In 3D giờ không còn là một khái niệm mới mẻ trong tâm trí người dân nữa. Hiện nay, máy in 3D đã trở thành một phần thiết yếu trong xã hội. Không chỉ ngành y hay các ngành kĩ thuật, giờ đây các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực công nghiệp và thậm chí ở cả lĩnh vực thực phẩm cũng đang sử dụng máy in 3D trong quy trình sản xuất của họ. Tuy nhiên, đi kèm với sự hội nhập của máy in 3D trong đời sống, một câu hỏi dần dần được các giới chuyên môn đặt ra là: Liệu sản phẩm từ máy in 3D có vi phạm bản quyền?
In 3D
In 3D (hay còn gọi là Công nghệ bồi đắp vật liệu) là một chuỗi kết hợp các công đoạn khác nhau để tạo ra các vật thể rắn 3 chiều. Trong công nghệ in 3D, các lớp vật liệu được đắp chồng lên nhau và được định dạng dưới sự kiểm soát của máy tính để tạo ra vật thể. Các đối tượng được tạo ra từ một mô hình 3D hoặc các nguồn dữ liệu điện tử khác có thể có hình dạng bất kì, “muôn hình vạn trạng”.
Nguồn gốc
Năm 1981, nhà phát minh người Nhật Hideo Kodama đã sử dụng ánh sáng từ tia cực tím để làm cứng polyme và tạo ra các vật thể rắn. Đây chính là bước đệm cho kỹ thuật in lập thể (SLA).
Năm 1986, Chuck Hull sáng chế ra kỹ thuật in lập thể (SLA) – một quy trình tương tự như quy trình in 3D. SLA sử dụng công nghệ để tạo ra các phiên bản nhỏ hơn của vật thể để chúng có thể được kiểm tra trước khi thực sự “xuất xưởng” sản phẩm cuối cùng. Các phụ tùng được in từng lớp, tráng bằng dung môi và làm cứng bằng tia cực tím. Quy trình này sử dụng CAD để hỗ trợ tạo ra các mô hình 3D.
Ngoài SLA, trong lịch sử còn nhiều kỹ thuật in 3D khác như kỹ thuật In Laser Chọn lọc (Selective Laser Sintering – SLS) được phát triển bởi tiến sĩ Carl Deckard và tiến sĩ Joe Beaman, Mô hình hóa Lắng đọng Hợp nhất (Fused Deposition Modeling – FDM) phát triển bởi Scott Crump.
Kỹ thuật in 3D nói chung đã thay đổi, cải tiến và phát triển vượt bậc cùng với sự tiến lên của xã hội. SLA, SLS và FDM là những cột mốc phát minh quan trọng trong lịch sử của máy in 3D và qua đó, ta thấy được tầm quan trọng của máy in 3D trong công cuộc phát triển thế giới.
Số lượng đơn đăng ký sáng chế máy in 3D tăng mạnh
Máy in 3D có rất nhiều ứng dụng trong vô số lĩnh vực. Kể từ năm 2010, máy in 3D đã là dụng cụ cứu người không thể thiếu của ngành y. Ngoài ra, máy in 3D cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nhiều ngành khác như ngành kỹ thuật, công nghiệp, năng lượng, xây dựng, vận tải và thậm chí thực phẩm.
Dù mới xuất hiện từ những năm đầu của thập niên 80, máy in 3D đã phát triển trở thành một công cụ cực kì hữu ích trong xã hội. Chỉ trong vòng 40 năm ngắn ngủi, muôn vàn sáng chế về kiểu dáng, nhãn hiệu, chất liệu, … liên quan đến máy in 3D đã được phát minh và được cấp bằng sáng chế. Cụ thể, theo một nghiên cứu của Văn phòng Sáng chế Châu Âu (European Patent Office – EPO), số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến máy in 3D đã tăng trung bình 36% mỗi năm trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2017.
Trong số các quốc gia ở Châu Âu, Đức đã trở thành quốc gia dẫn đầu về số lượng đơn đăng ký sáng chế về máy in 3D. Văn phòng Sáng chế Châu Âu xem xét kĩ lưỡng và đánh giá tất cả các đơn đăng ký nộp lên EPO trong nhóm sản xuất phụ gia (Additive Manufacturing), hay còn được biết đến như “Máy in 3D”. Qua kiểm duyệt, EPO có tổng cộng 16,000 đơn đăng ký cho máy in 3D được nộp lên trong vòng 8 năm từ năm 2010 đến năm 2018. Trong đó, chỉ riêng nước Đức đã chiếm 19% số lượng các đơn đăng ký liên quan đến nhóm sản xuất phụ gia.
Máy in 3D theo luật sáng chế của Đức
Theo luật sáng chế của Đức, có hai điểm khác biệt cơ bản là mấu chốt của câu hỏi liệu sản phẩm tạo nên từ máy in 3D có vi phạm bản quyền hay không. 2 điểm đó chính là:
- Sản phẩm được tạo là một sản phẩm nằm dưới sự bảo hộ của bằng sáng chế.
- Sản phẩm được tạo nên chỉ là một phần/nhiều phần của một sản phẩm được bảo hộ sáng chế.
Sản phẩm được tạo là một sản phẩm nằm dưới sự bảo hộ của bằng sáng chế
Trường hợp này tương đối rõ ràng. Nếu như sản phẩm được in ra nằm dưới sự bảo hộ của một sáng chế nào đó, nhà sản xuất sẽ không được quyền sản xuất sản phẩm được bảo hộ đó từ máy in 3D hay bất kì loại máy sản xuất nào khác với mục đích thương mại. Điều này là bởi vì phạm vi bảo hộ cho một sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế là tương tự dù cho phương thức sản xuất ra sản phẩm đó có sự khác biệt.
