Ngày 16 đến ngày 17 tháng 3 năm 2022 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ NOIP đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản JPO tổ chức hội thảo quốc tế về “Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu dành cho cơ quan sở hữu trí tuệ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.

Là một hoạt động thường niên của các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy sáng kiến, tuyên truyền, quảng bá hệ thống Madrid trong khu vực, hội thảo quốc tế về “Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu dành cho cơ quan sở hữu trí tuệ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” được tổ chức nhằm đẩy mạnh sự hợp tác giữa 3 khối Việt Nam, Nhật Bản và WIPO trong các vấn đề về sở hữu trí tuệ.

Các đại biểu tham dự hội thảo gồm các cán bộ phụ trách về hệ thống Madrid đại diện cho 12 Cơ quan Sở hữu trí tuệ quốc gia của 12 nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các chuyên gia đến từ WIPO, JPO và Cục Sở hữu trí tuệ đại diện nước chủ nhà Việt Nam.

Nội dung chính tại Hội thảo quốc tế “Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu dành cho cơ quan sở hữu trí tuệ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Hongbing Chen – Giám đốc, Bộ phận điều hành Madrid, Ban Đăng ký Madrid, Nhãn hiệu và Kiểu dáng, WIPO chia sẻ rằng tính đến thời điểm hiện tại, Hệ thống Madrid là hệ thống toàn cầu duy nhất để tìm kiếm sự bảo hộ nhãn hiệu ở các thị trường nước ngoài.

Được thành lập tính đến năm 2023 là tròn 132 năm, Hệ thống Madrid đã trở thành một kênh đăng ký nhãn hiệu cần thiết cho sự vận hành, kết nối của thế giới trong lĩnh vực bảo hộ tài sản trí tuệ nhãn hiệu.

Trong thời gian này, Hệ thống Madrid liên tục đạt được nhận thức và qua đó là sự tham gia của các quốc gia thành viên mới. Trong đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có sự tiến bộ vượt bậc. Việt Nam cũng thuộc khu vực này, là một trong các quốc gia tận dụng tối ưu được các dịch vụ mà Hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế Madrid cung cấp.

Theo báo cáo của WIPO, số lượng đơn đăng ký từ Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực Châu Á đã tăng mạnh khoảng 5 lần trong 10 năm qua. Ở phía ngược lại, các đơn đăng ký nhãn hiệu từ các quốc gia trên các châu lục khác trên thế giới chỉ định đăng ký tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng tăng mạnh khoảng 7%, thể hiện sự coi trọng của cộng đồng quốc tế đối với việc phát triển tại khu vực Việt Nam, Châu Á về mặt kinh tế.

Đại diện JPO, Ông Shun KUKITA, Thẩm định viên nhãn hiệu, Phòng Hàng hóa tổng hợp và Dệt may phát biểu trình bày về về việc Nhật Bản cũng đã tận dụng hiệu quả việc gia nhập Hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế Madrid, thể hiện rõ qua việc số đơn nộp, đăng ký thành công và số đơn chỉ định Nhật Bản đã tăng cao đáng kể trong thập kỉ qua.

Các nội dung chính được bàn luận giữa WIPO và đại diện các cơ quan SHTT của các nước gồm:

  • Tổng quan và cập nhật chung về Hệ thống Madrid từ WIPO và từ các cơ quan sở hữu trí tuệ các nước thành viên; 
  • Hoạt động với vai trò là cơ quan xuất xứ: Thực tế xử lý đơn đăng ký quốc tế (thủ tục đăng ký quốc tế, xác nhận, thiếu sót, hạn chế…);
  • Phân loại sản phẩm, dịch vụ (cập nhật và tin tức về phân loại sản phẩm, dịch vụ như: hướng dẫn phân loại, công cụ quản lý sản phẩm và dịch vụ MGS…;
  • Thực tế thẩm định việc phân loại hàng hóa dịch vụ);
  • Hoạt động với vai trò là cơ quan được chỉ định: các quyết định từ cơ quan được chỉ định bao gồm các loại quyết định, hình thức, thời hạn, từ chối tạm thời, chấp nhận bảo hộ, các quyết định cuối cùng, phản đối…;
  • Thực tế thẩm định nội dung với vai trò là cơ quan được chỉ định;
  • Liên lạc giữa các cơ quan và WIPO đặc biệt là bằng các công cụ số, trực tuyến;
  • Các biện pháp nhằm thúc đẩy Hệ thống Madrid.

(Theo Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn)