Đăng ký sáng chế là điều cần phải làm nếu như chủ sở hữu sáng chế đang có cho mình một sáng tạo có tiềm năng phát triển cao và mong muốn tiếp tục phát triển nó, tạo ra nguồn thu lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, đăng ký sáng chế tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung không phải là một vấn đề đơn giản và cần rất nhiều thời gian, công sức cũng như kinh nghiệm để thành công. Vậy, các lưu ý về đăng ký sáng chế tại Việt Nam là gì?

Sáng chế tại Việt Nam

Theo định nghĩa, sáng chế tại Việt Nam sẽ bao gồm:

  • Bằng sáng chế.
  • Giải pháp hữu ích.

Về bằng sáng chế, doanh nghiệp cần lưu ý rằng để được cấp bằng sáng chế, sáng tạo phải đáp ứng tiêu chuẩn về tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Sau khi đăng ký thành công, bằng sáng chế sẽ có thời hạn bảo hộ là 20 năm kể từ ngày nộp đơn.

Về giải pháp hữu ích, sáng tạo phải đáp ứng tiêu chuẩn về tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp thì mới có khả năng đăng ký thành công. Thời gian bảo hộ của giải pháp hữu ích ở Việt Nam là 10 năm kể từ ngày nộp đơn.

Cần lưu ý rằng đối với cả bằng sáng chế và giải pháp hữu ích, để có thể duy trì hiệu lực bảo hộ, chủ sở hữu cần phải nộp phí duy trì hàng năm, khác với nhãn hiệu là gia hạn 10 năm một lần.

Tiêu chí của sáng chế tại Việt Nam

Như đã nhắc đến ở trên, để được cấp bằng sáng chế, sáng tạo phải đáp ứng được tiêu chuẩn về tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.

Cụ thể:

  • Tính mới: Tính mới theo tiêu chuẩn của Luật SHTT Việt Nam phải là mới trên phạm vi toàn thế giới. Theo đó, trước thời điểm nộp đơn đăng ký sáng chế, chủ thể được đăng ký bảo hộ trong đơn phải chưa từng được biết đến hay nói cách khác là chưa được công khai trên phạm vi toàn thế giới;
  • Tính sáng tạo: Để đạt được yêu cầu về tính sáng tạo, chủ thể trong đơn đăng ký sáng chế phải không thể đơn giản đến mức người có trình độ trung bình trong cùng lĩnh vực cũng có thể tạo ra được. 
  • Khả năng ứng dụng công nghiệp: Khả năng áp dụng công nghiệp nghĩa là sáng tạo phải có khả năng được sản xuất hàng loạt chứ không chỉ là một sáng chế độc nhất.

Việc đánh giá tính mới, tính sáng tạo của chủ thể đơn đăng ký sáng chế sẽ được các chuyên viên xem xét tiến hành nghiên cứu trên phạm vi dữ liệu của toàn thế giới, thay vì chỉ tập trung vào dữ liệu của Việt Nam.

Đối tượng được bảo hộ dưới dạng sáng chế tại Việt Nam

Giải pháp kỹ thuật có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế tại Việt Nam. Giải pháp kỹ thuật có thể được chia làm 2 loại: Sản phẩm và quy trình, phương pháp.

Về sản phẩm, sản phẩm được bảo hộ dưới dạng sáng chế tại Việt Nam có thể được chia làm 2 loại:

  1. Sản phẩm dưới dạng vật thể được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về kết cấu. Sản phẩm có chức năng như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người. Ví dụ của sản phẩm dưới dạng vật thể là dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện,…
  2. Sản phẩm dưới dạng chất bao gồm đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu kỹ thuật về sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học được thể hiện bằng tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo. Ví dụ của sản phẩm dưới dạng chất có thể là vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm, gen, thực vật/động vật biến đổi gen,…

Về quy trình hay phương pháp, các quy trình sản xuất, phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý,… được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu về trình tự, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được mục đích nhất định.

Thủ tục đăng ký sáng chế tại Việt Nam

Để đăng ký sáng chế tại Việt Nam, người nộp đơn cần nộp đơn đăng ký sáng chế của mình cho Cục Sở hữu trí tuệ (NOIP).

