Hiện nay, đại dịch Covid-19 vẫn đang tàn phá mọi quốc gia trên thế giới, để lại hậu quả cực kì nghiêm trọng về nền kinh tế cũng như hệ thống y tế. Tuy nhiên, dù đã xuất hiện hơn gần 2 năm, cuộc đấu tranh để đẩy lùi đại dịch Covid-19 dù đã đạt được nhiều tiến triển, song vẫn không đạt được mục tiêu định ra từ ban đầu. Một trong những yếu tố chính dẫn đến hiện tượng này chính là việc vaccine Covid-19 có quyền sở hữu trí tuệ.

Do đó các quốc gia trên thế giới không thể sản xuất hàng loạt loại vaccine này, trong khi các quốc gia sở hữu bằng sáng chế vaccine Covid-19 lại không thể sản xuất đủ lượng vaccine cho toàn thế giới. Do đó, Việt Nam, cùng với các quốc gia khác đang kêu gọi toàn thế giới cùng nhau chia sẻ thông tin, miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ để sớm phổ biến vaccine Covid-19 toàn thế giới.

Hoa Kỳ đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19

Ngày 5/5, đại diện Bộ Thương mại Mỹ Katherine Tai tuyên bố rằng thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ “ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp bảo hộ bằng sáng chế đối với vaccine Covid-19” nhằm mục đích chấm dứt đại dịch, bất chấp lợi ích đến từ quyền sở hữu trí tuệ của vaccine Covid-19 đối với các doanh nghiệp.

Theo Bà Katherine Tai: “Đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, những sự bất thường của Covid-19 đòi hỏi các biện pháp đặc biệt.”

Các quan chức Mỹ trước đó đã gặp gỡ giám đốc điều hành của tất cả nhà sản xuất vaccine Covid-19 lớn của Mỹ để thảo luận về vấn đề này. Các tập đoàn đi đầu trong việc sản xuất vaccine Covid-19 chống lại đại dịch có thể kể đến như Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Tuy nhiên, bà Katherine Tai cũng cảnh báo rằng các cuộc đàm phán “sẽ mất nhiều thời gian do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra quyết định dựa trên sự đồng thuận”.

Điều này nghĩa là đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 sẽ được đưa ra. Tuy nhiên, có lẽ trong thời gian ngắn chúng ta sẽ không thấy nhiều tiến triển trên vấn đề này.

Việt Nam kêu gọi miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay khi được đề nghị bình luận về thông tin chính quyền Mỹ ủng hộ dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế cho vaccine Covid-19: “Để mở ra cơ hội khống chế lây lan dịch bệnh nguy hiểm này, Việt Nam mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin, miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 để các loại vaccine sớm có thể phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới.”

Việt Nam kêu gọi các quốc gia ủng hộ việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19

Ngoài ra, Việt Nam hiện cũng đang thúc đẩy nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19 trong nước. Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm: “Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến được sử dụng trong năm 2022, để có thể chủ động nguồn vaccine, đảm bảo nguồn cung và an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có những đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.”

Ảnh hưởng của vaccine trong đại khủng hoảng Covid-19

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải chịu áp lực rất lớn khi nhiều có nhiều bên đang hối thúc ông miễn trừ bảo hộ đối với các nhà sản xuất vaccine, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia giàu có bị chỉ trích là tích trữ vaccine Covid-19 trong khi những nước nghèo hơn lâm vào thảm cảnh.

Hiện nay, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng hơn 3,3 triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia giàu có sở hữu bằng sáng chế vaccine và có đủ cơ sở sản xuất để phân phối toàn quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong cuộc chiến thế kỉ này. Các quốc gia hùng mạnh như Mỹ không gặp vấn đề thiếu vaccine như Ấn Độ hay nhiều nước khác. Họ có thể sẽ sớm có thêm 300 triệu liều, gần như tương đương với toàn bộ dân số Hoa Kỳ (khoảng 350 triệu người).

Trong khi đó, các quốc gia nghèo, đông dân lại phải tự mình đối mặt với đại dịch mà không hề nhận được sự trợ giúp. Hơn 1,2 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm chủng trên toàn cầu, nhưng chưa đến 1% số đó được tiêm ở các nước kém phát triển nhất.

Tính đến hiện tại, đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ từ hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

-Huntress-