Nhãn hiệu là một trong những loại tài sản quan trọng nhất của các doanh nghiệp. Theo đó, việc đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm hoặc dịch vụ đã và đang ngày càng thể hiện tầm quan trọng đáng kể hơn.

® và ™: nên sử dụng biểu tượng nhãn hiệu nào?

Các nhãn hiệu nổi bật, dễ nhận biết có thể có giá trị trong nhiều hoạt động ngoài việc đưa thương hiệu của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng. Các nhãn hiệu đặc biệt có thể truyền đạt triết lý kinh doanh của doanh nghiệp một cách ngắn gọn hay tạo ra được mối liên kết cảm xúc có giá trị với người tiêu dùng, vì vậy việc đăng ký nhãn hiệu chắc chắn là một hoạt động không thể bỏ qua đối với các doanh nghiệp. Nhưng cũng như các quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) khác, các quy định về nhãn hiệu thường khác nhau giữa các quốc gia trên thế giới. Theo đó, việc biết nên sử dụng biểu tượng nào cho nhãn hiệu của mình là rất quan trọng.

Có ba biểu tượng thường được sử dụng để biểu thị với nhãn hiệu:

  • TM: Biểu tượng này cho biết logo, tên sản phẩm, tên doanh nghiệp, khẩu hiệu hoặc tài sản SHTT có đủ điều kiện để được sử dụng trong hoạt động thương mại như nhãn hiệu. Biểu tượng này thường được liên kết với một nhãn hiệu chưa được đăng ký tại cơ quan SHTT quốc gia hoặc khu vực nơi nhãn hiệu đó xuất hiện. Về mặt pháp lý, biểu tượng này chỉ ra rằng người sử dụng nhãn hiệu đang cố gắng yêu cầu quyền sở hữu trí tuệ đối với một yếu tố thương hiệu nhất định.
  • SM: Biểu tượng này thường được sử dụng cho các nhãn hiệu dịch vụ với chức năng tương tự như biểu tượng TM, nhưng chỉ có thể được sử dụng khi kết nối với các dịch vụ. Như với TM, nhãn hiệu SM thường chưa được đăng ký. Đây là biểu tượng ít gặp nhất so với các biểu tượng còn lại.
  • ®: ® là biểu tượng nhãn hiệu có giá trị nhất vì nó xác nhận người sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký nhãn hiệu thành công với cơ quan sở hữu trí tuệ.

Vậy tại sao các biểu tượng nhãn hiệu lại quan trọng? Câu trả lời đơn giản nhất cho câu hỏi này là việc đăng ký nhãn hiệu thành công sẽ mang lại mức độ bảo hộ mạnh mẽ nhất cho nhãn hiệu của các doanh nghiệp. Mặc dù nhãn hiệu đã đăng ký vẫn có thể bị xâm phạm, nhưng trong trường hợp đó, các doanh nghiệp sẽ có được các biện pháp bảo hộ nhãn hiệu hiệu quả. Hơn nữa, khả năng nhãn hiệu bị xâm phạm sẽ được giảm thiểu vì kẻ xấu có thể sẽ nhận ra những hậu quả pháp lý của hành vi xâm phạm nhãn hiệu đã được đăng ký. Nếu ai đó sao chép hoặc sử dụng nhãn hiệu gần giống với nhãn hiệu đã được đăng ký cho các hàng hóa và dịch vụ tương tự, họ đang tự tạo ra rủi ro phải chịu những hình phạt nghiêm khắc và gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của mình.

Bên cạnh đó, các biểu tượng TM và SM cũng có những giá trị nhất định. Trên thực tế, việc sử dụng các biểu tượng này có thể rất quan trọng trong việc đảm bảo quy trình đăng ký nhãn hiệu tại nhiều quốc gia. Các cơ quan sở hữu trí tuệ có thể sẽ yêu cầu bằng chứng về việc sử dụng nhãn hiệu trong hoạt động thương mại hoặc kế hoạch sử dụng nhãn hiệu đó trong tương lai. Việc có những biểu tượng thích hợp cho nhãn hiệu có thể hỗ trợ việc thiết lập quyền SHTT như một phần của thương hiệu tổng thể của doanh nghiệp và gia tăng khả năng đăng ký nhãn hiệu.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hoạt động đăng ký nhãn hiệu có thể đảm bảo doanh nghiệp có quyền cấp phép nhãn hiệu của mình cho các bên khác sử dụng. Mặc dù nhãn hiệu và nhãn hiệu dịch vụ chưa đăng ký có thể được cấp phép tại nhiều quốc gia, nhưng vẫn có những trường hợp những tranh chấp xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp.

