Gần đây, các game thủ trên khắp thế giới đang “điên cuồng” vì một bom tấn đỉnh cao mới ra mắt – Cyberpunk 2077. Sau 8 năm dài chờ đợi, cuối cùng game thủ Việt và game thủ toàn thế giới đã được chạm tay vào Cyberpunk 2077 – tựa game hành động nhập vai thế giới mở đến từ CD Projekt Red – cha đẻ của series game đình đám The Witcher 3. 

Cyberpunk 2077 cập bến làng game. Ảnh: wall.alphacoder

Với số điểm review trung bình là 96/100, Cyberpunk xứng đáng là một trong những con game hay nhất năm 2020. Tuy nhiên, với một tựa game siêu phẩm như vậy, những tưởng các nhà sản xuất game của CD Projekt Red sẽ bảo vệ đứa con cưng của mình khỏi các “game thủ chùa”  như cách Rockstar bảo vệ bom tấn Red Dead Redemption 2 trong gần một năm từ khi ra mắt (352 ngày).

Nhưng CD Projekt Red lại không làm như vậy. Thay vào đó, họ lại phát hành phiên bản DRM Free trên nền tảng GOG (cũng thuộc sở hữu của CD Projekt). Điều này nghĩa là bom tấn Cyberpunk có thể bị bẻ khóa mà chả tốn một chút mồ hôi công sức nào. Thật vậy, ngay trong ngày 10/12 – ngày mà Cyberpunk 2077 ra mắt, bom tấn này đã bị bẻ khóa hoàn toàn.

Vậy DRM là gì? DRM Free lại là gì? Tại sao khi một tựa game ra mắt phiên bản DRM Free thì cộng đồng game thủ lại “phát sốt”?

DRM là gì?

Digital Rights Management (DRM) là một biện pháp để bảo vệ bản quyền cho các phương tiện kỹ thuật số. Cụ thể, DRM bao gồm việc sử dụng các công nghệ có khả năng hạn chế việc sao chép và sử dụng các tác phẩm có bản quyền và phần mềm độc quyền một cách bất hợp pháp.

DRM (Digital Rights Management). Ảnh: google

Theo một cách nào đó, DRM cho phép nhà xuất bản hoặc tác giả của các phần mềm kỹ thuật số có sự kiểm soát đối với cách mà khách hàng sử dụng các sản phẩm của họ. Đối với các công ty, việc triển khai các hệ thống hoặc quy trình quản lý bản quyền kỹ thuật số có thể giúp ngăn chặn người dùng truy cập hoặc sử dụng một số tài sản nhất định. Đồng thời nó cũng cho phép tổ chức, nhà xuất bản tránh được các vấn đề pháp lý phát sinh từ việc sử dụng trái phép sản phẩm của mình. Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ này, DRM ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo mật dữ liệu và an ninh mạng.

Với sự gia tăng của các dịch vụ trao đổi tệp ngang hàng (P2P) chẳng hạn như uTorrent, BearShare, LimeWire, KaZaa, BitTorrent, …, vi phạm bản quyền trực tuyến đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Với số lượng người sử dụng các phần mềm ăn trộm trải rộng khắp thế giới, DRM không thể bắt và kiện được tất cả những người có hành vi vi phạm bản quyền. Thay vào đó, các công ty, nhà sản xuất tạo nên các chương trình kĩ thuật số tập trung vào việc thiết lập nên những bức tường lửa “bất khả xâm phạm” để ngăn chặn hành vi đánh cắp hoặc chia sẻ sản phẩm của họ ngay từ ban đầu.

Nguyên lí hoạt động của DRM

Thông thường, DRM hoạt động bằng cách giới hạn những thứ mà khách hàng có thể làm với sản phẩm của họ. Điều này có thể được thực hiện qua việc áp đặt các dòng mã cấm sao chép, mã giới hạn thời gian hoặc số lượng thiết bị mà một sản phẩm có thể truy cập được. Trong lĩnh vực game, điều này có nghĩa là các nhà phát triển trò chơi điện tử sẽ giới hạn số lần game thủ có thể cài đặt game hoặc giới hạn số lần mà một đĩa game có thể được sao chép trên các máy tính.

