Thời gian gần đây, người dùng YouTube Việt Nam lại bị tra tấn bởi quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí, nhiều người dẫn chương trình nổi tiếng cho biết hình ảnh cá nhân của họ đang bị các cơ sở quảng cáo thuốc trên YouTube lợi dụng.

Từ “nhà tôi ba đời sỏi thận” đến “bà con ai bị xương khớp”

Cuối năm ngoái, YouTube bị người dùng Việt Nam phàn nàn là để tình trạng quảng cáo tràn lan. Cụm từ “nhà tôi ba đời sỏi thận” ngập tràn các video clip. Đây là các quảng cáo thuốc đông y chữa sỏi thận lặp đi lặp lại trên Youtube. Sau khi bị báo chí phản ánh, các loại quảng cáo này cũng thưa dần và bị thay thế bởi nhiều quảng cáo chính thống khác.

Bẵng đi một thời gian, quảng cáo phản cảm lại xuất hiện trở lại ngập tràn YouTube. Lần này, các loại quảng cáo lại đổi thành motif “bà con ai bị xương khớp lâu ngày”. Nhiều loại bệnh được quảng cáo chữa được trải dài từ tiểu đường, viêm xương khớp… ngay cả COVID-19.

Vài năm trước tình trạng quảng cáo tràn lan thuốc Đông y đã xuất hiện nhiều trên nền tảng Facebook. Những loại thuốc đông y được quảng cáo có công dụng như: Chữa các bệnh về gan, thận, yếu sinh lý, chữa dứt điểm các bệnh hen suyễn, viêm xoang… khiến nhiều người mắc lừa. Tuy nhiên, khi quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội này bị siết thì gần đây quảng cáo thuốc đông y lại bắt đầu chuyển hướng sang người dùng YouTube.

Lợi dụng hình ảnh các MC truyền hình để tăng độ tin cậy

Để thu hút người mua và tăng tính tin cậy, những mẫu quảng cáo này lồng ghép logo của các đài truyền hình; phỏng vấn nhiều người lớn tuổi tự nhận đã được chữa khỏi bệnh. Một số còn sử dụng cả người dẫn bản tin khá chuyên nghiệp.

Các mẫu quảng cáo có tần suất xuất hiện dày đặc trong khoảng một vài tháng trở lại đây. Rất khó kiểm chứng tính xác thực của những quảng cáo này bởi nó hoàn toàn không tuân thủ quy định của Bộ Y tế và Luật quảng cáo. Chúng chỉ cần không vi phạm chính sách của Google.

Nhưng các quảng cáo này nhắm đến đối tượng người xem là những người cao tuổi. Đánh trúng tâm lý mắc bệnh mãn tính lâu ngày không chữa khỏi của người cao tuổi. Điều này có thể gây ra hệ lụy rất nghiêm trọng vì các loại thuốc này chưa được kiểm tra.

Hành vi làm giả thương hiệu nhà đài, làm giả hình thức và cắt ghép nội dung được coi là hành vi ngụy trang truyền hình.

Sử dụng, sao chép các đoạn video bắt đầu của các chương trình phóng sự trên truyền hình là vi phạm tài sản trí tuệ của nhà đài. Các thiết kế mỹ thuật ứng dụng của các chương trình phóng sự trên truyền hình như phông nền đằng sau biên tập viên, phông chữ, bảng thông tin hiển thị trong quá trình phỏng vấn, logo của các kênh truyền hình đều là hành vi vi phạm tài sản trí tuệ của nhà đài, được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, Điều 28, Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đối với cá nhân là 250 triệu đồng và đối với tổ chức là 500 triệu đồng.

Vấn nạn buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ và quảng cáo tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội không phải câu chuyện mới. Nhưng với sự phổ biến của smartphone lẫn smart TV, việc các đối tượng xấu tiếp cận người dùng lại càng dễ dàng hơn bao giờ hết.