Tập năm của bộ phim She-Hulk: Attorney at Law – bộ phim đang được nhắc đến rất nhiều trên internet, đã chứng minh rằng ngay cả các siêu anh hùng cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến nhãn hiệu.

Bộ phim kể về câu chuyện về Jennifer Walters, một nữ luật sư có thể biến thành siêu anh hùng She-Hulk. Trong suốt bộ phim, Jennifer/She-Hulk phải chiến đấu với và chống lại các kẻ xấu bằng cả kiến thức về pháp luật lẫn siêu năng lực của mình.

Tranh chấp quyền SHTT thú vị trong bộ phim She-Hulk: Attorney at Law

Trong tập năm, She-Hulk phát hiện ra rằng Titania (một trong số những kẻ xấu chống lại She-Hulk) đã đăng ký nhãn hiệu thương mại cho cụm từ SHEHULK và đã sử dụng nhãn hiệu này để bán hàng loạt các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Titania cũng đã gửi một lá thư yêu cầu Jennifer không được sử dụng cái tên She-Hulk.

Tranh chấp quyền SHTT thú vị trong bộ phim She-Hulk: Attorney at Law.

Jennifer và luật sư thương hiệu của cô ấy cũng đã sớm nhận ra, họ chưa đăng ký nhãn hiệu cho cái tên She-Hulk, vì đó không phải là tên thật của Jennifer và cô thậm chí còn chưa từng quan tâm đến cái tên này cho đến khi cô trở nên nổi tiếng và bị cáo buộc xâm phạm nhãn hiệu.

Theo đó, tập phim kể câu chuyện về những nỗ lực của Jennifer để chứng minh rằng cô ấy đã sử dụng cái tên She-Hulk trước khi Titania ra mắt thương hiệu của mình.

She-Hulk: Attorney at Law là câu chuyện về siêu anh hùng với những yếu tố giả tưởng, nên có lẽ câu chuyện này sẽ không mang nhiều tính thực tế. Nhưng với tập năm, bộ phim này đã xác định một vấn đề phổ biến mà nhiều cá nhân và doanh nghiệp đang phải đối mặt, cụ thể là việc phát hiện ra rằng ai đó đang sử dụng thương hiệu “của họ”. Bộ phim cũng đã thành công khi đưa ra một số thách thức mà các cá nhân và doanh nghiệp gặp phải khi cố gắng giải quyết vấn đề trên.

Vấn đề này đặc biệt phổ biến trong các ngành công nghiệp như thời trang và mỹ phẩm, với rất nhiều lợi thế thương mại sẽ được gắn với tên của những nhà thiết kế hoặc người nổi tiếng. Các vấn đề trên thường phát sinh khi một nhà thiết kế cấp phép hoặc chuyển giao việc sử dụng tên của họ cho một bên khác, nhưng sau đó mất quyền kiểm soát đối với cái tên đó.

Trong tập năm, Titania không chỉ đăng ký thành công nhãn hiệu SHEHULK mà còn tung ra thị trường và tiếp thị thành công một loạt các sản phẩm sử dụng nhãn hiệu này. Để đáp trả hành động này, She-Hulk có thể kiện Titania đã vi phạm nhãn hiệu của mình. Hoa Kỳ không phải là quốc gia áp dụng quy tắc “first to file” như Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc, ở Hoa Kỳ, quyền sở hữu nhãn hiệu không đơn giản chỉ thuộc về người đăng ký nhãn hiệu trước.

Thay vào đó, Hoa Kỳ là quốc gia áp dụng nguyên tắc “first to use”. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai là người đầu tiên sử dụng tên doanh nghiệp, tên sản phẩm hoặc biểu tượng liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ trong thương mại tại Hoa Kỳ đều có quyền đăng ký và sở hữu nhãn hiệu.

Có thể She-Hulk: Attorney at Law chưa thể hiện được trọn vẹn những diễn biến pháp lý phức tạp của vụ kiện, nhưng bộ phim đã có thể nêu lên một số vấn đề nhãn hiệu theo cách rất giải trí và dễ tiếp cận với khán giả đại chúng.

Trên thực tế, đây thậm chí không phải là tập phim duy nhất trong bộ phim này đề cập đến vấn đề SHTT, cụ thể, tập bốn của bộ phim đã đề cập đến những cáo buộc về vi phạm bản quyền hay cạnh tranh không lành mạnh. Hãy cùng đón chờ những vấn đề pháp lý thú vị sẽ xuất hiện trong tập phim sắp tới.