Sự khác biệt về các biểu tượng nhãn hiệu trên thế giới

Ở Canada và Tây Ban Nha, bên sử dụng nhãn hiệu không bắt buộc phải sử dụng biểu tượng ® cho nhãn hiệu đã đăng ký, với lý do không có yêu cầu về biểu tượng nào được nêu rõ ràng trong các quy định về nhãn hiệu của Canada và Tây Ban Nha.

Ở các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Mexico, Chile và Philippines, việc không sử dụng biểu tượng ® cùng với nhãn hiệu đã đăng ký có thể hạn chế hoặc thậm chí ngăn cản các doanh nghiệp thực hiện hành động ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Nhiều quốc gia đã có những hình phạt cho những bên sử dụng biểu tượng ® nhưng không đăng ký nhãn hiệu liên quan với các cơ quan sở hữu trí tuệ. Đây được coi là hành vi quảng cáo sai sự thật hoặc gian lận ở nhiều quốc gia EU. Ở Nhật Bản hoặc Ấn Độ, việc sử dụng sai ký hiệu ® trong những trường hợp như vậy có thể dẫn đến việc bị phạt tiền hoặc thậm chí bị phạt tù.

Các phương pháp đăng ký nhãn hiệu hiệu quả

Bước đầu tiên trong quy trình đăng ký nhãn hiệu luôn là nộp đơn đăng ký tại các quốc gia và khu vực pháp lý nơi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể thực hiện một số hoạt động để cải thiện khả năng đăng ký nhãn hiệu. Như đã đề cập, chủ nhãn hiệu có thể cần phải cung cấp bằng chứng về việc sử dụng nhãn hiệu hoặc kế hoạch sử dụng nhãn hiệu trong hoạt động thương mại, vì vậy, việc chuẩn bị những bằng chứng trên có thể đẩy nhanh quá trình đăng ký nhãn hiệu.

Khi đã hoàn thành việc tra cứu nhãn hiệu và xác định rằng nhãn hiệu sẽ khó có thể bị phản đối, đã đến lúc nộp đơn đăng ký. Đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ bao gồm mô tả nhãn hiệu, mẫu nhãn hiệu và danh sách hàng hóa và dịch vụ. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng bảng Phân loại quốc tế Nice để biểu thị các nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhưng các doanh nghiệp phải đảm bảo rằng quốc gia của họ không có bất kỳ yêu cầu bổ sung hoặc thay thế nào liên quan đến các quy định trên. Ngoài ra, hãy nhớ rằng nếu nhãn hiệu có bất kỳ đặc điểm đặc biệt nào, chẳng hạn như màu sắc cụ thể hoặc không thể biểu thị bằng hình ảnh, chẳng hạn như mùi, âm thanh… thì các khía cạnh này cũng phải được trình bày chi tiết và chính xác.

Khi đã soạn thảo đơn đăng ký nhãn hiệu một cách cẩn thận, đã đến lúc nộp đơn đăng ký và thanh toán tất cả các khoản phí liên quan. Trong khi chờ quyết định cấp bằng, hãy sẵn sàng trả lời nhanh chóng và đầy đủ bất kỳ câu hỏi hoặc yêu cầu nào mà văn phòng đăng ký nhãn hiệu có thể sẽ đưa ra.

Nếu khu vực pháp lý nơi doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu đầu tiên là một trong 114 bên ký kết Nghị định thư Madrid, doanh nghiệp sẽ có thể mở rộng hoạt động đăng ký của mình ra tổng cộng 130 quốc gia với việc đăng ký nhãn hiệu qua Hệ thống Madrid do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) quản lý. Tuy nhiên, vì các quy định pháp luật trong nước luôn được ưu tiên hơn các quy tắc của WIPO và các hiệp ước sở hữu trí tuệ, nên việc đăng ký nhãn hiệu riêng ở các quốc gia và khu vực phù hợp là phương pháp hiệu quả để nhãn hiệu có thể được bảo hộ toàn diện.

Gia hạn nhãn hiệu

Nhãn hiệu đã đăng ký có thể là nền tảng quan trọng cho danh mục sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, vì chúng có thể tồn tại vô thời hạn nếu được gia hạn trong các khoảng thời gian xác định, thường là 10 năm một lần tại phần lớn các quốc gia trên thế giới. Bằng cách tuân thủ các nghĩa vụ gia hạn và tuân theo tất cả các quy tắc liên quan đến việc sử dụng biểu tượng nhãn hiệu, nhãn hiệu và các quyền liên quan sẽ luôn có hiệu lực theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Để quản lý nhãn hiệu đã đăng ký một cách hiệu quả, các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ các quy định về việc gia hạn của các quốc gia, cũng như luôn cảnh giác với hành vi sử dụng nhãn hiệu trái phép.