Chỉ mới 19 tuổi, nam sinh Phan Văn Hoàng Anh, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đã sáng chế thành công đôi giày thông minh dành cho người khiếm thị. Sản phẩm này đã hỗ trợ rất nhiều trong việc đi lại, giảm thiểu được rất nhiều khó khăn mà họ đang phải đối mặt.

Ý tưởng sáng chế

Phan Văn Hoàng Anh sinh năm 2003 quê ở Tiền Giang hiện đang là sinh viên năm nhất tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Từ nhỏ, Hoàng Anh đã có niềm say mê với nghiên cứu kỹ thuật. Với hy vọng có thể tạo ra những sản phẩm hữu ích áp dụng được vào cuộc sống thực tế chứ không chỉ là lý thuyết trên sách vở, em đã cho ra đời sản phẩm “Giày thông minh cho người khiếm thị”.

Người sáng chế ra sản phẩm “Đồi giày thông minh cho người khiếm thị”, Phan Văn Hoàng Anh, 19 tuổi (Hình ảnh: NVCC)

Ý tưởng sáng chế của Hoàng Anh là những người khiếm thị mà em gặp từ thuở nhỏ. Trong hoạt động thường ngày, họ vừa phải dùng gậy dò đường vừa phải làm việc, học tập, vui chơi và sinh hoạt. Nhằm mục đích khắc phục những hạn chế đó, khi vào lớp 10 Hoàng Anh đã nhen nhóm trong đầu ý tưởng thực hiện. Những mãi đến lớp 12, nam sinh mới quyết định bắt tay vào thực hiện sản phẩm. Lý do là vì chưa đủ kiến thức và kĩ năng để tạo nên một sản phẩm hoàn thiện có đầy đủ chức năng.

Trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm, Hoàng Anh gặp không ít khó khăn khi bắt đầu tìm hiểu thói quen đi lại của người khiếm thị để cài đặt cảm biến sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, đôi giày có diện tích khá nhỏ cũng tạo ra một thử thách cho Hoàng Anh. Thời gian cho việc lựa chọn và sắp xếp các linh kiện phù hợp để lắp vào đôi giày khá lâu. Đồng thời tìm kiếm linh kiện chịu được tác động từ môi trường như đất, nước,… cũng cần thời gian nghiên cứu và tìm hiểu.

Với sự chỉ dẫn của giáo viên hướng dẫn là thầy Nguyễn Thanh Tuấn, cuối cùng Hoàng Anh cũng đã hoàn thành sản phẩm sau 6 tháng làm việc chăm chỉ.

Sản phẩm này của Hoàng Anh đã giành được giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho khối học sinh trung học tỉnh Tiền Giang năm 2021.

Thành quả nghiên cứu: Giày có định vị GPS

Khi người khiếm thị mang “Giày thông minh” để di chuyển, 2 cảm biến siêu âm ở phần đế giày sẽ phát hiện các vật cản trên đường đi của họ.

Phần đến giày sẽ được gắn 2 cảm biến siêu âm hỗ trợ phát hiện các vật cản trên đường cho người khiếm thị (Hình ảnh: NVCC)

Bộ xử lý trung tâm sẽ xử lý những tín hiệu được truyền đến khi đôi dép gặp vật cản. Trong bán kính 20cm đến 100cm, nếu có vật cản, bộ cảm biến của đôi giày sẽ phát tín hiệu đến các mô-tơ rung phản hồi vào bàn chân. Vật cản ở phía nào thì tín hiệu sẽ truyền đến mô-tơ tương ứng ở phía đó để rung, từ đó giúp người mang giày có những điều chỉnh thích hợp khi di chuyển để tránh vật cản.

Trong trường hợp người dùng té ngã, bộ xử lý trung tâm sẽ nhận được tín hiệu từ cảm biến góc nghiêng. Ngay lúc đó, một tín hiệu được truyền đến loa để báo động tìm sự trợ giúp. Một tín hiệu khác sẽ truyền đến modul GPS, từ đó truyền đến modul sim và modul sim sẽ gửi tin nhắn cho người thân vị trí người khiếm thị bị té.

Bên cạnh đó, nếu muốn biết âm thanh xung quang người đeo giày hoặc xác định vị trí của họ, người thân cũng có thể gửi tin nhắn theo cú pháp được lập trình sẵn trên điện thoại tới modul sim. Sau đó, modul sim sẽ gửi tin nhắn ngược lại qua điện thoại cho người thân. Nội dung tin nhắn sẽ có vị trí được xác định và tín hiệu âm thanh thu được xung quanh sau khi kích hoạt mi-rô ở giày.

Hình ảnh một đôi giày hoàn chỉnh (Hình ảnh: NVCC)

Theo Hoàng Anh, người khiếm thị mang “giày thông minh” thì sẽ không cần mang theo gậy dò đường nữa. Vậy nên họ sẽ có thể làm nhiều việc khác bằng đôi tay của mình kể cả khi đang di chuyển vì đôi giày sẽ hỗ trợ tích cực khi đi lại. Chi phí cho toàn bộ đôi giày là 550.000 đồng. Đây là giá thành khá phù hợp so với các chức năng tiện lợi mà đôi giày mang lại. Bên cạnh đó, đôi giày này còn được tích hợp tính năng phát sáng với đèn dạ quang để tạo sự chú ý với những người xung quanh. Khi gặp nước, đôi giày cũng sẽ được bảo vệ an toàn với lớp keo phủ chống nước.

Hoàng Anh cho biết. “Giày còn có remote điều khiển để phát hiện giày cho người khiếm thị. Khi họ bị thất lạc giày thì họ dùng remote bấm nút, hệ thống loa trong giày sẽ phát ra âm thanh để người khiếm thị xác nhận vị trí đôi giày cho dễ tìm”.

Tuy nhiên, những người mang giày lần đầu sẽ có cảm giác cộm ở chân do nghiên cứu trong thời gian ngắn nên việc lắp đặt các thiết bị trong Giày thông minh cho người khiếm thị chưa thật bằng phẳng.

Hoàng Anh kỳ vọng trong tương lai sản phẩm này sẽ được sản xuất rộng rãi để giúp cho người khiếm thị thuận tiện trong việc di chuyển.