Nhìn thấy hình ảnh các y bác sĩ, cùng với các sinh viên Y Dược ngày càng trở nên kiệt quệ do nắng nóng khi tham gia chống dịch Covid-19 ở tiền tuyến, Hảo cùng hai người bạn đã nghĩ rằng “Tại sao không tạo ra thiết bị giúp họ?”. Sau một tuần lên ý tưởng và bắt tay vào nghiên cứu thực hiện, nhóm sinh viên bao gồm Phạm Đình Giỏi, Nguyễn Thị Hương Hảo và Kiều Thị Thùy Linh – sinh viên năm tư Viện Kỹ thuật hóa học (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã cho ra mắt sản phẩm áo làm mát đầu tiên với đầy đủ tiêu chí để đưa vào sử dụng.

Nảy ra ý tưởng

Từng cùng Giỏi và Linh chế tạo mũ bảo hiểm chống nóng, lại được sự cố vấn trợ giúp nhiệt tình của PGS Vũ Đình Tiến, bộ môn Máy và Thiết bị công nghiệp hóa chất, nhóm sinh viên trẻ tuổi tài năng đã quyết định nghiên cứu giải pháp chống nóng cho các y bác sĩ. Cuối cùng, ý tưởng về chiếc áo làm mát đơn giản, tiện lợi đã nảy ra và cả nhóm quyết định cùng đi theo hướng đi này.

Nguyễn Thị Hương Hảo, sinh viên K62 Viện Kỹ thuật Hóa học, thuộc nhóm nghiên cứu chế tạo áo làm mát tuần hoàn nước lạnh. Ảnh: Duy Thành

Khi bắt tay vào làm thì nhóm Hảo nhận thấy rằng hiện có rất nhiều sản phẩm áo làm mát trên thị trường. Tuy nhiên, các loại áo làm mát đó có nhiều nhược điểm, chẳng hạn thời gian làm mát chỉ từ 4 đến 6 tiếng, giá thành lại rất cao, thấp nhất cũng khoảng 2 triệu đồng, lại mất thời gian chờ đợi do phải nhập từ nước ngoài về.

Hảo cho biết về tình trạng của áo làm mát trên thị trường: “Nhóm em cũng đã đặt một chiếc để test đồng thời với sản phẩm của nhóm khi hoàn thiện. Phải mất khoảng một tuần, chúng em mới nhận được hàng.”

Khó khăn trong quá trình sáng chế áo làm mát

Từ những khảo sát trên, nhóm Hảo đã nghĩ đến việc sáng chế ra áo làm mát theo nguyên lý tuần hoàn nước lạnh với giá chỉ trên dưới 500.000 đồng, thời gian làm mát lâu hơn và trọng lượng chỉ từ 1-1,3 kg.

Nhóm Hảo nhanh chóng thống nhất cấu tạo chiếc áo cũng như nguyên lý hoạt động nhờ kiến thức đã được học và tiếp thu ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tuy nhiên, do thực hiện sản phẩm trong thời điểm nghỉ phòng dịch, nhóm gặp khó khăn trong việc đặt may áo.

Liên hệ nhiều cơ sở may nhưng đều bị từ chối vì đại dịch, Hảo đã nghĩ rằng nhóm mình không thể hoàn thành sản phẩm trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau đó, nhóm chia sẻ thông tin về dự án của mình với các thầy cô, bạn bè và đã nhận được sự hỗ trợ của PGS Lã Thị Ngọc Anh, nguyên trưởng Bộ môn May và Thời trang, Viện Dệt may Da giầy và Thời trang. Cô đã thiết kế chiếc áo dựa trên ý tưởng của nhóm, góp ý và chỉnh sửa thêm, hoàn thiện nó trong chưa tới một ngày.

Cấu tạo và cách thức hoạt động của áo làm mát

Áo do nhóm Hảo sáng chế gồm 4 lớp, trong đó một lớp là ống mềm để làm mát. Nước trong ống mềm đi qua một bình đựng đá, đặt trong balo dây rút đeo phía sau lưng. Bình này kèm một chiếc bơm, sau khi nước được làm mát, bơm sẽ đẩy nước vào hệ thống ống mềm trong áo. Nước này sau đó lại được đẩy trở lại bình đựng đá, tuần hoàn liên tục như vậy giúp làm mát cơ thể. Người dùng cũng có thể điều chỉnh nhiệt độ làm mát bằng cách điều chỉnh bơm.

Hảo trong chiếc áo làm mát do nhóm sáng chế

Qua thử nghiệm, nhóm Hảo nhận thấy chỉ cần bỏ vào bình đựng đá (được bọc trong lớp cách nhiệt) khoảng 300 gram đá cùng khoảng 300-400 ml nước, duy trì nhiệt độ làm mát 26-27 độ C – mức cơ thể có thể thích nghi và không bị sốc nhiệt, áo có thể giúp làm mát trong 2-4 tiếng. Để đạt hiệu quả cao nhất, cứ sau mỗi hai tiếng, người dùng lại tiếp thêm đá vào bình đựng.

“Với cách thức như vậy, các y bác sĩ sẽ mặc áo làm mát bên trong, sau đó mặc áo bảo hộ bên ngoài rồi đeo balo. Việc tiếp đá hoặc nước vào bình đựng sẽ không cần cởi áo làm mát hay đồ bảo hộ nên rất thuận tiện. Balo cũng nhỏ gọn nên không bị vương víu, ảnh hưởng đến quá trình làm việc”, Hảo chia sẻ.

“Với chiếc áo làm mát này, em tin những người phải mặc đồ bảo hộ trong thời tiết nắng nóng sẽ bớt bị phồng rộp tay hay ngất vì kiệt sức”, Hảo nói.

Để bơm hoạt động, người sử dụng áo chỉ cần có cục sạc dự phòng của điện thoại nên cũng rất thuận tiện. Cục sạc này được để trong ngăn riêng, tách biệt với bình đá nên nó rất an toàn, không có nguy cơ cháy nổ.

Sáng chế vì cộng đồng

Hiện, chiếc áo làm mát của nhóm Hảo đã có thể được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nhóm vẫn muốn cải tiến thêm và tạo ra sản phẩm hoàn hảo hơn, bao gồm việc cải thiện balo đựng bình nước sao cho nhỏ gọn, tiện lợi hơn hoặc có thể gắn liền với áo sao cho vẫn dễ dàng tiếp đá và nước. Nhóm cũng muốn nghiên cứu thêm để giảm thiểu tối đa số lần bổ sung nước đá của người dùng trong quá trình làm việc và tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm.

Y bác sĩ có thể thoải mái làm việc với áo làm mát cùng bộ đồ bảo hộ

“Chúng em cần thời gian để làm điều đó. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, chúng em mong muốn các đơn vị có thể tài trợ để sản xuất sản phẩm này, hỗ trợ y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch”, nữ sinh nói.

Không chỉ hỗ trợ các bác sĩ trong đợt dịch, nhóm của Hảo cho rằng sản phẩm áo làm mát còn có thể giúp cho người lao động thường xuyên ở ngoài trời như công nhân làm việc tại công trường, người điều khiển xe máy ngoài đường,…