DRM giới hạn số lần cài đặt trên các thiết bị điện tử. Ảnh: vitrium

Nhà xuất bản, tác giả và những người theo nghề sáng tạo nội dung sẽ sử dụng các ứng dụng mã hóa thông tin, dữ liệu, sách điện tử, nội dung, phần mềm hoặc bất kỳ tài liệu có bản quyền nào khác. Chỉ những người có khóa giải mã mới có thể truy cập và sử dụng tài liệu. Ngoài ra, thay vì cấm, họ cũng có thể chỉ hạn chế những gì người dùng có thể làm với tài liệu của họ.

Lợi ích của DRM

Nếu như nói các sản phẩm, phần mềm kỹ thuật số là “con gà đẻ trứng vàng” của các nhà sản xuất phần mềm, thì DRM chính là công cụ mạnh mẽ nhất để bảo vệ lợi ích của họ. Thông qua DRM, chủ sở hữu bản quyền đối với các tác phẩm kỹ thuật số có thể:

  • Hạn chế hoặc ngăn người dùng chỉnh sửa hoặc lưu nội dung của chủ sở hữu bản quyền.
  • Hạn chế hoặc ngăn người dùng chia sẻ hoặc chuyển tiếp sản phẩm hoặc nội dung của chủ sở hữu bản quyền.
  • Hạn chế hoặc ngăn người dùng in nội dung của chủ sở hữu bản quyền. Đối với một số loại hình tài liệu hoặc tác phẩm nghệ thuật chỉ có thể được in trong một số lần giới hạn.
  • Không cho phép người dùng tạo ảnh chụp màn hình hoặc lấy màn hình nội dung của chủ sở hữu bản quyền.
  • Đặt ngày hết hạn trên tài liệu hoặc thiết bị của chủ sở hữu bản quyền, sau đó người dùng sẽ không thể truy cập sản phẩm đó nữa. Điều này cũng có thể được thực hiện bằng cách giới hạn số lần sử dụng mà người dùng có. Ví dụ: một tài liệu có thể bị thu hồi sau khi người dùng nghe mười lần hoặc mở và in tệp PDF 20 lần.
  • Khóa quyền truy cập vào các địa chỉ IP, vị trí hoặc thiết bị nhất định. Điều này có nghĩa là nếu chủ sở hữu bản quyền chỉ muốn sản phẩm được lưu hành trong lãnh thổ Hoa Kỳ thì những người ở các quốc gia khác sẽ không thể truy cập được.
  • Đánh dấu bản quyền đối với các tác phẩm nghệ thuật và tài liệu để xác lập danh tính và quyền sở hữu.

DRM cũng cho phép các nhà xuất bản và tác giả truy cập nhật ký điện tử khi một số phương tiện, nội dung hoặc phần mềm nhất định được sử dụng. Nghĩa là các chủ sở hữu của một cuốn e-book có thể xem khi nào cuốn sách của mình được tải xuống hoặc in ra và ai đã truy cập nó.

Các dạng DRM thông thường

Nhiều hãng phát triển game đồng nghĩa với nhiều dạng DRM khác nhau. Một trong những biện pháp bảo vệ bản quyền game phổ biến nhất chính là dịch vụ Steam của Valve. Dịch vụ này yêu cầu tất cả các game đã được tải xuống từ trên nền tảng của họ phải được xác nhận là hợp pháp trước khi game thủ có thể bắt đầu chơi. Tuy nhiên, việc này tạo rất nhiều phiền phức cho game thủ. Vào năm 2004, Valve thậm chí đã bị kiện vì áp dụng loại DRM này vào tựa game Half Life 2 nổi tiếng của họ.

Ngoài ra, còn có nhiều dạng DRM khác như SecuRom – loại DRM này hạn chế số lần người dùng có thể cài đặt game trên máy tính của họ. Hãng Ubisoft sử dụng một kiểu DRM độc đáo là “Always-on DRM”. Đơn giản là Ubisoft bắt các game thủ phải luôn luôn giữ kết nối với mạng trực tuyến để có thể chơi game của họ, thậm chí là ở cả phần chơi đơn (Single Player). Có thể hiểu điều này gây khó chịu cho game thủ đến chừng nào, bởi chỉ cần một chút “disconnect” nho nhỏ là hàng giờ công sức chơi game của bạn đổ sông đổ biển.

