Tại Hà Nội, thủ đô văn hiến của Việt Nam, tình trạng xâm phạm nhãn hiệu diễn ra tràn lan khắp nơi không được kiểm soát trong hàng chục năm nay, đặc biệt ở các tuyến phố nổi tiếng về ẩm thực. Việc nhiều hàng quán cùng tên đặt san sát nhau gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về thương hiệu gốc, chân chính ban đầu không phải chuyện mới lạ, không chỉ làm tổn hại giá trị thương hiệu mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong đó, phố Hàng Than và phố Bà Triệu là hai địa điểm nổi tiếng tại Hà Nội với hàng loạt cửa hàng mang cùng một tên thương hiệu, khiến du khách và người mua hàng dễ bị lạc trong một ma trận khó phân biệt. Nếu là du khách từ phương xa đến, chắc chắn họ không thể nào biết được thương hiệu nào mới là thương hiệu uy tín thật sự.
Phố Hàng Than – Thiên đường bánh cốm
Phố Hàng Than, thuộc quận Ba Đình, kéo dài khoảng 500 mét từ vườn hoa Hàng Đậu đến phố Yên Phụ. Nơi đây nổi tiếng với các dịch vụ trọn gói cưới hỏi và bán các loại bánh ngọt truyền thống như bánh cốm, bánh xu xê. Điều đặc biệt là trên con phố này có khoảng 20 cửa hàng cùng mang tên “Bánh cốm Nguyên Ninh”, tập trung chủ yếu ở hai đầu phố.
Việc có quá nhiều cửa hàng cùng tên khiến người mua, đặc biệt là khách du lịch, khó phân biệt được đâu là cửa hàng lâu đời, đâu là cửa hàng mới mở, cũng như chất lượng sản phẩm có sự khác biệt như thế nào. Bánh cốm thường được sản xuất, đóng gói và bán ngay tại chỗ. Một nhân viên bán hàng tại cửa hàng Nguyên Ninh số 1 Hàng Than chia sẻ: “Khách hàng thường chọn mua theo sở thích hoặc thói quen, ai quen cửa hàng nào thì mua ở đó.”
Đó là với khách hàng đã mua ít nhất một lần tại con phố này, còn đối với khách du lịch hoặc lần đầu đi mua thì thường chỉ nhắm mắt chọn bừa một cửa hàng theo sở thích hoặc cảm quan, không mấy ai quan tâm đến việc tìm ra thương hiệu đích thực.
Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng đảm bảo chất lượng. Vào ngày 2/1, cửa hàng Bánh cốm Nguyên Ninh tại số 11 Hàng Than – được nhiều người dân công nhận là cơ sở lâu đời nhất – đã bị đóng cửa để kiểm tra và bị phạt 40 triệu đồng do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Qua đó có thể thấy thương hiệu lâu đời nhất chưa chắc đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng hơn các cơ sở mới mở hoặc đạo nhái. Điều quan trọng nhất khi mua ẩm thực chính là chất lượng sản phẩm khi hấp thụ những sản phẩm này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Phố Bà Triệu – Nơi hội tụ các cửa hàng lạc rang
Phố Bà Triệu, đoạn từ ngã tư Trần Nhân Tông đến ngã tư Tuệ Tĩnh, chỉ dài khoảng 200 mét nhưng có hơn 10 cửa hàng bán lạc rang húng lìu mang tên “Bà Vân”. Các cửa hàng này đều treo biển hiệu với những dòng chữ như “chính hiệu”, “gốc”, “duy nhất”, khiến khách hàng khó phân biệt.
Đáng chú ý hơn là phần lớn bà Vân này đều là ảnh của cùng một người phụ nữ, chứ không phải nhiều bà Vân cùng tên và trùng hợp kinh doanh lạc rang húng lìu.
Sản phẩm lạc rang ở đây có bao bì khá giống nhau, hương vị cũng không có nhiều khác biệt, thậm chí có thể nói là giống hệt với nhau, có thể là đến từ cùng một nơi sản xuất. Một chủ cửa hàng tại số 180 Bà Triệu khẳng định: “Chúng tôi có đăng ký kinh doanh và sản xuất tại chỗ, không nhập hàng từ nơi khác.” Tuy nhiên, những cửa hàng liền kề cũng đưa ra những tuyên bố tương tự và rất khó để kiểm chứng.
Ngoài lạc rang, phố Bà Triệu còn nổi tiếng với các cửa hàng bán muối ô mai mang tên “Bà Thu”. Có khoảng 5-7 cửa hàng với biển hiệu giống nhau về màu sắc và kiểu dáng. Muối ô mai là một loại gia vị đặc trưng của Hà Nội, được làm từ nước cốt ô mai và ô mai sấy nhuyễn, thường dùng để chấm trái cây.
Bún chả Hàng Mành – Điểm đến gây nhầm lẫn
Cụm quán ăn “Bún chả Hàng Mành” tại số 1 Hàng Mành cũng là một địa chỉ khiến nhiều thực khách bối rối. Tại đây có bốn quán ăn với biển hiệu gần như giống hệt nhau. Một du khách từ TP.HCM chia sẻ: “Tôi nghe nói về bún chả Hàng Mành, nhưng đến nơi mới thấy có quá nhiều cửa hàng. Tôi quyết định chọn quán đông khách nhất để thử.”

Kể từ khi lọt vào danh sách Michelin vào tháng 6/2023, quán bún chả Đắc Kim đã thay đổi biển hiệu để dễ nhận biết hơn. Tuy nhiên, các quán còn lại vẫn sử dụng tên gọi tương tự, dù chủ sở hữu khác nhau.
Những địa điểm ẩm thực khác
Trước đây, phố Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ) nổi tiếng với dãy quán ăn mang tên “Ông Già”, chuyên phục vụ các món như ốc hấp thuốc Bắc, cá nướng và nhiều đặc sản khác của hồ Tây. Trên một đoạn phố ngắn khoảng 200 mét, có đến cả chục cửa hàng với các tên gọi như “Ông Già Thật”, “Ông Già Xịn”. Tuy nhiên, gần đây, do việc mở rộng tuyến đường, các quán ăn này đã phải di dời.
Những cửa hàng kể trên đều đã tồn tại nhiều năm và có lượng khách hàng trung thành. Tuy nhiên, việc phân biệt đâu là cửa hàng gốc và đâu là cửa hàng “xịn” vẫn là một thách thức, bởi nhiều cửa hàng mới ra đời nhưng lại đăng ký thương hiệu sớm, trong khi những cửa hàng lâu năm lại đăng ký muộn.
Hà Nội vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn với những con phố ẩm thực đặc trưng, nhưng sự trùng lặp về tên gọi và biển hiệu đôi khi khiến du khách và người dân địa phương gặp khó khăn trong việc lựa chọn.
Đáng lưu ý rằng việc các cửa hàng công khai cạnh tranh nhau về thương hiệu sản phẩm qua hình thức sao chép hoàn toàn cho thấy sự không coi trọng đối với luật pháp về sở hữu trí tuệ. Để phát triển và bảo vệ thương hiệu của mình, các cá nhân, tổ chức kinh doanh ẩm thực nên lưu ý về việc bảo hộ thương hiệu, tên tuổi, uy tín của mình thông qua việc đăng ký nhãn hiệu ngay từ khi bắt đầu xây dựng cửa hàng, tránh việc tên tuổi bị lợi dụng khi đạt được thành công, dẫn đến các cố gắng trước đó trở nên vô nghĩa.