Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của luật pháp với bóng đá. Sau đây là những phân tích để làm sáng tỏ những sự kiện và tranh chấp gần đây cho thấy tầm quan trọng của nhãn hiệu thể thao cũng như vai trò của luật pháp trong việc tăng lợi nhuận thương mại liên quan đến môn thể thao vua và sự thành công của các câu lạc bộ (CLB).

Bài viết cũng sẽ chỉ ra những thách thức mà các bên liên quan sẽ phải đối mặt khi họ bỏ qua khía cạnh thiết yếu trong việc kinh doanh: bảo vệ thương hiệu.

Nhãn hiệu có quan trọng với Câu lạc bộ và Cầu thủ bóng đá không?

Sự bùng nổ thương mại của bóng đá

Trong khi một số người vẫn cho rằng bóng đá chỉ là một trò chơi thì thực tế lại khác xa. Với công nghệ được cải tiến và quá trình toàn cầu hóa đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ, các đội tuyển bóng đá trên toàn thế giới đều nhận được vô số cơ hội kinh doanh, cùng với những khả năng mới để phát triển thương hiệu của CLB trong lĩnh vực thương mại.

Sự bùng nổ thương mại là kết quả của thời kỳ bóng đá chuyên nghiệp, khi mà những hoạt động diễn ra bên ngoài sân cỏ cũng quan trọng không kém gì những hoạt động diễn ra trên sân bóng trong việc đánh giá thành tích của các CLB. Đối với các nhà quảng cáo, đài truyền hình, nhà tài trợ và cổ đông, bóng đá là một mỏ vàng vô tận có thể khai thác.

Đối với những cá nhân, tổ chức liên quan đến môn thể thao này, đặc biệt là những cầu thủ, CLB, các giải đấu và cơ quan chủ quản, việc bảo vệ thương hiệu chưa bao giờ quan trọng đến thế. Thành công thương mại của những bên liên quan sẽ phụ thuộc vào việc bảo vệ hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của CLB nhằm nâng tầm nhận diện thương hiệu mà họ sở hữu cả trong lẫn ngoài sân cỏ.

Đăng ký nhãn hiệu liên quan đến bóng đá

Manchester United là CLB bóng đá Anh đầu tiên đăng ký nhãn hiệu vào năm 1970. Trong khi thường xuyên phải đối mặt với những chỉ trích vì màn thể hiện trên sân, thành công thương mại liên tiếp của họ là minh chứng cho tầm quan trọng của thương hiệu và việc bảo vệ thương hiệu với việc các nhà quảng cáo và đài truyền hình phải chi trả quyền sử dụng nhãn hiệu và tài sản SHTT của họ.

Tương tự như vậy, khi một CLB hoặc cầu thủ bóng đá định thương mại hóa các sản phẩm hoặc dịch vụ mang tên họ, sự bảo vệ pháp lý cho quyền sử dụng tên hoặc thương hiệu của họ là sự khác biệt giữa quyền của nhà cung cấp chính thức và nhà cung cấp không chính thức. Vì vậy, sự thành công của bất kỳ nhãn hiệu nào phụ thuộc vào việc các bên kiểm soát hoạt động sử dụng nhãn hiệu đó.

Do đó, đăng ký nhãn hiệu là một cách để khẳng định quyền sở hữu đối với các nhãn hiệu liên quan đến các sản phẩm và dịch vụ nhất định. Nắm chắc quyền sở hữu và kiểm soát đối với các nhãn hiệu mang lại cho các đối tác tiềm năng của chủ sở hữu nhãn hiệu sự an toàn và thoải mái nếu họ muốn thực thi và sử dụng những tài sản SHTT mà họ được cấp phép.

Rủi ro của việc không đăng ký nhãn hiệu

Có rất nhiều hậu quả liên quan đến việc không đăng ký nhãn hiệu hay không bảo vệ quyền SHTT. Thường thì những sai lầm này sẽ gây ra những hậu quả không thể khắc phục khi đã quá muộn để phòng tránh các rủi ro.

