World Cup 2022 sắp đến. Mỗi mùa World Cup chính là thời khắc người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới hòa quyện cùng nhau, bất chấp khoảng cách tuổi tác, giới tính, tôn giáo,… Bởi lẽ trái bóng tròn đó không có tuổi tác, giới tính hay tôn giáo, cũng như bất kì nguyên nhân nào dẫn đến tranh chấp thuần khiết nhất giữa người với người. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề về bản quyền World Cup luôn luôn là một chủ đề gây tranh cãi khi năm nào, người dân cũng phải ngóng đợi thông tin mua được bản quyền phát sóng từ các nhà đài lớn. Năm nay cũng không phải ngoại lệ, dù chỉ còn 2 tháng nữa nhưng thông tin về việc phát sóng World Cup hợp lệ vẫn chưa được ai công bố.
World Cup 2022 sẽ chính thức khởi phát tại Qatar – quốc gia Vịnh Ba Tư này.
Tính đến thời điểm này, cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 2022, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã mua và sở hữu được bản quyền phát sóng World Cup. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có động tĩnh nào, cùng với Thái Lan. Được biết, Việt Nam và Thái Lan là 2 trong số các quốc gia có lượng người hâm mộ bóng đá nhiều nhất Đông Nam Á.
Các quốc gia Đông Nam Á khác như Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Philippines đã xác nhận về việc sở hữu bản quyền phát sóng cho trận đấu hay nhất, lừng lẫy nhất hành tinh này.
Theo thống kê từ FIFA, 38 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á đã sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2022 trên nhiều nền tảng như: TV, Radio, Mobile và Internet. Ở khu vực 11 quốc gia Đông Nam Á thì đã có 5 quốc gia sở hữu bản quyền kể trên.
1 phần khiến cho câu chuyện về bản quyền bóng đá trở nên nóng hổi hơn những đợt trước chính là vì vụ tắt tiếng quốc ca trong trận đấu giữa Việt Nam và Lào tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020 cuối năm 2021 trên nền tảng Youtube vì lí do bản quyền.
Được biết, nguyên nhân của sự cố đó là do công ty Next Media đã sở hữu bản quyền đối với bản ghi của quốc ca được phát trong trận đấu đó, khiến cho kênh phát sóng Next Sports phải tắt tiếng quốc ca để tránh bị Youtube đánh bản quyền (dựa trên sự sở hữu của Next Media đối với bản ghi quốc ca, được đăng ký với Youtube).
Bản quyền World Cup 2022 tại Việt Nam
4 năm trước, tại kì World Cup 2018, Việt Nam là quốc gia công bố bản quyền FIFA World Cup chậm nhất trong khu vực Đông Nam Á. Khi đó, VTV với sự hỗ trợ từ Vingroup và Viettel đã chi ra khoảng 12 triệu USD (gần 300 tỷ đồng) để sở hữu bản quyền World Cup 2018.
Tương tự như 4 năm trước, Infront Sports & Media vẫn là đơn vị phân phối bản quyền World Cup tại châu Á (26 quốc gia), trong đó có Việt Nam. Theo tổ chức này, mức giá để sở hữu bản quyền FIFA World Cup 2022 tại thị trường Việt Nam được cho vào khoảng 15 triệu USD (hơn 350 tỷ đồng).
Con số này là tương đối lớn, khiến cho nhiều đơn vị định ‘nhịn đau’ để mua bản quyền phát sóng World Cup cũng phải lùi bước.
Theo ý kiến của giới chuyên gia cùng nhiều fan hâm mộ bóng đá, khả năng kinh doanh hòa vốn đã rất khó, chứ đừng nói đến kiếm lợi nhuận. Qua đó, việc 1 tổ chức đứng ra ôm trọn sẽ rất khó. VTV, Viettel, FPT, Vingroup,… đang nỗ lực đàm phán nhưng hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu khả quan nào cho thấy Infront Sports & Media sẽ đồng ý nhượng bộ.
Có một sự lựa chọn khác cho người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam là xem qua các kênh chiếu lậu, crack, vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, không bàn về việc các hành vi đó là hành vi vi phạm luật sở hữu trí tuệ mà thông thường, độ trễ (ping) khi xem trên các kênh đó thường sẽ chậm hơn so với nhà phát sóng trực tiếp, dẫn đến sự nuối tiếc, hụt hẫng của một fan bóng đá chân chính.