Từ trước đến nay, khi nhắc đến Champagne, rất nhiều người trong chúng ta vẫn hay mặc định rằng đây là tên gọi của một loại rượu vang chất lượng cao. Nhưng trên thực tế, tên của loại rượu này bắt nguồn từ vùng Champagne của Pháp. Tại vùng đất Champagne, mùa vụ nho rất thất thường, khi thì bội thu, lúc lại vô cùng hiếm. Tuy nhiên, Sự thơm ngon của những trái nho này thì không cần phải bàn cãi thêm.

Từ thế kỷ thứ V, ở Châu Âu đã xuất hiện những loại rượu vang của vùng Champange nổi tiếng cho đến tận ngày nay. Theo Ủy ban Chuyên gia về Rượu của Pháp, cái tên “Champagne”, đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý để chỉ vùng đất quê hương của loại đồ uống này, nhằm chỉ dẫn địa lý tại hơn 100 quốc gia.

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho cái tên “Champagne” được gọi là bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thương mại quốc tế thừa nhận chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ một quốc gia, khu vực hay địa phương; nguồn gốc địa lý của chúng bảo đảm chất lượng, danh tiếng hoặc đặc tính bản địa. Để một vùng, khu vực địa lý được sử dụng độc quyền tên vùng, khu vực địa lý cho sản phẩm của họ, theo pháp luật các nước cần các yếu tố sau:

– Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.

– Điều kiện địa lý là yếu tố chính quyết định danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

– Điều kiện địa lý mang lại danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm gồm có: Yếu tố tự nhiên (khí hậu, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác); Yếu tố con người (kỹ năng, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương,…).

– Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.

Về bản chất, chất lượng và danh tiếng của mặt hàng có được là do nguồn gốc địa lý của nó.

Tuy nhiên, có một vấn đề đã dậy sóng dư luận, vào ngày 2/7/2021, Quốc hội Liên bang Nga đã thông qua và Tổng thống Liên bang Nga, Vladimir Putin, đã ký ban hành quyết định rằng chỉ những sản phẩm rượu vang do các công ty Nga sản xuất mới được sử dụng tên gọi “Shampaskoye” (Champagne trong tiếng Nga).

rượu Sâm-panh và tranh chấp thương mại về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tranh chấp thương mại về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, rượu Sâm-panh , champagne,
Rượu Sâm-panh và tranh chấp thương mại về bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Quy định mới này buộc các nhà sản xuất rượu Sâm-panh (Champagne) nước ngoài phải dán nhãn “rượu vang sủi bọt”  (Sparkling wine) lên các sản phẩm của họ khi nhập khẩu vào Nga. Bên cạnh đó, chỉ có các nhà sản xuất Nga có quyền dán nhãn sản phẩm của họ là “Champagne”. Đạo luật này đã gây ra bất lợi lớn cho những nhà sản xuất và xuất khẩu rượu của Pháp.

Dựa theo quan điểm muốn làm dịu đi mối quan hệ gay gắt giữa 2 bên của ông Pavel Titov, Chủ tịch công ty Abrau-Durso, nhà sản xuất rượu Sâm-panh (Champagne) hàng đầu của Nga chỉ ra rằng đối với ông, điều quan trọng nhất là các nhà sản xuất rượu của Nga được làm việc trong bối cảnh chung của ngành công nghiệp rượu vang toàn cầu và vì thế rượu Sâm-panh (Champagne) vẫn được xem như được làm ở vùng Champagne. Với cách giải thích này, công ty sản xuất rượu vang Moet Hennessy đã thỏa hiệp, đồng ý thêm dòng chữ “Sparkling wine” vào mặt sau của các chai rượu Sâm-panh (Champagne) được bán ở Nga.

Tuy nhiên, Hội đồng Champagne Pháp vẫn không đồng tình với cách giải quyết này và yêu cầu tất cả những nhà sản xuất Sâm-panh (Champagne) của Pháp ngừng xuất khẩu sang Nga, đồng thời kêu gọi các nhà ngoại giao Pháp và Liên minh châu Âu (EU) thay mặt cho họ.

Để giải quyết ổn thỏa, sau đó, Nga đã thông qua thêm một luật mới là không ngăn những nhà sản xuất rượu Sâm-panh (Champagne) của Pháp sử dụng nhãn “Champagne”, và cũng không phủ nhận Pháp sở hữu một vùng đất mang tên “Champagne” dành riêng cho vùng đất đó. Vì vậy, rất khó để Pháp và EU có thể đưa việc này ra khiếu nại tại WTO.

Nhìn chung, đây là một vấn đề còn đang gây tranh cãi, trong đó các nhà sản xuất rượu trong nước được hỗ trợ bằng cách tạo ra một khung pháp lý mà quyền của các nhà sản xuất nước ngoài, cũng như khách hàng ở Nga, có thể bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Đồng thời, việc sử dụng tên thương mại như “rượu Sâm-panh (Champagne) Nga” sẽ bị coi là bất hợp pháp ở các quốc gia có chỉ dẫn địa lý (GIs) đã đăng ký cho rượu sâm banh. Do đó, một trong những mục đích của luật mới là hỗ trợ và quảng bá các sản phẩm rượu của Nga ở thị trường nước ngoài sẽ không đạt được, ít nhất là đối với đồ uống mang nhãn hiệu “rượu Sâm-panh (Champagne) Nga”.