Những chiếc cần gạt nước đơn giản luôn luôn ở đó giúp người lái gạt đi những giọt mưa đọng trên kính tưởng chừng như một điều hiển nhiên. Tuy nhiên, liệu có ai biết được rằng đằng sau chiếc cần gạt tiện lợi đó lại là một cuộc chiến pháp lý kéo dài cả một đời người với hàng chục triệu USD liên quan. Trong bài viết này, ta sẽ ngược dòng quá khứ để gặp ông Robert Kearns – nhà sáng chế thiên tài dành tâm huyết cả cuộc đời mình để tạo nên chiếc cần gạt nước trên xe ô tô dựa theo chuyển động mắt của tài xế.

Kỹ sư Robert Kearns (1927-2005) là nhà sáng chế thiên tài đã tạo nên chiếc cần gạt nước dựa theo chuyển động mắt của tài xế

Tuy nhiên, cần phải nói là ông Kearns không phải là người sáng chế ra cần gạt nước, thay vào đó là một dạng cải tiến của cần gạt nước trên kính xe thời đó. Cải tiến của ông tuyệt vời, hoàn hảo đến nỗi mà sau nửa thế kỉ từ khi ông sáng chế ra nó, chiếc cần gạt dựa trên chuyển động mắt vẫn được sử dụng rộng rãi trên khắp toàn thế giới, không thể bị thay thế.

Vài nét về cuộc đời của Robert Kearns

Sinh năm 1927, Kearns dành cả tuổi trẻ của mình ở Detroit, Michigan, Hoa Kỳ. Nơi đây có thể nói là đốm lửa khởi nghiệp cho nền ô tô phát triển vượt thời đại của Mỹ, có thể nói vì nơi đây có những con người, những tổ chức luôn luôn tìm tòi, đổi mới sáng tạo như Robert Kearns.

Ngay từ khi còn bé, Kearns đã bày tỏ niềm hứng thú lớn lao với cơ khí, cụ thể là những chiếc xe hơi chạy băng băng trên đường phố. Ngày qua ngày, ông tích lũy kinh nghiệm dựa trên sự sáng tạo, đổi mới của những chiếc xe ô tô thời bấy giờ, bao gồm những hãng xe hơi khổng lồ như Ford – công ty mà ông không bao giờ lường được là sẽ trở thành kẻ thù truyền kiếp của mình.

Quyết tâm ghi dấu ấn của mình trong ngành xe hơi, Kearns chuyên chú học tập và cuối cùng đã lấy được bằng thạc sĩ về kỹ thuật cơ khí. Sau đó, ông tiếp tục học lên tiến sĩ.

Tổng cộng, ông Kearns có bằng cử nhân về kỹ thuật cơ khí tại Đại học Detroit Mercy, bằng thạc sĩ về cơ khí tại Đại học bang Wayne, và bằng tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Case.

Không chỉ ô tô, Kearns còn sáng tạo và lên ý tưởng cho sáng chế ở nhiều lĩnh vực khác như lược bôi tràn dầu mỡ, bộ khuếch đại giọng nói, khinh khí cầu thời tiết, hệ thống định vị ,…

Tuy nhiên, những sáng tạo này không có nhiều khả quan. Trong thâm tâm ông luôn mong muốn được quay trở lại ước mơ thửa bé của mình – ô tô.

Đến năm 1962 (1963), ông cuối cùng đã tìm được ý nghĩa của cuộc đời mình trong một ngày mưa bão khi đang lái chiếc Ford Galaxie.

Sáng chế cần gạt nước dựa theo chuyển động mắt của tài xế

Ý tưởng tạo ra cần gạt nước mô phỏng chuyển động của màng mắt của ông Kearns đến từ 10 năm trước ngày bão định mệnh ấy.

Bởi lẽ 10 năm trước, trong đêm tân hôn của mình năm 1953, Kearns đã mở một chai sâm panh – loại rượu vang sủi bọt ăn mừng nổi tiếng vì việc bắn mở nút chai.

Ông Robert Kearns cùng với gia đình

Chính cái nút chai đó đã bắn thẳng vào mắt trái của Kearns và khiến ông bị mù vĩnh viễn con mắt đấy.

Thị lực suy giảm đã tạo ra nhiều khó khăn cho Kearns và khiến cho việc quan sát những chi tiết nhỏ nhặt của ông rõ nét hơn bao giờ hết. Chính vì vậy mà vào năm 1962 ông đã để thấy sự khó chịu trong cách vận hành của những chiếc cần gạt nước thời bấy giờ.

Vào thời đó, trước Kearns, các cần gạt nước chỉ có hai chế độ cài đặt là cho mưa nhẹ và cho mưa lớn. Các cần gạt được điều khiển bởi một hệ thống chạy bằng chân không chạy liên tục và không cho phép bất kỳ sự sai lệch nào về tần số.

Kearns nhận ra sự sai lệch này và đã nghĩ ra ý tưởng rằng cần gạt kính chắn gió cần phải hoạt động như mắt người, cho phép người lái xe kiểm soát các khoảng dừng giữa và tốc độ của các lần gạt.

