Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn đang tiếp diễn và ngày càng gia tăng theo chiều hướng tinh vi. Do việc đấu tranh và ngăn chặn các hành vi vi phạm là vô cùng gian nan nên cần có sự vào cuộc của nhiều bên bao gồm cả chủ thể quyền và cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)

Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT xuất hiện ở khắp nơi và có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường với nhiều loại hình, mẫu mã hàng hóa khác nhau để đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng. Hầu hết thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái, với nhiều hình thức tinh vi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể mà còn cả lợi ích và sức khỏe người tiêu dùng.

Thời gian qua, mặc dù lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cùng lực lượng chức năng khác đã xóa sổ nhiều cơ sở, xưởng sản xuất giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm hàng giả mạo các thương hiệu nổi tiếng vẫn diễn biến phức tạp và khó thể kiểm soát.

Liên tiếp thu giữ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

Mới đây đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm  (Hà Nội) cho biết vừa phát hiện, triệt phá 1 đường dây chuyên sản xuất, tiêu thụ mỹ phẩm giả lớn trên địa bàn TP Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện tại kho của nhóm đối tượng Nguyễn Quang Huy khoảng 1.500 hộp mỹ phẩm mang thương hiệu giả DAKAMI có tổng trọng lượng khoảng gần 1 tấn, cùng với nhiều máy móc công cụ, phương tiện, máy dập nhãn để làm giả các mặt hàng mỹ phẩm thương hiệu DAKAMI.

Sau đó, tại Bắc Ninh lực lượng QLTT phối hợp lực lượng công an kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh giày dép và kho chứa hàng hóa do ông Nguyễn Đình Tú là chủ, có địa chỉ tại phường Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 2.470 đôi giày thể thao người lớn mang nhãn hiệu NIKE chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan, có dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu).

Lực lượng chức năng thu giữ 2.500 đôi giày có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE tại Bắc Ninh

Trước đó, lực lượng QLTT tỉnh này cũng tạm giữ gần 200 sản phẩm phụ kiện điện thoại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG tại cửa hàng linh kiện, phụ kiện điện thoại Ngọc Thái, địa chỉ số nhà 506, đường Lý Thường Kiệt, tổ 05, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang do ông Đinh Văn Bảy làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện 198 sản phẩm, hàng hóa là sạc điện thoại, pin điện thoại các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG đã được bảo hộ tại Việt Nam. Chủ cơ sở đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tỉnh hợp pháp của số hàng hóa trên.

Tăng cường sự phối hợp chủ thể quyền và cơ quan thực thi

Theo luật sư Nguyễn Thị Hương – Phó Giám đốc Thực thi quyền sở hữu trí tuệ – Công ty TNHH Tư vấn Sở hữu trí tuệ IP (Công ty Đại diện chủ thể quyền cho nhiều thương hiệu nối tiếng trên thế giới tại Việt Nam), nguyên nhân chính là ngày càng có nhiều người kinh doanh hàng giả tham gia vào thị trường này khiến cho việc tiếp cận được với các sản phẩm giả trở nên vô cùng dễ dàng.

Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, việc chống hàng giả là cả một quá trình dài, không thể “bắt cóc bỏ dĩa” nên chủ sở hữu quyền thương hiệu phải kiên trì và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi để thực hiện hóa kế hoạch hành động đó. Bản thân chủ sở hữu quyền phải biết cần bảo vệ gì, hành động như thế nào khi đánh giá mức độ nhãn hiệu của mình bị xâm phạm.

Qua đó, thấy rằng tăng cường phối hợp hiệu quả trong hoạt động thực thi quyền SHTT là cần thiết. Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT và chủ thể, cần có sự đảm bảo về pháp lý, tổ chức, tài chính và nguồn nhân lực hơn nữa để thực hiện một cách đồng bộ và thống nhất hàng loạt các biện pháp.