Sản phẩm được tạo nên chỉ là một phần/nhiều phần của một sản phẩm được bảo hộ sáng chế
Nếu như sản phẩm được in từ máy in 3D lại chỉ là một phần của một sản phẩm được bảo hộ sáng chế thì vấn đề pháp lý xoay quanh vụ việc lại trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Nguyên nhân của việc này là bởi các nhà sản xuất nhiều khi chỉ in các bộ phận phụ tùng hay phụ kiện của một sản phẩm hoàn chỉnh (chẳng hạn như in động cơ cho xe ô tô). Trong trường hợp này, ta nên tách riêng từng bộ phận dựa trên mối quan hệ của nó với sản phẩm được bảo hộ sáng chế hoàn chỉnh.
Chẳng hạn, nếu như phụ tùng được in ra là phụ tùng cực kì trọng yếu, có ảnh hưởng đến chức năng tổng thể của sản phẩm được bảo hộ sáng chế thì phụ tùng 3D được in ra đó sẽ bị coi là vi phạm bản quyền sáng chế.
Vậy nên, việc in 3D các phụ tùng, phụ kiện của một sản phẩm được bảo hộ sáng chế chỉ có thể trở nên khả thi khi phụ tùng đó không có liên kết mật thiết và có thể ảnh hưởng đến chức năng của sản phẩm được bảo hộ.
Gián tiếp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Tập tin CAD
In ra một sản phẩm được bảo hộ bằng sáng chế chắc chắn là hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. In ra một phụ tùng tạo nên sản phẩm được bảo hộ bằng sáng chế có thể là hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng các tập tin CAD trên máy tính về bản vẽ của các sản phẩm được bảo hộ thật ra cũng được bảo vệ bản quyền.
Trên thực tế, các bản vẽ, hình ảnh về sản phẩm trên tập tin CAD không được bảo hộ rõ ràng theo luật. Tuy nhiên, việc phân phối các bản vẽ đó một cách bất hợp pháp lại có thể cấu thành một hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ.
Ở đây, người vi phạm là người “upload” các tập tin CAD lên mạng mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu. Cần phải hiểu rõ, việc người dùng tải một tập tin CAD từ mạng xuống máy tính của mình không phải là hành vi vi phạm. Bởi vì khi đó tập tin CAD trên máy tính sẽ chỉ là một “sự chuẩn bị” cho hành động in 3D, do đó không phải hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Thậm chí, dù ta có dùng tập tin 3D đó để in ra một sản phẩm cụ thể cũng không nhất thiết vi phạm pháp luật.
Tại sao lại vậy? Bởi nếu như sản phẩm in ra được sử dụng với mục đích cá nhân thì hoàn toàn không vi phạm pháp luật.
Sản phẩm in 3D dùng cho mục đích cá nhân là hoàn toàn hợp lệ
Tất cả những hạn chế pháp lý cho máy in 3D chỉ có hiệu lực khi sản phẩm in 3D đó được sử dụng với mục đích thương mại. Nghĩa là các hành vi kinh doanh, trục lợi từ việc sản xuất các sản phẩm có bản quyền từ máy in 3D là hoàn toàn bất hợp pháp. Tuy nhiên, biết là vậy, nhưng làn ranh giữa việc sử dụng sản phẩm 3D cho mục đích cá nhân hay mục đích thương mại vẫn còn tương đối mơ hồ trong xã hội hiện nay.
Chẳng hạn, một người sử dụng máy in 3D để in một đoàn phi hành gia vũ trụ trong game Among Us chỉ để trưng bày cho phòng khách và không để bán (mục đích cá nhân). Một người hàng xóm đến, thấy đoàn phi hành gia rất đẹp và muốn nhờ in một bản giống hệt cho con trai/con gái của anh ta. Vậy liệu việc đó có ảnh hưởng đến cá nhân/tổ chức nắm giữ bản quyền đối với sản phẩm Among Us? Dù là người có máy in 3D từ chối hay đồng ý, hành động của anh ta dù ít dù nhiều cũng có ảnh hưởng đến lợi ích của nhà sản xuất Among Us.
Vậy nên, cách tốt nhất để phân biệt giữa 2 khái niệm thương mại và cá nhân mỏng manh này chính là “nhu cầu”. Nếu việc sản xuất máy in 3D của bạn tạo nên nhu cầu trên thị trường, điều đó có nghĩa là bạn đã gián tiếp/trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn lợi của người sở hữu bản quyền sản phẩm và do đó là một hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ.
Tương lai của máy in 3D với rào cản Sở hữu trí tuệ
Ngày nay, máy in 3D đã tinh tiến đến mức có thể tạo ra một chiếc ô tô hoàn chỉnh chỉ từ những bộ phận phụ tùng nhỏ. Ngay cả máy hút bụi và máy nướng bánh mì cũng đều được sản xuất ra với một thiết kế nhất định và do đó, có bản quyền. Vì vậy, trước khi quyết định in 3D một bộ phận phụ tùng nhỏ, hay một sản phẩm hoàn chỉnh, ta cần phải đảm bảo rằng bộ phận này không được bảo hộ về thiết kế cũng như không được bảo vệ bản quyền nếu không muốn bị kết tội vi phạm quyền SHTT.
-Monster Hunter-