Nói về loại DRM mạnh nhất thế giới bây giờ phải kể đến DENUVO. Công nghệ này hoạt động dựa theo nguyên lý liên tục mã hóa và tự giải mã chính nó. Việc này nhằm ngăn chặn các “cracker” tác động và chỉnh sửa các tập tin gốc, để rồi từ đó bẻ khóa con game. Tương tự như các loại DRM khác, người chơi không thích DENUVO vì khi chơi game có cài đặt loại DRM này, hiệu suất của trò chơi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Có vô vàn các hãng phát triển DRM, tuy nhiên cũng có những người “hào phóng” đến mức không áp dụng bất kì biện pháp bảo vệ nào đối với sản phẩm của mình, hay còn gọi là “DRM Free”. Các nhà phát triển này chỉ mong đợi sự biết ơn của game thủ, tiền chỉ là thứ yếu đối với họ.

DRM Free

Hiện nay, với việc các nhà phát triển game bảo vệ sản phẩm của mình bằng nhiều loại DRM, việc chơi game đã không còn “vui” như trước nữa. Điều này là do tất cả các thể loại DRM, dù ít hay nhiều đều sẽ làm giảm trải nghiệm chơi game của người chơi. Việc này là do các loại DRM, dù là trực tuyến hay ngoại tuyến, đều cần hoạt động ở trong nền một con game.

Chẳng hạn như Battle.net, Ubisoft yêu cầu người chơi phải liên tục duy trì kết nối, hay DENUVO liên tục mã hóa và tự giải mã, …

Hầu hết game thủ không quan tâm hãng nào phát triển game nào, họ chỉ quan tâm đến việc giảm stress, tận hưởng những chuyến du lịch, hòa mình vào thế giới game, thoát ra khỏi thực tại khắc nghiệt dù chỉ là vài giờ đồng hồ.

Siêu phẩm Cyberpunk được “crack” chỉ trong 0 ngày. Ảnh: crackwatch

Đáp lại lời kêu của game thủ, một thể loại game với DRM Free đã được ra đời. Game DRM Free là loại game không có bất kỳ chương trình DRM nào. Nghĩa là nó có thể được cài đặt nhiều lần trên nhiều máy tính khác nhau tùy thích và không bị ràng buộc với bất kỳ tài khoản nào ở bất kỳ đâu. Ý tưởng đằng sau hành động này là nhà phát hành trò chơi đó tin tưởng người chơi – khách hàng của mình như một người trung thực, không phân phối trò chơi của họ bất hợp pháp. Game DRM Free nổi tiếng nhất hiện nay chính là Cyberpunk 2077.

Trên trang web Crackwatch – một trang web đưa tin về tình trạng crack của các game đình đám nhất thế giới, Cyberpunk 2077 đã vinh dự được trở thành tựa game đầu tiên với trạng thái “DRM Free”.

DRM là điều tốt hay xấu?

Nếu nhìn dưới góc độ khách quan, DRM là điều tốt. Bởi DRM giúp chống lại nạn đĩa lậu, ăn cắp trò chơi trực tuyến – mối đe dọa lớn nhất đến sự phát triển của ngành công nghệ game. Về vấn đề DRM, cộng đồng mạng có nhiều ý kiến trái chiều, đa phần là phản đối DRM vì các ảnh hưởng tiêu cực của nó. Tuy nhiên trên thực tế, thay vì lên án các nhà sản xuất và phát triển game, game thủ nên dành sự phẫn nộ cho những kẻ bẻ khóa game và những kẻ thích chơi game chùa miễn phí. 

Tại vì chính những thành phần bất hảo này mới là nguyên do thực sự các hãng phát triển game phải cài đặt DRM. Sự hạn chế về số lần cài đặt sản phẩm sau khi đã bỏ tiền ra mua, sự khó chịu từ những quy định chặt chẽ, ngặt nghèo, tất cả đều đến từ các cracker và game thủ sử dụng crack.

-Monster Hunter-