Việc nộp đơn có thể được người nộp đơn tự mình thực hiện hoặc ủy quyền thông qua một công ty luật uy tín về sở hữu trí tuệ để có thể tiết kiệm thời gian, công sức và có tỉ lệ thành công lớn hơn đáng kể (Cần lưu ý rằng đây là cách thức bắt buộc đối với bên nộp đơn đăng ký sáng chế không có quốc tịch Việt Nam).

Sau khi nhận được đơn, các chuyên viên tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ tiến hành thẩm định về hình thức của đơn để kiểm tra xem có sai sót nào về mặt hình thức hay không.

Quy trình này thường diễn ra khoảng 1-2 tháng kể từ ngày nộp. Nếu có sai sót, Cục sẽ thông báo cho người nộp đơn hoặc đại diện được ủy quyền để người nộp đơn có thể tiến hành các thủ tục sửa đổi cần thiết.

Cần lưu ý rằng việc nhận và đưa ra các phản hồi lên Cục trong đúng thời gian quy định là rất quan trọng. Theo đó, nếu người nộp đơn bận rộn với công việc chuyên môn và không thể đưa ra các phản hồi đúng thời hạn, họ có thể đối diện với nguy cơ đăng ký thất bại.

Nếu việc thẩm định hình thức không phát hiện sai sót nào, đơn đăng ký sẽ được đăng lên Công báo của Cục Sở hữu trí tuệ trong vòng 19 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên hoặc ngày chấp nhận hợp lệ.

Nếu người nộp đơn có nhu cầu, họ có thể yêu cầu công bố sớm đơn đăng ký sáng chế.

Kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố cho đến trước ngày quyết định cấp văn bằng bảo hộ được đưa ra, bất kì bên thứ ba nào cảm thấy quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm đều có thể nộp đơn phản đối đơn đăng ký sáng chế.

Đơn phản đối được thể hiện dưới dạng ý kiến và phải được lập thành văn bản có các chứng cứ, tài liệu, trích dẫn đáng tin cậy để Cục Sở hữu trí tuệ xem xét.

Trong thời gian sau khi công bố, Cục SHTT sẽ tiến hành thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế trong vòng 12-16 tháng kể từ ngày nộp đơn. Nếu kết quả sáng chế đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, bằng sáng chế sẽ được cấp trong vòng 1-2 tháng cho người nộp đơn. Nếu không, người nộp đơn đăng ký sáng chế sẽ có 3 tháng để phúc đáp lại việc từ chối này, cung cấp các chứng cứ xác đáng để Cục SHTT xem xét lại quyết định.

Nếu không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không đủ độ tin cậy để ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng và quá trình thẩm định nội dung diễn ra thuận lợi, Cục SHTT sẽ ra quyết định cấp bằng sáng chế cho người nộp đơn.

Cách thức đăng ký sáng chế quốc tế

Ngoài phương pháp đăng ký sáng chế truyền thống như trên, người nộp đơn cũng có thể xem xét các phương thức đăng ký sáng chế quốc tế khác để có thể đạt được sự bảo hộ đối với sáng chế tại Việt Nam, bao gồm:

  • Đăng ký sáng chế dựa trên Công ước Paris: Do Việt Nam đã là một bên kí kết của Công ước Paris nên nếu người nộp đơn đã đạt được sự bảo hộ đối với sáng chế tại các quốc gia khác là thành viên của Công ước Paris thì họ có thể nộp đơn yêu cầu hưởng quyền ưu tiên tại Việt Nam. Thời hạn để nộp đơn đăng ký sáng chế theo Công ước Paris là 12 tháng kể từ ngày nộp đơn tại các quốc gia thành viên Công ước.
  • Đăng ký sáng chế theo PCT: Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (Patent Coopertation Treaty) hiện tại là con đường tối ưu để có thể đạt được sự bảo hộ đối với sáng chế của mình ở nhiều quốc gia mục tiêu trong thời gian ngắn nhất có thể. Thời gian chờ đợi để vào pha quốc gia từng nước sẽ là từ 30-34 tháng, tuỳ quốc gia áp dụng. Riêng đối với Việt Nam thì thời gian giải quyết đơn PCT sẽ không chênh lệch nhiều so với thời gian xử lí đơn đăng ký theo cách truyền thống.