Đội bóng thành công nhất ở Romania – Steaua Bucharest, đã phải vật lộn để duy trì tên gọi của họ. Đội bóng đã tạm thời mất quyền sử dụng màu áo cũng như biểu tượng khi thi đấu bởi một vụ tranh chấp liên quan đến bộ quốc phòng Quốc gia. Vụ tranh chấp khiến họ phải chơi một trận với tên xuất hiện trên bảng điểm là “đội chủ nhà”.

Cụ thể, sau cách mạng Romania năm 1989, CLB trên tách khỏi quân đội và trở thành một tổ chức tư nhân. Sau khi đổi quyền sở hữu cho chủ sở hữu tư nhân vào năm 2004, quân đội đã đệ đơn kiện và yêu cầu cấm CLB sử dụng cái tên “steaua” và thương hiệu truyền thống từng được sử dụng dưới sự cho phép của quân đội.

Rủi ro của việc không đăng ký tên miền

Dù có thành công vang dội trên sân cỏ, CLB bóng đá Barcelona đã phải nhận thất bại trong vụ tranh chấp tên miền liên quan đến một cổ động viên của CLB Bayern Munich.

Người hâm mộ này đã đăng ký tên miền “FCB.email.” CLB Barcelona, ​​khi tranh tụng, đã không thể chứng minh các tuyên bố của họ về quyền sở hữu tên miền và do đó, phán quyết được được đưa ra có lợi cho người hâm mộ của Bayern Munich. CLB Barcelona đã thất bại trong việc chứng minh trường hợp “rõ ràng và thuyết phục” về hành vi chiếm đoạt tên miền. Bên cạnh đó, CLB này không sở hữu bất kỳ nhãn hiệu biểu trưng hợp lệ nào cho cụm từ “FCB”.

Các nhãn hiệu của cầu thủ bóng đá

Các báo cáo và bài viết về bóng đá thường đề cập đến phong cách chơi bóng mang tính thương hiệu của các cầu thủ. Trên thực tế, nhãn hiệu không thể bảo vệ các kỹ năng của cầu thủ trên sân bóng. Tuy nhiên, chúng có thể bảo vệ một số đặc điểm riêng biệt, nếu chúng có thể thể hiện những đặc điểm của nhãn hiệu thực tế.

Một trong những đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng nhất liên quan đến bóng đá là động tác ăn trái tim đặc trưng của cầu thủ Gareth Bale sau khi ghi bàn. Bale đã đi theo bước chân của nhiều cầu thủ bóng đá thành công, những cầu thủ đã xây dựng thương hiệu thành công để bảo vệ tên tuổi, hình ảnh, động tác ăn mừng và những yếu tố liên quan như những yếu tố trong danh mục đầu tư thương mại của họ. Thương hiệu của cầu thủ Beckham là một ví dụ Cầu thủ này đã đăng ký các nhãn hiệu như  DB07, BECKHAM và SMOKEY BECKHAM.

Như đã được đề cập ở trên, việc bảo vệ nhãn hiệu và các quyền SHTT khác liên quan đến bóng đá là điều cần thiết đối với tất cả những bên liên quan. Không chỉ những cầu thủ đang đăng ký nhãn hiệu, các CLB cũng đã thêm nhãn hiệu vào danh mục đầu tư của mình. Manchester United là CLB dẫn đầu về số lượng nhãn hiệu đã đăng ký với ít nhất 400 nhãn hiệu. Các CLB như Arsenal, Tottenham Hotspur và Chelsea cũng có một số lượng lớn nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của họ.

Ngày nay, các nhãn hiệu xuất hiện ở khắp mọi nơi trên sân cỏ: trang phục thi đấu của các cầu thủ, màn ăn mừng bàn thắng đặc biệt hay thậm chí là tên của họ. Kỳ World Cup sắp tới cũng sẽ mang đến những cơ hội to lớn khi các cầu thủ có thể tận dụng sức hấp dẫn thương mại mà thương hiệu của họ có thể tạo ra.