Những đề xuất mới đây trong dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ sẽ giúp rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính và đề xuất cũng tập trung vào việc nâng cao cả số lượng và chất lượng của các đại diện sở hữu công nghiệp.
Theo các nhà khoa học tại các trường đại học và học viện hàng đầu, một trong những vấn đề rắc rối nhất khi đăng ký bảo hộ sáng chế cho kết quả nghiên cứu là việc viết mô tả sáng chế (bao gồm mô tả chi tiết về sáng chế và phạm vi của nó). Đây là tài liệu bắt buộc cần phải có khi nộp đơn đăng ký sáng chế. Để viết mô tả sáng chế, người viết cần phải có hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực kỹ thuật của sáng chế và nắm chắc các quy định về cách viết miêu tả sáng chế cụ thể – điều này là đặc biệt phức tạp đối với những người chưa có hoặc thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Chính vì vậy, nhiều cá nhân/tổ chức đã lựa chọn việc nhờ đến sự hỗ trợ của các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Các tổ chức này cung cấp các dịch vụ liên quan đến xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp theo sự ủy quyền của khách hàng. Hiển nhiên, đăng ký sáng chế thông qua một tổ chức thứ 3 sẽ yêu cầu một khoản chi phí bổ sung. Tuy nhiên, nó mang lại lợi nhiều hơn hại. Việc nhờ một tổ chức chuyên về việc đăng ký và giải quyết các thủ tục rắc rối kèm theo sẽ giúp người đăng ký không phải lo lắng về các quy định và thủ tục phiền toái nảy sinh trước, trong và sau quá trình nộp đơn.
Tuy nhiên, nếu người đăng ký yêu cầu sự trợ giúp của các tổ chức này thì một trong những yếu tố quan trọng quyết định khả năng cấp bằng độc quyền của sáng chế sẽ phụ thuộc năng lực của người đại diện sở hữu công nghiệp. Vì vậy, người đăng ký nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đại diện sở hữu công nghiệp nổi tiếng, có uy tín để tăng cơ hội được cấp bằng sáng chế thành công. Không phải đơn đăng ký sáng chế nào cũng được xét duyệt chỉ trong một lần nộp duy nhất, sau khi nộp lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đơn đăng ký sẽ phải trải qua một cuộc thẩm định nghiêm ngặt về hình thức và nội dung.
Trong quá trình này, nếu có vấn đề, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo cho người nộp đơn để sửa đơn cho phù hợp. Nếu người đại diện chuyên nghiệp, biết và có thể nhận diện được vấn đề, đồng thời tìm ra phương án giải quyết nhanh chóng thì quá trình trao đổi qua lại giữa hai bên sẽ được rút ngắn rất nhiều. Ngược lại, nếu đại diện không chuyên nghiệp, không đủ kỹ năng thì quá trình trao đổi sẽ bị kéo dài rất nhiều, thậm chí dẫn đến việc đăng ký thất bại.
Vấn đề chất lượng nguồn nhân lực
Việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế kết hợp với các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước đã mở rộng cánh cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài tiến vào thị trường Việt Nam và qua đó, gia tăng nhu cầu đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp trong thời gian gần đây. Từ đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, số lượng các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam cũng tăng tương ứng.
“Nếu như năm 2006 chỉ có 65 tổ chức với 237 người được cấp chứng chỉ đại diện thì đến năm 2016 đã tăng gần gấp 3 lần với 170 tổ chức và 315 người được cấp chứng chỉ đại diện. Số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp qua các tổ chức đại diện chiếm tỷ lệ cao và tăng dần theo từng năm”, theo thống kê của TS Trần Đắc Hiển, Vụ trưởng Vụ Thông tin Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vào năm 2017.
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra băn khoăn rằng chất lượng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay đang giảm dần do những quy định có phần chưa phù hợp. Trước đây, điều kiện cần thiết để hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp là “tốt nghiệp đại học chuyên ngành pháp lý, kỹ thuật” (Nghị định 63/1996/NĐ-CP về sở hữu công nghiệp), được sửa đổi theo Nghị định 06/2001/NĐ-CP thành “tốt nghiệp từ trường đại học”. Tức là hiện nay hành nghề đại diện thì chỉ cần bằng đại học là được, tất cả các chuyên ngành đều được chấp nhận.
Kể từ đó, “chất lượng người đại diện sở hữu công nghiệp giảm đi rất nhiều, thể hiện ở lượng đơn nộp vào Cục SHTT thông qua đại diện bị từ chối hoặc phải bổ sung thiếu sót ngay từ khâu thẩm định hình thức, khả năng lập luận, trao đổi trực tiếp của người đại diện với cơ quan có thẩm quyền xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp”, theo báo cáo phân tích về dự thảo sửa đổi Luật SHTT.
Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
Trở ngại về chất lượng nguồn nhân lực làm kéo dài thời gian cấp bằng sáng chế, ảnh hưởng đến việc phát triển hoặc thương mại hóa bằng sáng chế của chủ sở hữu. Ngoài ra nó còn làm giảm đi tốc độ xử lý của Cục SHTT. Tác động của việc không có nguồn nhân sự chất lượng cao thậm chí còn rõ rệt hơn khi phải giải quyết các phát minh kỹ thuật phức tạp. Chẳng hạn, có một doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm nhưng họ không tìm được đại diện sở hữu công nghiệp vì các tổ chức này nhận thấy rằng việc viết bản mô tả sáng chế cho sản phẩm này là quá khó khăn. Cuối cùng, doanh nghiệp đó phải tự viết bản mô tả sáng chế và họ đã phải tốn rất nhiều thời gian do không quen với quy trình này.
Để giải quyết vấn đề này, dự thảo sửa đổi Luật SHTT đề xuất yêu cầu người đại diện phải có trình độ đại học luật với tất cả các lĩnh vực đại diện sở hữu công nghiệp (sáng chế, nhãn hiệu, giải pháp hữu ích,…) và có thêm bằng tốt nghiệp về khoa học và công nghệ cho lĩnh vực sáng chế. “Việc đưa ra quy định này là rất cần thiết để nâng cao chất lượng của hệ thống dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp hiện nay tại Việt Nam”, theo báo cáo đánh giá của dự thảo.
Ngoài mục tiêu trên, đề xuất này cũng nhằm đi theo xu hướng quốc tế hiện nay. Hầu hết các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Châu Âu,… đều yêu cầu người hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật. Do đó, Việt Nam, với mục tiêu trở thành một cường quốc sánh vai với các quốc gia phát triển đó cũng nên nâng cao tiêu chuẩn hành nghề của mình. Tại sao ta lại hạ thấp tiêu chuẩn hành nghề nếu như ta dự định nâng tầm ảnh hưởng của quốc gia, so vai với các cường quốc khác?
Ngoài ra, theo cam kết của Việt Nam trong hiệp định thương mại WTO, dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được coi là dịch vụ giấy tờ pháp lý. Do đó, người thực hiện dịch vụ này cần có kiến thức cơ bản về pháp luật để đảm bảo hiệu quả hoạt động trong thực tế.