Quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa là quyền dân sự tuyệt đối của người chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa. Bằng các quy phạm pháp luật dân sự, Nhà nước xác nhận và quy định phạm vi các quyền năng của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, đảm bảo cho chủ sở hữu thực hiện các quyền năng đó; ngăn ngừa các hành vi xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa.
Các biện pháp một doanh nghiệp có thể sử dụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình
Biện pháp tự bảo vệ. Biện pháp tự bảo vệ xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của pháp luật Việt Nam, được ghi nhận tại Điều 9 Bộ luật dân sự năm 2005 và được cụ thể hóa tại Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ. Trước hết, biện pháp này tôn trọng quyền tự định đoạt của chủ thể. Hơn nữa, mặc dù không có sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng trong chừng mực nhất định, biện pháp này cũng giúp nhanh chóng ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm của bên kia.
Các biện pháp và cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp bị xâm phạm quyền SHTT
Các biện pháp và cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp bị xâm phạm quyền SHTT bao gồm:
Thứ nhất, là biện pháp hành chính. Nếu một hành vi được xác định là hành vi xâm phạm quyền SHTT của doanh nghiệp, áp dụng Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ quy định Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục, Điều 29 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định Xử lý hàng hóa xâm phạm, Điều 3 Nghị định 106/2006/NĐ-CP quy định Hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả, ta có thể đưa ra biện pháp đối với bên vi phạm đó là cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu sản phẩm có dấu hiệu trùng, gây nhầm lẫn, đình chỉ hoạt động kinh doanh, thậm chí có thể buộc bên vi phạm phải tiêu hủy cũng như tái sản xuất các sản phẩm đó.
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính, theo Điều 17 Nghị định 105/2006/NĐ-CP, những cơ quan có thẩm quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm là Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Cơ quan Quản lý thị trường, Cơ quan Hải quan (nếu bên vi phạm thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu), Cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu việc giải quyết vượt quá thẩm quyền của Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Cơ quan Quản lý thị trường, Cơ quan Quản lý thị trường, Cơ quan Hải quan.
Thứ hai, là biện pháp dân sự. Căn cứ vào khoản 1 Điều 4 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định về Áp dụng biện pháp dân sự, hành chính, hình sự để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Theo đó, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại khi chứng mình được bị tổn thất về mặt doanh thu, lợi nhuận, thậm chí bên bị vi phạm có quyền buộc bên vi phạm thanh toán khoản phí. Để ngăn chặn các nguy cơ thiệt hại về vật chất, tài sản, doanh thu không phục hồi được cũng như việc bên vi phạm có ý định tẩu tán tài sản, tiêu hủy tài sản, bên bị vi phạm có thể yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp dân sự, được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 26, Điều 35, Điều 37 Bộ luật tố dụng dân sự năm 2015 quy định những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Theo đó, tùy trường hợp mà tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh xét xử.
Thứ ba, là biện pháp hình sự. Tùy theo mức độ vi phạm nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội và thỏa mãn cấu thành tội phạm quy định tại Điều 266 Bộ luật hình sự quy định về Tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của bên vi phạm, thì bên bị vi phạm có quyền khởi tố hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đó.