Gần đây, Cộng Cà Phê liên lục lên tiếng về việc thương hiệu của mình bị đạo nhái. Với sự xuất hiện của hàng loạt “anh em” như vậy, đại diện Cộng Cà phê đã đã có các biện pháp để xử lý.

Thương hiệu nổi tiếng bị đạo nhái

Việc lợi dụng tên tuổi của các thương hiệu có tiếng để đánh bóng tên tuổi không còn là điều hiếm gặp; Cộng Cà phê là một thương hiệu nạn nhân của vụ này. Các dấu hiệu mang đậm bản sắc và làm nên thương hiệu này như từ “Cộng” hay phong cách mang hơi hướng thời bao cấp là những điểm bị mà các đối thủ ăn cắp nhiều nhất.

Đầu năm 2019, tại phố Hàm Long xuất hiện C. Cà phê với tên và cách trang trí khiến không ít người lầm tưởng đó là một cơ sở của Cộng Cà phê.

C. Cà phê với cách bài trí giống với Cộng Cà Phê

Đại diện truyền thông chuỗi cửa hàng này cho biết, việc bị nhái từ tên thương hiệu đến cách trang trí cửa hàng đã kiến cho khách hàng của Cộng Cà phê rất bối rối và hoang mang. Khi sử dụng sản phẩm và dịch vụ tại những cửa hàng nhái như vậy, khách hàng sẽ có những trải nghiệm không đồng nhất và có thể hiểu sai về Cộng Cà phê. Từ đó, uy tín và hình ảnh mà Cộng Cà phê trong mắt người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, không chỉ có trong lĩnh vực đồ uống, Cộng Cà phê cũng sử dụng cái tên “Cộng” trong các lĩnh vực khác như trà chanh, nhà hàng, … Điều này khiến cho việc hợp tác kinh doanh của thương hiệu này gặp rất nhiều khó khăn.

Giải quyết vấn đề bằng pháp lý

Mặc dù mong muốn sự vào cuộc của các cơ quan pháp lý, việc xử lý những vấn đề về bản quyền, sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Sở hữu trí tuệ nói chung, bản quyền thương hiệu nói riêng là một phạm trù còn nhiều bất cập. Rất khó để có thể phân định hết mọi trường hợp. Nhiều đối tượng đã lợi dụng để biến “cảm hứng” thành “đạo nhái”. Trước khi các cơ quan chức năng thực thi quyền, có lẽ khách hàng là người mà có thể giúp Cộng trong việc gìn giữ hình ảnh của mình.

Tuy vậy, về phía mình, Cộng Cà phê đã đăng ký bảo hộ và làm chủ sở hữu của nhãn hiệu “Cộng Cà phê”. Cuối năm 2019, một cửa hàng trà chanh có tên “Trà chanh Cộng” đã buộc phải tháo dỡ biển hiệu cửa hàng không lâu sau khi khai trương. Đươc biết, đã có sự vào cuộc của pháp luật khi Cộng Cà phê báo cáo xử lý vi phạm đối với của hàng đó.

Theo khoản 1, điều 129, Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Trong tương lai, không thể tránh khỏi việc còn nhiều bên khác vẫn thực hiện hành vi xâm phạm này, nhưng Cộng vẫn sẽ tiếp tục bảo vệ thương hiệu của mình thông qua pháp luật. Việc này giúp thương hiệu Cộng Cà phê giữ được hình ảnh của mình, và góp phần xây dựng một thị trường F&B văn minh hơn.

-Namneyu-