Kinh doanh online đang phát triển khá mạnh mẽ. Tuy nhiên cùng với đó là sự phát triển của vấn nạn vi phạm bản quyền hình ảnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp mà còn mất đi niềm tin từ người tiêu dùng.

Bán hàng online đang ngày càng phát triển

Hiện nay, hoạt động kinh doanh online diễn ra ngày càng sôi nổi và đầy tính cạnh tranh. Bên cạnh chất lượng sản phẩm và dịch vụ thì hoạt động marketing rất quan trọng. Đây là hoạt động chính để để thu hút khách hàng qua việc sử dụng hình ảnh đẹp.

Nói về quảng cáo, pháp luật Việt Nam có Luật quảng cáo 2012 quy định cụ thể về hoạt động này; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Theo đó, khoản 1 Điều 2 Luật quảng cáo có định nghĩa: “quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu (trừ tin thời sự); chính sách xã hội; thông tin cá nhân”.

Để có những bức hình chất lượng, các cửa hàng cần setup một cách kỹ càng

Từ thực tế có thể thấy rõ ràng việc người kinh doanh online hoặc kinh doanh qua mạng xã hội càng cần sử dụng công cụ quảng cáo để tiếp cận thị trường. Nhờ các công cụ công nghệ thông tin phát triển mà người bán hàng online có thể sao chép; sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác một cách dễ dàng. Đặc biệt là những người có ngoại hình ưa nhìn hoặc người nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm.

Vấn nạn ăn cắp hình ảnh sản phẩm

Nhiều cửa hàng phải setup kỹ càng, đầu tư máy móc và thiết bị chuyên nghiệp; thậm chí là bỏ tiền để thuê mẫu ảnh nhằm có những bức hình quảng cáo đẹp. Họ thường xuyên có những buổi quay phim, chụp hình để mang lại những hình ảnh, video chân thực và hữu dụng về sản phẩm cho khách hàng.

Mặc dù bỏ ra nhiều thời gian và tâm huyết như vậy nhưng khi vừa đăng tải trên fanpage của cửa hàng, ngay lập tức có những người lấy lại những hình ảnh, video đó và đăng tải lại y nguyên trên trang bán hàng của mình. để bán những sản phẩm tương tự. Thậm chí, họ còn có thể thu hút được nhiều khách hơn cửa hàng có tấm hình gốc mà không mất bất cứ chi phí nào đầu tư cho hình ảnh. Tất cả các thao tác cần làm chỉ là copy + paste.

Theo luật, trong Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quy định nếu lấy 1 hình ảnh vi phạm thì có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng và biện pháp bổ sung là ngừng hành vi vi phạm và gỡ bỏ vi phạm đó. Thứ 2 là biện pháp dân sự. Những chủ thể quyền với hình ảnh đó có thể khởi kiện ra tòa và yêu cầu bồi thường về mặt thiệt hại không quá 10 lần mức lương cơ sở. Vì vậy, những người bán hàng online cần quan tâm hơn đến vấn đề bản quyền hình ảnh. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi của mình và tránh gặp phải sự cố không mong muốn.

Nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh online lành mạnh, phát triển, việc hạn chế và dần tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm bản quyền hình ảnh trong kinh doanh online là cần thiết.

-Vicma-