Mô phỏng chuyển động của mắt người, Kearns đã chế tạo các nguyên mẫu cần gạt kính trong tầng hầm của nhà mình với tên tiếng Anh là intermittent wiper. Ông Kearns dự định rằng mình sẽ lập nên một nhà máy nhỏ ở Detroit và trở thành nhà cung cấp cần gạt nước cho kính chắn gió xe ô tô chính tại thành phố này và khắc tên mình trong danh sách những vĩ nhân trong ngành công nghiệp ô tô.

Ông chính xác đã trở thành một vĩ nhân trong lịch sử, tuy nhiên không hẳn là ở ngành ô tô mà là ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ, sáng chế với vụ kiện lịch sử chống lại Ford.

Mâu thuẫn với Ford

Trước khi sáng chế ra cần gạt nước đặc thù này, có thể giả dụ rằng Kearns hoàn toàn không có mâu thuẫn gì với Ford, bằng chứng thể hiện ở việc từ bé ông đã lớn lên và nhìn lên Ford – 1 trong 3 công ty ô tô lớn nhất thời bấy giờ, cùng với General Motors và Chrysler. Cộng thêm một điểm quan trọng nữa là ông nảy sinh ra ý tưởng cho chiếc cần gạt khi đang lái chiếc Ford Galaxie – một trong những chiếc ô tô hiện đại nhất của Ford thời điểm đó.

Tuy nhiên, thời điểm ông có một cuộc gặp với nhóm kỹ sư của Ford để chào bán sáng chế của mình là khi tất cả mọi thứ thay đổi.

Mục đích ban đầu của ông chỉ là hợp tác với Ford để trở thành một nhà cung cấp cho hãng xe khổng lồ này. Ông muốn ký một thỏa thuận cấp phép công nghệ của mình, mở một nhà máy sản xuất cần gạt nước của riêng mình và hợp tác theo hướng đôi bên cùng có lợi với công ty.

Kearns cùng với các kỹ sư của Ford thảo luận trong thời gian dài về sáng chế của ông, về tiềm năng của nó và thử thách của họ đối với sáng chế này. Kearns đáp ứng thử thách, ông mua một bể cá, đổ đầy hỗn hợp dầu và mùn cưa, lắp một cặp cần gạt nước bên trong và để chúng chạy liên tục trong 6 tháng. Sau khi vượt qua bài kiểm tra, Kearns đã nộp đơn đăng ký sáng chế đầu tiên cho cần gạt nước ngắt quãng của mình (1964) và sau đó quay trở lại Ford để bàn bạc về tương lai của ông với công ty.

Bằng sáng chế của Kearns về cần gạt nước nộp năm 1964 và được duyệt vào năm 1967

Lần này ông được tiếp đốc bởi giám đốc điều hành của Ford. Sau một bài thuyết trình nhiệt huyết, Ford đã đề nghị ký hợp đồng với ông nhưng đi kèm với một điều kiện là vì cần gạt nước là một “vật dụng an toàn”, tất cả các kỹ thuật của Kearns phải được tiết lộ, công bố công khai trước khi hợp đồng được ký kết.

Không có hoài nghi gì về mục đích của Ford cũng như vì tin tưởng vào tên tuổi, uy tín của 1 trong những công ty xe lớn nhất thời bấy giờ đồng thời là 1 trong những hãng xe ưa thích của mình, Kearns đã trình bày chi tiết cách thiết bị của ông hoạt động và được chào đón vào Ford.

Tuy nhiên, cuộc vui sớm tàn!

Chỉ 5 tháng sau khi vào Ford, ông đã bị hãng xe khổng lồ sa thải vì lí do rằng Ford đã tự nghĩ ra ý tưởng về 1 chiếc cần gạt nước ngắt quãng kiểu mới và do đó không cần đến dịch vụ của ông nữa.

Năm 1969, Ford ra mắt chiếc gạt nước kính chắn gió gián đoạn lạ mắt, lần đầu tiên xuất hiện trên dòng xe Mercury của mình.

Theo thông tin từ Ford, cần gạt nước này tốn 10 USD để sản xuất và được bán với giá 37 USD là một món hàng nóng và sớm được những hãng xe khác trong ngành công nghiệp ô tô áp dụng.

Đến khoảng giữa những năm 1970, Chrysler, General Motors, Saab, Honda, Volvo, Rolls-Royce, Mercedes và hàng chục thương hiệu tên tuổi khác đều đã có một phiên bản cần gạt nước gián đoạn trên ô tô của họ.

Tất cả các thiết bị này tuy có sự khác biệt nhỏ nhưng nguyên lí hoạt động lại hoàn toàn là mô phỏng từ cần gạt nước chớp mắt của Kearns.

Hiển nhiên, Kearns đã vô cùng kinh hoàng khi lần đầu nghe tin về hành vi xâm phạm của Ford. Sự phản bội này khiến ông suy sụp tinh thần đến mức phải nằm điều trị hai tuần trong khu điều trị tâm thần. Tóc ông từng có màu đỏ sau đó đã chuyển sang màu trắng như tuyết.

(Theo dõi tiếp về bài viết tại phần 2)