Vấn đề trong vụ kiện giữa tập đoàn công nghệ Oracle và công ty công nghệ khổng lồ Google, là liệu Oracle có bản quyền đối với các giao diện lập trình ứng dụng (API) Java và nếu có, liệu Google có sử dụng trái phép công nghệ này hay không. Khi phát triển hệ điều hành Android, Google đã tự tạo nên phiên bản API Java của riêng mình. Nhưng để có thể hỗ trợ các nhà phát triển viết các chương trình của riêng họ cho Android một cách dễ dàng hơn, Google đã sử dụng giao diện với tên, cách tổ chức và chức năng như các API Java. Nói chung, đối với những người không phải là các nhà phát triển, API là tập hợp các thông số kỹ thuật cho phép các chương trình giao tiếp với nhau.

Trang chấp bản quyền giữa hai công ty công nghệ khổng lồ. Ảnh: Law.com

Diễn biến của vụ kiện

Vào tháng 5 năm 2012, Thẩm phán William Alsup của Tòa án Quận phía Bắc của California đã ra phán quyết rằng các API không thể có bản quyền. Tòa án hiểu rõ ràng rằng nếu họ không ra phán quyết như vậy, điều này đồng nghĩa với việc cho phép Oracle sở hữu toàn bộ công nghệ tiện dụng và đa chức năng trên. Phán quyết trên đã tạo cơ sở cho sự đổi mới có ích với tất cả chúng ta cho đến thời điểm hiện tại. Đơn giản, khi “chỉ có một cách để sử dụng một chức năng của một công cụ nhất định, mọi người khi sử dụng công cụ đó phải viết dòng mã cụ thể đó theo cùng một cách”, ngôn ngữ mã hóa đó không thể trở thành đối tượng được cấp bản quyền.

Oracle đã kháng cáo phán quyết của Thẩm phán Alsup lên Tòa phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ. Vào ngày 30 tháng 5 năm 2013, tổ chức công nghệ EFF đã thay mặt nhiều nhà khoa học máy tính đệ trình một bản tóm tắt khoa học và yêu cầu tòa án Liên bang giữ nguyên phán quyết trước đó. Họ cũng khẳng định rằng các API không nên có bản quyền. Vào ngày 9 tháng 5 năm 2014, Tòa án Liên bang đã đưa ra một quyết định sai lầm khi bác bỏ phán quyết của thẩm phán Alsup khi họ nhận thấy rằng các API Java có thể được cấp bản quyền. Mặc dù vậy, các thẩm phán vẫn để ngỏ khả năng Google có thể bảo vệ sử dụng hợp pháp giao diện lập trình trên.

Những diễn biến tiếp theo

Vào ngày 6 tháng 10 năm 2014, Google đã đệ đơn yêu cầu Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xem lại quyết định của Tòa án Liên bang. Vào ngày 7 tháng 11 năm 2014, EFF thay mặt nhiều nhà khoa học máy tính đệ trình một bản tóm tắt khoa học khác yêu cầu Tòa án Tối cao cho phép xem xét lại đơn từ phía Google. Theo đó bác bỏ phán quyết của Tòa án Liên bang và khôi phục phán quyết ​​của Thẩm phán Alsup. Thật không may, vào tháng 6 năm 2015, Tòa đã từ chối đơn của Google.

Vụ việc trên được tòa án quận xem xét lại về quyền sử dụng hợp pháp của Google. May mắn thay, vào tháng 5 năm 2016, bồi thẩm đoàn đã nhất trí rằng việc sử dụng các API Java của Google là sử dụng hợp pháp. Oracle đã nộp đơn kháng cáo quyết định trên. Vào tháng 5 năm 2017, EFF đã đệ trình một bản tóm tắt yêu cầu Liên bang xác nhận phán quyết của bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 2018, Tòa án liên bang lại bác bỏ phán quyết của tòa án quận một lần nữa, quyết định này thậm chí còn vô lý hơn phán quyết năm 2014.

Tòa án đã bác bỏ phán quyết của bồi thẩm đoàn và cho rằng việc sử dụng API của Google không phải là sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật. Google đã yêu cầu toàn bộ Tòa án xét xử lại vụ việc và EFF đã đệ trình một bản tóm tắt khoa học khác ủng hộ kiến ​​nghị của Google. Tòa án liên bang lại từ chối đơn yêu cầu của Google vào tháng 8 năm 2018.

Phán quyết cuối cùng

Vào tháng 1 năm 2019, Google đã đệ trình một bản kiến ​​nghị khác yêu cầu Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xem xét lại cả hai quyết định của Tòa án Liên bang. EFF cũng đã đệ trình một bản tóm tắt ủng hộ kiến ​​nghị của Google vào tháng 2 năm 2019. Vào tháng 11 năm 2019, Tòa án đã chấp nhận đơn của Google. Dự kiến ​​tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 6 năm 2021.

-Scottie-