Liệu việc sao chép vaccine trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay hành động cứu vớt thế giới? Đó là câu hỏi đã khiến nhiều chuyên gia, luật sư, tiến sĩ, bác sĩ, thậm chí cả thủ tướng chính phủ của nhiều quốc gia hùng mạnh trên thế giới trăn trở mỗi đêm.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã được gần 2 năm, tuy nhiên, đến hiện tại nó vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt hay thuyên giảm. Ngược lại, số liệu thống kê từ các cơ sở y tế hàng đầu trên thế giới cho thấy rằng nếu cứ tiếp tục sử dụng các biện pháp hiện hành, dịch Covid-19 có khả năng sẽ không bao giờ biến mất.

Dự đoán đó dần được càng nhiều người trên khắp thế giới ủng hộ hơn khi chính phủ của một số quốc gia tuyên bố rằng họ sẽ không còn thực hiện các biện pháp hạn chế di chuyển nữa, thay vào đó họ sẽ mở cửa hoàn toàn, chuyển sang tình trạng ‘sống chung với dịch’. Người dân cũng được khuyến khích thay đổi nhận thức về đại dịch, nếu bị nhiễm thì tìm cách không để bệnh diễn biến nặng hoặc tử vong vì Covid-19.

Trái lại, một số tổ chức cho rằng hành vi đó là hoàn toàn sai lầm, họ lên án các chính phủ vì việc bỏ cuộc quá sớm và họ đã không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh.

Tuy nhiên, có thật là chính phủ của Fiji, Campuchia, Indonesia, Philippines, Úc, Singapore,… đã không cố hết sức mình?

Trên thực tế, Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới với 82% người trưởng thành đã được tiêm vaccine đầy đủ. Điều đó chứng tỏ rằng không phải quốc gia này từ bỏ cuộc chiến.

Thay vào đó, có lẽ Singapore coi rằng cuộc chiến này là ‘cuộc chiến không hồi kết’ và mục tiêu đạt Zero Covid chỉ là một giấc mơ sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.

Nếu bỏ ngoài các yếu tố bất khả kháng như việc mở cửa nền kinh tế sẽ chắc chắn kéo theo rủi ro quốc gia Zero Covid lại có số ca nhiễm tăng cao (Bởi giả dụ dù Singapore đạt mục tiêu này nhưng các quốc gia khác chắc chắn sẽ không thể đạt được cùng lúc) thì cuộc chiến này cũng sẽ không thể đến hồi kết được.

Bởi lẽ thế giới đang không sử dụng hết mọi công cụ có thể huy động để đấu tranh chống lại Covid-19. Một trong những công cụ hữu hiệu nhất hiện tại vẫn còn đang chịu hạn chế bởi luật pháp và các điều ước quốc tế chính là quyền sản xuất và phân phối vaccine Covid-19.

Bản chất của việc sao chép vaccine là gì?

Sao chép vaccine có thể hiểu là việc có quyền sản xuất và phân phối vaccine một cách tự do, không chịu ràng buộc bởi luật sở hữu trí tuệ.

Hay nói cách khác, tiền đề của việc sao chép vaccine chính là việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Qua đó, khi quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và các công nghệ khác nhằm chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19 được miễn trừ, mọi tổ chức trên thế giới có thể có quyền sao chép công thức sản xuất vaccine và sản xuất, phân phối hàng loạt vaccine đến người dân trong thời gian ngắn nhất.

Tuy nhiên, có thể có một cách hiểu khác với thuật ngữ sao chép vaccine.

Theo đó, ta sẽ không hiểu việc sao chép vaccine như thuần túy Ctrl + C nữa mà là một biện pháp đảo ngược công thức. Qua đó, các nhà khoa học của các tổ chức B sẽ mua một loại vaccine được công ty A sản xuất và tung ra thị trường (những liều vaccine được tiêm cho người dân trên toàn thế giới hiện tại) và họ sẽ tìm cách tái tạo, đảo ngược vaccine Covid-19 để tìm ra mã gen gốc, công thức bí mật tạo ra loại vaccine đó.

Nếu thành công, họ sẽ có thể tự tạo nên một loại vaccine tương tự hoặc hoàn toàn ‘sao chép’ loại vaccine của công ty A. Việc tìm cách tái tạo vaccine qua công nghệ đảo ngược này là hoàn toàn hợp pháp và sẽ không vướng phải bất luận cản trở nào. Tuy nhiên, điều này là rất khó.

WHO ủng hộ việc sao chép vaccine

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, WHO – Tổ chức Y tế Thế giới thực ra lại là một bên ủng hộ của công nghệ đảo ngược vaccine.

Qua đó, nhiều nguồn tin cho biết rằng WHO đang hỗ trợ các nhà khoa học Nam Phi tái tạo vaccine Covid-19 của hãng dược phẩm Moderna sử dụng công nghệ mRNA, dựa trên các thành phần đã được công khai của vaccine Moderna. Nếu thành công, loại vaccine đảo ngược này sẽ khiến cho các nước nghèo vốn không phải đối tượng ưu tiên được phân phối vaccine có thể nhận được sự trợ giúp kịp thời, đảm bảo sức khỏe của người dân, mở cửa lại nền kinh tế,…

Sao chép vaccine – Hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay hành động cứu vớt thế giới?

Lúc này, WHO đang điều phối trung tâm nghiên cứu, đào tạo và sản xuất vaccine ở Nam Phi. Ngoài ra, WHO cũng phụ trách cung ứng các nguyên vật liệu thô cho sản xuất vaccine.

