Ngoài việc cho phép doanh nghiệp phát triển các chương trình mục tiêu có tác động và thúc đẩy thay đổi, các chỉ số bình đẳng giới về SHTT cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tuyên truyền hoạt động đẩy mạnh bình đẳng giới cho bộ phận quản lý cấp cao, các thành viên, toàn bộ tổ chức và các bên liên quan.

Các doanh nghiệp nên phát triển các chỉ số trong ba lĩnh vực riêng biệt nhưng có liên quan với nhau: 

  • Chỉ số hoàn thành của chương trình thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động sở hữu trí tuệ 
  • Chỉ số hiệu suất 
  • Chỉ số nhận thức của nhân viên 

1. Chỉ số hoàn thành của chương trình được sử dụng để xác định tiến độ các hoạt động từ kiểm soát chất lượng đến sức khỏe, an toàn lao động đến an ninh mạng. Việc áp dụng chỉ số hoàn thành cho chương trình sẽ thiết lập những tiêu chuẩn cơ bản và cung cấp lộ trình rõ ràng để doanh nghiệp cải thiện hoạt động của mình.

Các câu hỏi chính để xác định mức độ hoàn thành của chương trình thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ bao gồm: 

  • Chính sách & thủ tục đẩy mạnh bình đẳng giới trong hoạt động SHTT: Doanh nghiệp có các chính sách và thủ tục được lập thành văn bản và xác định rõ ràng kỳ vọng của doanh nghiệp với việc thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động SHTT không? 
  • Đào tạo & truyền thông: Doanh nghiệp có chương trình đào tạo liên tục được hỗ trợ bởi việc tuyên truyền thường xuyên về bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ không? 

2. Chỉ số hiệu suất xác định kết quả và tác động của chương trình thúc đẩy bình đẳng giới về SHTT của doanh nghiệp, các chương trình hoàn thiện hơn tạo ra kết quả tốt hơn một cách nhất quán. Các doanh nghiệp nên sử dụng các chỉ số hiệu suất để theo dõi sự phát triển và thương mại hóa sáng chế hay bí mật kinh doanh một cách riêng biệt. Đối với nhiều công ty sáng tạo, việc phát triển và quản lý các bí mật kinh doanh là những hoạt động quan trọng. Mặc dù vậy, loại tài sản SHTT này lại không yêu cầu việc đăng ký công khai, do đó, những người tham gia vào quá trình phát triển và thương mại hóa chúng có thể không được ghi danh đầy đủ. Các chỉ số bình đẳng giới liên quan đến bằng sáng chế có thể được điều chỉnh cho các bí mật kinh doanh, nhưng điều này có thể yêu cầu tạo ra các thủ tục mới để theo dõi những người tham gia vào việc phát triển và thương mại hóa các bí mật kinh doanh đó. Tùy thuộc vào đặc điểm của từng tổ chức, họ cũng có thể hợp lý khi điều chỉnh các số liệu này cho các loại quyền SHTT phù hợp. 

Các chỉ số được đề xuất để xác định mức độ bình đẳng giới trong hoạt động sáng chế bao gồm: 

  • % số người được ghi danh trong đơn đăng ký sáng chế là phụ nữ; 
  • % phụ nữ là thành viên của nhóm phát triển sáng chế; 
  • % sản phẩm được thương mại hóa dựa trên sáng chế ghi danh phụ nữ là nhà phát minh; 
  • % bằng sáng chế được cấp phép với phụ nữ được ghi danh là nhà phát minh; 
  • % tổng doanh thu được tạo ra từ các sản phẩm hoặc giấy phép ghi danh các nhà phát minh nữ. 

3. Các chỉ số về nhận thức của nhân viên: Việc tạo ra một nền văn hóa trong đó bình đẳng giới sở hữu trí tuệ được đưa vào tổ chức của doanh nghiệp có thể yêu cầu nhân viên thay đổi thái độ và hành vi của họ. Các chỉ số về nhận thức của nhân viên có thể được xác định nếu doanh nghiệp thực hiện các cuộc khảo sát về văn hóa hoặc mức độ tương tác, các doanh nghiệp có thể cân nhắc thêm một số câu hỏi về quyền sở hữu trí tuệ nếu thích hợp. 

  • Trước khi có chương trình bình đẳng về sở hữu trí tuệ, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào quá trình phát triển và thương mại hóa sở hữu trí tuệ là bao nhiêu?
  • Đánh giá mức độ nhận biết tổng thể của doanh nghiệp về chương trình bình đẳng giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. 
  • Đánh giá mức độ hiệu quả của các tài liệu chương trình hoặc chương trình đào tạo đã được tùy chỉnh theo chức năng hoặc vị trí của doanh nghiệp. 
  • Chương trình đã có hiệu quả như thế nào trong việc đẩy mạnh hoặc gia tăng sự tham gia của phụ nữ vào quá trình phát triển và thương mại hóa SHTT? 
  • Doanh nghiệp có giới thiệu người tuyển dụng của mình với một nhà nghiên cứu và/hoặc nhà phát minh nữ có trình độ cao không? 

Xây dựng nền văn hóa bình đẳng giới trong lĩnh vực SHTT 

Một chương trình bình đẳng giới trong hoạt động SHTT hiệu quả sẽ cần phải được cải tiến liên tục vì những thách thức luôn xuất hiện với những lực lượng mới tham gia vào các tổ chức của doanh nghiệp. 

Mục tiêu quan trọng nhất của quá trình này là thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động SHTT trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và quy trình làm việc thường xuyên của tổ chức và doanh nghiệp, đặc biệt là về cách phát triển và thương mại hóa SHTT. 

Việc nhận được sự hỗ trợ từ bộ phận quản lý cấp cao rất quan trọng nhưng cũng khá khó khăn. Các nhà quản lý cấp cao phải đối mặt với rất nhiều vấn đề pháp lý và xã hội. Chúng bao gồm tuân thủ các quy định về môi trường, xã hội và quản trị (ESG); bảo mật dữ liệu; an ninh mạng… Tất cả các hoạt động này đang chiếm nhiều thời gian và sự chú ý của các nhà quản lý cấp cao, và đang được thực hiện ở một mức độ nào đó theo chiến lược tổng thể của doanh nghiệp. 

Xây dựng nhận thức trong toàn tổ chức về giá trị và lợi ích của bình đẳng giới trong phát triển và thương mại hóa SHTT sẽ là mục tiêu quan trọng được các doanh nghiệp hướng tới. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện các hoạt động vượt ra ngoài chương trình đào tạo hàng năm và cam kết một chiến dịch truyền thông liên tục với nhân viên của doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa bình đẳng giới trong lĩnh vực trí tuệ có nghĩa là điều chỉnh thông điệp của doanh nghiệp cho các đối tượng khác nhau. Việc thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực SHTT sẽ yêu cầu những thay đổi trong tổ chức của doanh nghiệp cùng với các chính sách và quy trình mới để truyền cảm hứng thay đổi thái độ và hành vi của mọi người.