Máy tính không chỉ thiết bị quan trọng đối với cuộc sống cá nhân và công việc của mỗi người, chúng còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra, phát triển và bảo vệ tài sản SHTT. Bài viết này sẽ đưa ra những thông tin khải quát nhất về lịch sử của những chiếc máy tính đồng thời chỉ ra mối liên hệ giữa chúng và sở hữu trí tuệ.

Sự ra đời của những chiếc máy tính đầu tiên

Hy Lạp có thể được coi là nơi cỗ máy đầu tiên là tiền thân của máy tính ra đời, với tên gọi là cỗ máy Antikythera. Sáng chế này được vận hành bằng tay và có niên đại từ năm 200 trước Công nguyên. Sáng chế là một hộp gỗ nhỏ (có kích thước khoảng 34x18x9 cm) chứa tới 30 bánh răng và được sử dụng trong lĩnh vực thiên văn theo nhiều chuyên gia.

Nhiều nền văn minh cổ đại khác cũng đã tạo ra những cỗ máy riêng, chẳng hạn như bàn tính của nền văn minh Sumer, Babylon, Ba Tư, La Mã và Trung Quốc. Sau này, các bàn tính đó đã được cải tiến và được cấu thành bởi các thanh kim loại mỏng được đặt thành các hàng song song trong một khung gỗ đơn giản, với các hạt nhỏ hoặc các vật tương tự được sử dụng làm bộ đếm, chúng có thể được di chuyển qua lại để thực hiện các phép tính đơn giản như cộng, trừ, nhân và chia, cũng như các phương trình căn bậc hai cơ bản.

Năm 1613 thuật ngữ máy tính lần đầu tiên được xuất hiện để mô tả người có các kỹ năng toán học để thực hiện các phép tính phức tạp. Khoảng 188 năm sau, vào năm 1801, Joseph Marie Jacquard đã sáng chế ra một loại khung dệt mới, định hình trước các yếu tố của máy tính ra đời sau đó hơn một thế kỷ. Nhưng cỗ máy đặc biệt của nhà toán học người Anh Charles Babbage mới là bước đột phá đáng chú ý đầu tiên.

Năm 1822, nhà tiên phong trong lĩnh vực máy tính trên đã tạo nên chiếc máy tính vận hành hoàn toàn bằng hơi nước có thể hoàn thành các phương trình phức tạp. Cho dù chưa bao giờ hoàn thành mô hình máy tính có thể hoạt động hiệu quả, ông đã cải tiến được sáng chế của mình vào năm 1834. Mặc dù chưa thực sự được hoàn thiện trước khi Babbage qua đời, nhưng cỗ máy này đã có thể thực hiện các phép tính quan trọng để làm nền tảng cho máy tính hiện đại.

Mặc dù chưa được hiện thực hóa, nhưng tầm nhìn của Babbage đã trở thành tiền đề cho việc tạo ra máy tính trong những năm 1940. Thật không may, phần lớn công sức của nhà tiên phong người Anh đã bị thời gian xóa nhòa.

Alan Turing: Nhà khoa học thiên tài có cuộc đời đầy bi kịch.

Thời kỳ tiếp theo đã mang đến rất nhiều đột phá, đặc biệt trong số đó là khái niệm của Alan Turing về một “cỗ máy tính toán vạn năng”. Trong một bài nghiên cứu năm 1936, Turing cho rằng một máy tính được lập trình thông qua các lệnh được lưu trữ trong máy có thể tính toán hầu như bất kỳ phương trình toán học hoặc khoa học nào. Nghiên cứu của ông đã tạo tiền đề cho máy tính cá nhân và các đặt ra các lý thuyết đầu tiên trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Đáng buồn thay, Turing đã không thể phát huy hết khả năng thiên tài của mình do định kiến ​​của xã hội đối với xu hướng tính dục của ông. Vào năm 1952, ông bị bắt giữ, kết án và bỏ tù, điều này đã khiến ông tự sát hai năm sau đó.

(Còn tiếp)