Ngày nay, chắc chả mấy ai còn lạ lẫm với việc các clip ‘review phim’ xuất hiện chỉ vài ngày sau khi các bộ phim được công chiếu. Điển hình như bộ phim Cậu Vàng ra mắt ngày 8/1/2021 thì chỉ 5 ngày sau, các video review phim, bình luận về hình tượng chú chó Shiba và nội dung phim đã tràn lan trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên không nhiều người nghĩ đến một khía cạnh khác rằng liệu các video này có vi phạm pháp luật hay không, cụ thể là luật sở hữu trí tuệ.
Video Review là gì?
Các video Review là các video đánh giá phim được chiếu trên các kênh truyền thông mạng xã hội như Facebook và Youtube. Video sẽ lần lượt chiếu các phân cảnh từ bộ phim, trong khi cùng lúc các ‘reviewer’ sẽ đánh giá và bình luận về khung cảnh đó. Các video này có thể nhằm mục đích khen, chê, chỉ trích về cốt truyện, nội dung, hiệu ứng hình ảnh, …. Với xã hội ngày nay, hầu hết các video đều là chê bai, phê bình không lỗi này thì lỗi khác. Hiếm có bộ phim nào nhận được lời khen từ các reviewer ‘kiến thức đầy mình’ này, trừ trường hợp họ được trả tiền để khen bộ phim đó.
Các video review này dù ít dù nhiều đều ảnh hưởng đến doanh thu của bộ phim. Bởi nếu là video review chê, bộ phim sẽ để lại ấn tượng xấu trong lòng khán giả và do đó họ sẽ không đi xem bộ phim đó nữa. Tuy nhiên, dù là review khen cũng có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến bộ phim. Bởi khi đó, có thể người xem sẽ nghĩ là: ‘À, hóa ra video cũng chỉ có thế. Xem review đã biết hết nội dung rồi thì còn trả tiền đi xem phim thật làm gì nữa!’.
Nhưng giờ đây, ngoài gián tiếp ảnh hưởng tới doanh thu của các bộ phim, các video review còn có thể trở thành các hành vi vi phạm pháp luật, những người đăng tải các video đó có thể trở thành ‘tội phạm’ về luật sở hữu trí tuệ.
Video Review phim vi phạm luật sở hữu trí tuệ Việt Nam
Khi luật sở hữu trí tuệ và các vấn đề về bản quyền ngày càng trở thành một mối quan tâm lớn của xã hội, các hành vi tưởng như ‘chấp nhận được’ khi xưa giờ đã trở thành hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình, việc cắt ghép các video, clip từ các bộ phim đã đăng ký bản quyền rồi tải lên Youtube giờ không còn được xã hội ‘mắt nhắm mắt mở’ cho phép như xưa nữa.
Theo bà Vũ Hồng Yến, Giám đốc điều hành của Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Rouse tại Thành phố Hồ Chí Minh: “Những hành vi review phim này đã cấu thành việc sao chép, sử dụng và truyền bá trái phép tác phẩm điện ảnh đến công chúng theo Điều 28.6, Điều 28.8 và 28.10 của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Việc cắt bỏ các cảnh quay phim, thêm lời bình làm tiết lộ hoặc gây hiểu lầm cho người xem về cốt truyện phim cũng có khả năng vi phạm quyền nhân thân của tác giả theo quy định tại Điều 28.5 Luật sở hữu trí tuệ”
Ngoài ra, việc review phim này không hề nhằm mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy cá nhân, … nên hành động này không nằm trong số các trường hợp sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép tác giả tại khoản 1 Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ.
Nạn phim lậu tràn lan
Không chỉ các video review phim trên Facebook và Youtube, nhiều kênh phim lậu bất hợp pháp khác cũng ‘mọc lên như nấm’ trên mạng online. Tính đến tháng 1 năm 2021, đã có ít nhất 80 website đăng tải và trình chiếu các bộ phim có bản quyền một cách bất hợp pháp. Ví dụ điển hình mà hầu hết người dân Việt Nam đều biết đến là các trang web như phimmoizz, hdonline, fullphim, TvHay, …
Làm cách nào để bảo vệ bản quyền phim?
Theo bà Vũ Hồng Yến, các nhà làm phim có những bộ phim bị vi phạm bản quyền có 2 phương án để bảo vệ tác phẩm của mình:
- Đưa ra thông báo và cơ chế gỡ bỏ video nếu không tuân thủ. Tài khoản nhiều lần tải lên các video có bộ phim chứa bản quyền một cách bất hợp pháp có thể bị khóa tài khoản vĩnh viễn.
- Chặn website, xử phạt hành chính hoặc áp dụng các biện pháp xử phạt khác đối với các kênh, website đăng tải video lậu.
Bà Vũ cho biết: “Mặc dù việc chặn các trang web lậu chỉ mới được triển khai gần đây nhưng đã có nhiều kết quả tích cực nhờ sự hợp tác và hỗ trợ nhiệt tình của các nhà cung cấp dịch vụ Internet.”
-Monster Hunter-