Nếu nhắc tới ngành công nghiệp game Châu Á, có lẽ chả ai ngần ngại công nhận sức ảnh hưởng của Tencent. Tuy có thể không lâu đời bằng Nintendo hay Sega, Atari, Tencent lại có tốc độ phát triển hơn hẳn các đàn anh.

Sơ lược về gã khổng lồ xứ Trung Quốc

Tencent Holdings Limited là tập đoàn của tỷ phú Mã Hóa Đằng, thành lập vào tháng 11/1998. Hiện tại, Mã Hóa Đằng là người giàu nhất Trung Quốc; với tổng tài sản trong ngành công nghệ thông tin lên tới 60 tỷ Đô la Mỹ, vượt cả Jack Ma.

Tencent sở hữu nhiều công ty con với nhiều lĩnh vực khác nhau, trải dài khắp những lĩnh vực như dịch vụ giải trí, internet, truyền thông, dịch vụ điện thoại di động,… Thành quả lớn nhất của Tencent chính là mạng xã hội WeChat.

WeChat ban đầu là mạng xã hội của người Trung Quốc; dần dần WeChat đã tự phát triển thành một hệ sinh thái bao gồm bộ máy tìm kiếm, mạng xã hội, dịch vụ thương mại, thông tin điện tử,… Hiện tại WeChat đã có hơn 1 tỷ người sử dụng khắp thế giới, chủ yếu là người Trung. Giá trị của Tencent thậm chí còn vượt mặt Facebook.

Từ làng game mobile…

Ban đầu, Tencent chủ yếu sản xuất các trò chơi mobile dựa trên mạng xã hội QQ. Các trò chơi có vô vàn chủ đề với các nền tảng công nghệ khác nhau; tuy nhiên các trò chơi mobile “QQ” này thường chỉ có tiếng nói ở Trung Quốc.

Tới năm 2015, Tencent cho ra mắt trò chơi Honor of Kings độc quyền cho thị trường quốc nội. Trò chơi MOBA trên điện thoại này được yêu thích tới mức mà nó được coi là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất giai đoạn 2015-2017. Nhờ đó, Tencent ra mắt phiên bản toàn cầu; phiên bản này có tên Arena of Valor (hay Liên Quân tại Việt Nam). Cho tới giờ, trò chơi vẫn đem lại doanh thu đều đặn cho Tencent. Đây là trò chơi mobile có doanh thu lớn thứ 2 toàn cầu, đạt mức 112 triệu Đô la Mỹ.

Kết quả hình ảnh cho arena of valor
Arena of Valor – Liên Quân. Tựa game nổi tiếng từ Tencent.

Đầu năm 2019, Tencent cho ra mắt Call Of Duty: Mobile. Tới cuối 2019, trò chơi mau chóng đạt được 35 triệu lượt tải xuống, mang về 2 triệu Đô lợi nhuận cho Tencent. Không những thế, Tencent còn có giấy phép từ BlueHole cho việc sản xuất PUBG Mobile. Phiên bản Mobile của PUBG là tựa game Mobile thành công nhất từ trước tới giờ; với doanh thu tổng cộng là 232 triệu Đô La vào năm 2020.

Bên cạnh những tựa game khủng, Tencent cũng thâu tóm các tựa game như Clash of Clan , Hay Day, Clash Royale,…

Tới thị trường game AAA.

Khác với các nhà phát triển khác, Tencent không tập trung làm game trên PC và Console. Thay vào đó, hãng tập trung vào mảng đầu tư, thậm chí là mua bán và sát nhập. Các liên kết và chân rễ của Tencent hầu như đều xuất hiện ở các công ty game lớn. Hiện tại Tencent đang có trong tay:

  • Toàn quyền sở hữu Riot Games, nhà sản xuất League of Legends và Valorant. Công ty cũng có hàng loạt dự án game mới như Tales of Runeterra, Ruined King: A League of Legends Story,…
  • Sở hữu tới 40% cổ phần Epic Games. Hãng game được biết tới qua Fortnite, Unreal Engine và Infinity Blade trilogy.
  • Sở hữu 1.5% Bluehole, nhà xuất bản PUBG.
  • Sở hữu 5% công ty cổ phần Activision Blizzard. Điều này cho phép Tencent có thể yêu cầu sử dụng các IP nổi tiếng như Call of Duty.
  • Sở hữu 5% Ubisoft, nhà sản xuất tựa game Assassin’s Creed.
Kết quả hình ảnh cho riot games lol
Riot Games – một công ty được Tencent mua lại.

Bên cạnh những nhà phát triển lớn, Tencent còn sở hữu vô số các nhà phát triển nhỏ trên nhiều quốc gia. Cho tới nay, Tencent đã có gần 20 công ty nhỏ lẻ phục vụ việc sản xuất game từ mobile cho tới game AAA. Thậm chí đã có tin đồn Tencent đang ngỏ ý mua lại Take-Two Interactive; công ty chủ sở hữu của Rockstar Games và 2k Games. Nếu thương vụ này thành công, Tencent sẽ nắm trong tay thêm rất nhiều IP game nổi tiếng; tất nhiên phải kể đến dòng game GTA của Rockstar và NBA của 2K.

Goliath của xứ game

Chiến lược tập trung vào cạnh tranh và đầu tư, sát nhập, Tencent đã thâu tóm vô vàn nhà sản xuất có tên tuổi. Qua đó, hãng cũng sở hữu và có sức ảnh hưởng tới hầu hết các nhà sản xuất lớn trên thế giới. Với những hứa hẹ về nền tảng chơi game WeGame mới, Tencent cũng nâng mình lên vị thế cạnh tranh với những tên tuổi như Microsoft, Sony, Nintendo.

Tencent giờ đang là “Goliath” ngồi trên cung điện trên mây, với biết bao của cải kiếm được sau nhiều thương vụ. Liệu tương lai có một “David” nào có đủ sức ảnh hưởng “leo cây đậu thần” để thách thức gã khổng lồ hay không? Hay cuộc chiến sẽ chỉ là của những ông lớn với Microsoft, Sony như Clash of Titan? Câu trả lời có lẽ chỉ thời gian mới đem lại được.

-Iron Castle-