Hãng điện thoại từ Trung Quốc – Oppo Mobile Telecommunications và tập đoàn thiết bị viễn thông Phần Lan Nokia đã ký kết một thỏa thuận chia sẻ sáng chế toàn cầu về các công nghệ truyền thông di động thế hệ thứ năm (5G) và các công nghệ khác, qua đó chấm dứt cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài 31 tháng giữa 2 bên.

Thỏa thuận đã kết thúc tất cả các tranh chấp bản quyền đang chờ được giải quyết giữa hai bên tại tất cả các quốc gia, và họ đồng ý giữ bí mật về các điều khoản của thỏa thuận. Nokia, có trụ sở tại Espoo, sẽ nhận được thanh toán từ Oppo trong vài năm và thanh toán bù cho các khoản chưa thanh toán trong thời kỳ tranh chấp.

Oppo và Nokia đã bị mắc kẹt trong những cuộc chiến pháp lý kể từ tháng 7 năm 2021 sau khi không thể đạt được thỏa thuận mới về các mức phí cấp phép FRAND (hợp lý và không phân biệt đối xử) cho các bằng sáng chế 5G của công ty Phần Lan. Nokia đã kiện Oppo ở hơn 10 quốc gia, bao gồm Vương Quốc Anh, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển và Phần Lan, với các kết quả khác nhau.

“Thỏa thuận này phản ánh sự công nhận và tôn trọng chung đối với quyền sở hữu trí tuệ của các bên và là nền tảng cho sự hợp tác trong tương lai giữa Oppo và Nokia,” – Phó Tổng Giám đốc Sở hữu Trí tuệ của Oppo, Feng Ying, phát biểu.

Vào ngày 28 tháng 11, tại một tòa án ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, đã xác định khoảng giá tích lũy toàn cầu của ngành công nghiệp viễn thông 5G trong khoảng từ 4,341% đến 5,273%. Quyết định này là quyết định đầu tiên của một tòa án Trung Quốc liên quan đến mức cước phí FRAND toàn cầu cho cấp phép sáng chế thiết yếu chuẩn, dẫn đến việc Nokia phải giải quyết tranh chấp với các nhà cung cấp điện thoại di động như Oppo.

Bình luận về thỏa thuận với Oppo, Tổng Giám đốc Nokia Technologies, Jenni Lukander, nói “thỏa thuận mới – cùng với các thỏa thuận lớn khác về điện thoại thông minh chúng tôi đã ký kết trong năm qua – sẽ mang lại ổn định tài chính dài hạn cho hoạt động kinh doanh cấp phép bằng sáng chế của chúng tôi.”

Do có nhiều bằng sáng chế liên quan đến công nghệ 5G, một thiết bị hoặc giải pháp công nghệ có thể được tích hợp nhiều sáng chế. Vì vậy, phí cấp phép FRAND được xác định bằng cách cộng dồn tất cả các tỷ lệ sử dụng sáng chế thiết yếu, trong khi phương pháp tính cụ thể được đàm phán giữa chủ sở hữu sáng chế và bên được cấp phép.

Quá trình thương mại hóa 5G đã mở rộng nhanh chóng trên toàn thế giới trong ba năm qua, nhưng ngành công nghiệp chưa có một tiêu chuẩn thống nhất về mức phí cấp phép sáng chế 5G, từ đó đã làm mâu thuẫn giữa các ông lớn công nghệ trở nên nghiêm trọng. Ông lớn chip Mỹ Qualcomm và Apple đã vướng phải những tranh chấp từ năm 2017 đến 2019, sau đó Ericsson của Thụy Điển và Nokia đã kiện các nhà sản xuất điện thoại khác nhau.