Việc ủng hộ công nghệ đảo ngược, sao chép vaccine là cách duy nhất WHO có thể công khai thúc đẩy nhằm đưa vaccine đến với các nước nghèo, trong bối cảnh nỗ lực kêu gọi các tập đoàn dược phẩm chia sẻ công nghệ rơi vào bế tắc.

Emile Hendricks, chuyên gia công nghệ sinh học của Afrigen Biologics and Vaccines, công ty đứng sau nỗ lực tái tạo vaccine Moderna, cho biết: “Những gì chúng tôi đang làm lúc này là vì châu Phi. Chúng ta không thể tiếp tục trông đợi vào các cường quốc.”

Martin Friede, điều phối viên chương trình nghiên cứu vaccine của WHO và là người đang trợ giúp trung tâm nghiên cứu Cape Town, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi phải làm tới mức độ này, bởi nhu cầu cấp thiết cũng như công nghệ này còn quá mới.”

Tiến sĩ Tom Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, cho rằng thế giới đang bị Moderna và Pfizer “bắt làm con tin”.

Vaccine sử dụng công nghệ mRNA của hai hãng này được cho là có hiệu quả cao trong phòng ngừa Covid-19, nhưng nguồn cung từ Pfizer và Modern vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi. Hai hãng dược phẩm bị cáo buộc chỉ ưu tiên vaccine cho các nước giàu, trong khi khiến những nước nghèo phải chờ đợi quá lâu.

Bởi Moderna nhận được hỗ trợ tài chính rất lớn từ chính quyền Mỹ trong giai đoạn phát triển vaccine, Tổng thống Biden đã nhiều lần yêu cầu Moderna mở rộng sản xuất nhằm tăng nguồn cung cho các nước đang phát triển.

“Chính phủ Mỹ đóng vai trò rất trọng yếu biến Moderna thành một công ty như hiện nay”, David Kessler, Giám đốc chương trình thúc đẩy phát triển vaccine Covid-19 của Mỹ, cho biết.

Dẫu vậy, ông Kessler không cho biết Washington sẽ đi xa đến đâu trong nỗ lực gây sức ép lên Moderna hay liệu Tổng Thống Joe Biden có thật sự có thể khiến các công ty dược ‘đi vào khuôn khổ’ hay không.

Nhiều chuyên gia khác cho rằng việc tái tạo vaccine từ các thành phần đã công khai là cách duy nhất để giải quyết tình trạng bất bình đẳng phân phối vaccine, đặc biệt là với việc đề xuất miễn trừ quyền Sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 gần như là không có khả năng thông qua (bởi lẽ việc này cần sự đồng thuận của cả 164 thành viên WTO). Nghĩa là nếu dù chỉ 1 quốc gia không đồng ý thì đề xuất này sẽ không bao giờ được thông qua và tính đến hiện tại thì mới chỉ có 105 quốc gia đồng ý đề xuất trên.

Qua đó, dù sau một khoảng thời gian sẽ có quốc gia như Úc (Australia) mới đây đáp ứng, đồng ý đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine nhưng nhìn chung, các tổ chức lớn trên thế giới biết rằng việc đó chỉ như một hình thức, một động thái chính trị chứ không có nghĩa rằng ta đang tiến gần hơn bất kì bước nào đến mục tiêu miễn trừ quyền SHTT đối với vaccine.

Liệu các quốc gia phản đối đề xuất hay các hãng dược phẩm có ngáng đường nỗ lực tái tạo vaccine của WHO?

Việc sản xuất vaccine Covid-19 nhanh chóng chỉ trong 1,2 năm sau khi dịch bùng phát là việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Cũng như vậy, việc WHO bất chấp tất cả, công khai ủng hộ việc tái tạo, sao chép vaccine Covid-19 cũng là việc chưa từng có tiền lệ.

Dẫu rằng việc tái tạo lại vaccine thông qua công nghệ đảo ngược là hợp pháp, tuy nhiên, việc thương mại hóa vaccine lại là một vấn đề khác.

Hiển nhiên, việc WHO sao chép lại vaccine không chỉ để tìm ra công thức, mà họ sẽ dùng công thức đó để sản xuất hàng loạt vaccine và phân phối khắp Châu Phi và trên cả thế giới, cụ thể là những nước nghèo vốn không được ưu tiên.

Qua đó, việc phân phối hàng loạt như vậy sẽ tiến đến giai đoạn chào bán thương mại và có thể sẽ dẫn đến tranh chấp với Moderna và các hãng dược phẩm khác.

Quyền sở hữu trí tuệ với vaccine tới nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Về vấn đề trên, Moderna cho biết sẽ không theo đuổi hành động pháp lý với một công ty xâm phạm quyền sở hữu với vaccine của hãng này nhưng Moderna cũng không có ý định trợ giúp bất cứ công ty nào sản xuất vaccine sử dụng công nghệ mRNA.

Noubar Afeyan, Chủ tịch của Moderna, cho biết hãng dược phẩm này đã quyết định sẽ mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới, thay vì chuyển giao công nghệ. Moderna cho biết rằng công ty dự kiến sẽ sản xuất được hàng tỷ liều vaccine trong năm 2022.

“Trong vòng 6-9 tháng, cách phân phối vaccine chất lượng cao đáng tin nhất là chúng tôi sẽ tự sản xuất”, ông Afeyan cho biết.

Zoltan Kis, chuyên gia về vaccine mRNA tại Đại học Sheffield, cho rằng việc tái tạo vaccine của Moderna là “có thể thực hiện được”, nhưng sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu Moderna chấp nhận chia sẻ công nghệ.