Vào ngày 3 tháng 1 năm 2021, Asia Star TV đã tổ chức đêm chung kết toàn cầu của cuộc thi Hoa hậu Châu Á 2020 (Miss Asia Pageant 2020) tại Nhà hát MGM Cotai ở Ma Cao. Tuy nhiên, theo một tuyên bố bởi Asia Television Hong Kong (ATV) – chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ của sự kiện, Asia Star TV và MGM đều không sở hữu bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ nào liên quan đến cuộc thi sắc đẹp. Do đó, họ đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cần phải có hình phạt tương ứng. Tuy nhiên, câu hỏi thật sự cần đặt ra ở đây là liệu nơi diễn ra sự kiện – Nhà hát MGM có vi phạm pháp luật không?

Các vụ tranh chấp pháp lý của ATV trong quá khứ

Theo nguồn tin của ALLINMEDIA, trước vụ kiện cuộc thi Hoa Hậu Châu Á 2020 nói trên giữa Asia Television Hong Kong và Asia Star TV, ATV đã từng đối mặt với vài vụ kiện pháp lý liên quan đến hai cuộc thi sắc đẹp mang tên Hoa hậu Châu Á được tổ chức vào năm ngoái tại Trung Quốc. Ngay sau đó, ATV đã đệ đơn kiện vi phạm bản quyền lên Tòa án. Sau đó, một lệnh tạm thời của Tòa án đã được ban hành để đình chỉ các sự kiện cùng tên tương tự tiếp tục được tổ chức.

Để tránh các vụ nhầm lẫn và hiểu nhầm tương tự xảy ra trong tương lai, ATV còn thu hồi danh hiệu của những người chiến thắng cuộc thi trái phép trên toàn thế giới trong các năm từ 2016 đến 2018.

Tuy nhiên, những biện pháp này có vẻ vẫn không đạt được tác dụng như ATV mong chờ, bởi vào đầu năm 2021, Asia Star TV lại vi phạm bản quyền của ATV khi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Châu Á 2020 ở Nhà hát MGM Cotai tại Ma Cao.

Cuộc thi Hoa hậu Châu Á 2020 do Asia Star TV tổ chức. Ảnh: macaudailytimes

Tranh chấp pháp lý trong cuộc thi Hoa hậu Châu Á 2020

Trong tuyên bố trên Macao Daily News, ATV nhấn mạnh rằng họ là chủ sở hữu duy nhất của bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ nào liên quan đến cuộc thi Hoa hậu Châu Á (ATV Miss Asia Pageant) ở cả Hồng Kông và Trung Quốc.

Đài truyền hình lên án người bị cáo buộc vi phạm đã công khai vi phạm pháp luật và làm tổn hại đến quyền lợi của ATV. MGM – chủ sở hữu của Nhà hát Cotai nói với hãng tin rằng họ “không có bình luận gì về bất kỳ tranh chấp nào giữa các bên thứ ba không liên quan đến MGM” và tuyên bố rằng họ “chỉ là một địa điểm được thuê bởi nhà tổ chức.”

Vậy nên, câu hỏi đặt ra ở đây là chủ sở hữu địa điểm tổ chức sự kiện có phải chịu trách nhiệm pháp lý khi các nhà tổ chức sự kiện tổ chức các sự kiện vi phạm nhãn hiệu tại cơ sở của họ không. Và nếu như có cấu thành hành vi vi phạm, hình phạt sẽ là gì?

Ý kiến chuyên gia

Trả lời câu hỏi phía trên, David Swain – đối tác và người đứng đầu bộ phận sở hữu trí tuệ tại công ty luật Lewis Silkin ở Hồng Kông cho biết: “Nếu nhìn từ góc độ hợp đồng cũng như mối quan hệ giữa các bên, điều này có vẻ khó xảy ra. Tất nhiên, việc này có vi phạm hay không sẽ phụ thuộc vào các điều khoản chính xác của hợp đồng giữa chủ sở hữu địa điểm và người tổ chức sự kiện. Thông thường, các hợp đồng như vậy sẽ có các điều khoản liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu (và các quyền sở hữu trí tuệ khác) bởi chủ sở hữu địa điểm và/hoặc người tổ chức cuộc họp.”

Ông Swain cũng cho biết thêm rằng: “Chẳng hạn, thông thường chủ sở hữu địa điểm sẽ yêu cầu người tổ chức sự kiện đại diện và đảm bảo rằng họ có quyền sử dụng bất kỳ nhãn hiệu nào được đề xuất sử dụng tại sự kiện của họ mà không vi phạm quyền của bất kỳ bên thứ ba nào. Do đó, trong trường hợp có bất kỳ vi phạm nào đối với nhãn hiệu của bên thứ ba, người tổ chức sự kiện sẽ vi phạm hợp đồng và phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu địa điểm.”

-Monster Hunter-