Cuối năm 2020, đầu năm 2021, bối cảnh thế giới có nhiều biến động song số lượng đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được tiếp nhận và giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam được cấp vẫn đạt ở mức cao.
Nông sản vẫn là sản phẩm được bao hộ chủ yếu
Năm 2020, có tới 22 đơn và 21 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp phép. Giống như các năm vừa qua, cơ cấu sản phẩm về chỉ dẫn địa lý được cấp Giấy chứng nhận đăng ký trong năm 2021 không có nhiều sự thay đổi, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, không có sản phẩm chế biến. Các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn đa phần là các cản phẩm tươi sống, trong đó có 6 sản phẩm là hoa quả tươi (sầu riêng Cái Mơn, na dai Lục Nam, khóm Cầu Đúc), 3 sản phẩm thủy hải sản (tôm hùm Phú Yên, baba Văn Chấn, yến sào Khánh Hòa), còn lại các nông sản khác bao gồm gia vị, động vật tươi sống và gạo.
Tính đến đầu năm 2021, Việt Nam đã cấp văn bằng bảo hộ cho 94 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 88 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý nước ngoài. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã tạo ra cơ hội mới cho 40 chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam khi được chính thức bảo hộ và hưởng các ưu đãi về thuế quan trong xuất nhập khẩu tại Liên minh Châu Âu. Đồng thời, có thêm 169 chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu được Việt Nam bảo hộ. Do những tác động về dịch bệnh với những khó khăn chung trên toàn thế giới, các chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam chưa phát huy được những lợi thế sau khi được bảo hộ tại Liên minh châu Âu.
Đổi mới cách quản lý
Các chính sách quản lý chỉ dẫn địa lý có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và đổi mới những lợi thế mà chỉ dẫn địa lý mang lại.
Các quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần phải phù hợp với bản chất từng thành phần. Chỉ dẫn địa lý được coi là tài sản trí tuệ chung của cộng đồng nhà sản xuất gắn với khu vực địa lý tương ứng. Mặt khác, các quy định cần phải rõ ràng, chỉ ra vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm điều hòa lợi ích và công bằng xã hội.
Những yêu cầu trên đòi hỏi phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư, nhà sản xuất và tiến trình đăng ký quản lý. Điều này cũng gây ra những thay đổi trong chương trình hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý, do đó cần tập trung vào hoạt động nâng cao năng lực cho tổ chức tập thể.
Mặt khác, đối với các chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ, các tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý hiện nay (nhà nước trực tiếp quản lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng CDĐL) cần thay đổi phương pháp tiếp cận: hỗ trợ cộng đồng cư dân, các nhà sản xuất thành lập các tổ chức tập thể để quản lý chỉ dẫn địa lý nếu tổ chức tập thể chưa được hình thành; hoặc củng cố, nâng cao năng lực nếu tổ chức tập thể chưa đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò của chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý.
Tất cả những đòi hỏi đó đặt ra yêu cầu phải sửa đổi các quy định hiện hành về hình thức quản lý. Hiện nay, quá trình sửa đổi các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ trong đó có chỉ dẫn địa lý thuộc Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đang được gấp rút hoàn thành. Hi vọng năm 2021 sẽ là năm bản lề đánh dấu sự thay đổi mang tính bước nhảy về chất trong các quy định về tiến trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý, từ đó phát huy hơn nữa lợi thế mà chỉ dẫn địa lý mang lại.
Đọc thêm các bài viết về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại đây.