Champion là hãng quần áo được rất nhiều bạn trẻ Việt Nam và quốc tế ưa thích vì tính ứng dụng cao, độ thoải mái và sự mượt mà trong từng thớ vải. Chính vì nổi tiếng như vậy, nên rất nhiều tổ chức, cá nhân đã tiến hành sản xuất hàng giả mạo áo champion và buôn bán trên thị trường một cách bất hợp pháp. Tập đoàn Hanesbrands – chủ sở hữu của thương hiệu Champion đã kiện các tổ chức có hành vi sản xuất và buôn bán hàng hóa bất hợp pháp của họ lên Tòa án và mới đây đã nhận được phán quyết có lợi từ Tòa án nhân dân trung cấp Nam Kinh.

Hãng quần áo Champion

Hãng quần áo Champion là một nhà sản xuất quần áo, đặc biệt chuyên về quần áo thể thao. Champion được thành lập vào năm 1919 tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ đến những năm 1980, 1990 thì Champion mới thật sự trở nên nổi tiếng và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Tuy có thiết kế tối giản, gần như chỉ có màu trơn và thương hiệu Champion được in ở chính giữa,  nhưng những bộ quần áo này chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ và thế giới.

Hãng quần áo Champion được nhiều người ưa thích. Ảnh: insideretail

Vụ kiện vi phạm nhãn hiệu

Vào ngày 5 tháng 1 năm 2021, Hanesbrands, nhà tiếp thị hàng đầu thế giới về quần áo thường ngày thông báo rằng họ đã nhận được phán quyết có lợi từ Tòa án nhân dân trung cấp Nam Kinh trong một vụ kiện vi phạm nhãn hiệu liên quan đến thương hiệu Champion của họ ở Trung Quốc.

Vụ kiện liên quan đến việc sản xuất và phân phối các sản phẩm Champion giả mạo và vận hành các cửa hàng bán lẻ Champion trái phép của sáu bị cáo: Hurricane, Chengda, Rainbow Wing, Fuxun, Yunma và Wu Zhanghao. Các tổ chức này ngay lập tức đã được lệnh ngừng mọi hành vi xâm phạm đến thương hiệu Champion và phải nộp phạt tổng cộng hơn 600.000 USD.

Ý kiến chuyên gia

Bin Zhang, luật sư của Văn phòng luật sư bằng sáng chế & nhãn hiệu CCPIT tại Bắc Kinh cho biết: “Việc bảo hộ các nhãn hiệu nổi tiếng luôn nằm trong khuôn khổ pháp lý ở Trung Quốc và mỗi vụ kiện sẽ có những yếu tố khác biệt riêng. Đấu tranh chống lại hành vi vi phạm nhãn hiệu nổi tiếng là điều đặc biệt quan trọng nhằm thiết lập sự cạnh tranh công bằng và nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế.”

Ông cũng cho biết thêm: “Các quy tắc quốc tế về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng chủ yếu là Công ước Paris và hiệp định TRIPS. Nước chúng tôi (Trung Quốc) đã chính thức trở thành một thành viên của cả Công ước Paris và hiệp định TRIPS. Chúng tôi không bảo lưu bất kỳ điều khoản bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng nào, do đó chúng tôi có nghĩa vụ thực hiện các điều khoản liên quan để cung cấp sự bảo vệ pháp lý đặc biệt cho các nhãn hiệu nổi tiếng của các quốc gia thành viên.”

“Đó cũng là các yêu cầu khi gia nhập vào WTO và tham gia vào cuộc cạnh tranh thị trường quốc tế. Việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng một cách hiệu quả không chỉ liên quan đến lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu mà còn liên quan đến lợi ích của người tiêu dùng.”

Áo Champion lâm vào cuộc chiến pháp lý. Ảnh: retailinasia

Chiến thắng cho giới sở hữu trí tuệ

Bình luận về chiến thắng của Champion và Hanesbrands, Jon Ram – chủ tịch phụ trách trang phục thể thao toàn cầu tại Hanesbrands nói rằng chiến thắng này là một chiến thắng quan trọng cho thương hiệu Champion: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực bảo vệ tài sản trí tuệ của mình ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.”

-Monster Hunter-