với việc các nhà bán lẻ và sàn thương mại điện tử lớn sử dụng hình ảnh và mô tả sản phẩm để bán sản phẩm giày thể thao”.

Tóm lại, StockX tuyên bố rằng Vault NFTs là một phương tiện xác thực các sản phẩm có thể buôn bán theo học thuyết lần bán hàng đầu tiên. Nike lập luận rằng NFT là những sản phẩm kỹ thuật số có giá trị khác biệt với sản phẩm thực và StockX “đã chọn cạnh tranh trên thị trường NFT không phải bằng cách dành thời gian để phát triển quyền sở hữu trí tuệ của riêng mình, mà bằng cách xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng của Nike.”

Vấn đề về bất đồng giá cả 

Nếu vụ Nike kiện StockX được đưa ra xét xử, vụ kiện này sẽ đặt ra các cơ sở cho cách xử lý quyền SHTT liên quan đến việc tạo lập, mua và bán NFT, bao gồm cả mức độ khác biệt giữa NFT liên quan đến tài sản thực cùng tài sản thực tương ứng với chúng.

Theo cáo buộc của Nike, một trong những vấn đề có thể ảnh hưởng đến quyết định của tòa án là một số Vault NFT đã được bán với giá cao hơn đáng kể so với những đôi giày được bán ở các cửa hàng chính hãng. Theo Nike, “StockX đã bán các Vault NFT mang nhãn hiệu Nike với giá gấp nhiều lần so với giá của giày Nike trên thị trường.”

Nike cáo buộc rằng phiên bản 2022 của đôi Sneaker Nike Dunk Low được bán lẻ với giá 100 đô la trên trang web của Nike và giá bán lại trung bình của đôi giày này trong năm 2021 trên trang web của StockX là 282 đô la kể từ ngày 2 tháng 2 năm 2022. Tuy nhiên, giá trung bình của Vault NFT được liên kết với đôi giày Dunk Low năm 2021 vào cùng ngày là 809 đô la và giao dịch cao nhất là 3.500 đô la.

Nói cách khác, xuất hiện sự chênh lệch lớn (gần 1000 phần trăm) giữa giá của giày và giá tài sản kỹ thuật số để đổi lấy giày thể thao (ví dụ như Vault NFT).

Sự chênh lệch về giá đã chỉ ra rằng ít nhất trong tâm trí của một vài khách hàng trong những ngày đầu năm 2021 đã có sự nhầm lẫn về việc liệu Vault NFTs chỉ đơn thuần là một phương tiện xác thực và thể hiện quyền sở hữu giày thể thao hay là một loại tài sản độc nhất có giá trị khác biệt với đối tác tài sản thực của họ. Nếu Vault NFT được xác định là các tài sản riêng biệt, thì lập luận của StockX rằng họ được bảo vệ khỏi các tuyên bố vi phạm nhãn hiệu của Nike theo học thuyết lần bán hàng đầu tiên sẽ trở nên mâu thuẫn.

Những câu hỏi chưa có lời giải về NFT và SHTT

Những vấn đề về chênh lệch giá giữa NFTs và những sản phẩm tương ứng trên thị trường không phải là vấn đề mới trong lĩnh vực SHTT, các vụ kiện SHTT khác liên quan đến NFTs cũng đã xuất hiện, chẳng hạn như vụ kiện của Hermès chống lại nghệ sĩ Mason Rothschild. Những vụ kiện này đã tạo nền tảng cho các quyền SHTT và cụ thể là quyền nhãn hiệu, sẽ được xử lý liên quan đến việc tạo, mua và bán NFT trong tương lai.

Các câu hỏi liên quan đến các ứng dụng hiện tại và tiềm năng trong tương lai của NFT:

Làm thế nào để chuyển giao quyền ứng dụng NFT? Việc chuyển giao NFT ảnh hưởng như thế nào đến quyền SHTT với tài sản liên kết?

Quyền cấp phép sẽ được áp dụng như thế nào? Quyền SHTT liên quan đến tài sản liên kết có thể được cấp phép cho NFT không và bằng cách nào?

Việc xử lý vi phạm được áp dụng theo cách nào? Phân tích khả năng vi phạm liên quan đến NFT được liên kết với tài sản được bảo vệ bởi quyền SHTT của bên thứ ba như thế nào?

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nào là hợp lý? Người tạo NFT có thể bảo vệ quyền SHTT nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu người tạo NFT là một cá nhân hoặc tổ chức khác với người tạo ra tài sản được liên kết?

Hiện tại vẫn chưa có câu trả lời hợp lý cho các câu hỏi trên. Tuy nhiên các câu hỏi này đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng sự kết hợp của các hoạt động quản lý và lập pháp sẽ giúp định hình bối cảnh SHTT và NFT trong những năm tới. Nếu không có các quy định rõ ràng về vấn đề NFT và quyền SHTT, các công ty sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đổi mới và bảo vệ quyền của họ trong thế giới kỹ thuật số.