Vào tháng 4 năm 2023, một bài hát có tựa đề “Heart on My Sleeve” do một nhà sản xuất bí ẩn có tên gọi là Ghostwriter đăng tải trên TikTok và sau đó đã nhanh chóng trở thành bài hát phổ biến nhất trên YouTube và Spotify. Tuy nhiên, không lâu sau đó, bài hát này đã bị xóa khỏi các nền tảng trên sau khi đại diện của Drake và The Weeknd đe dọa sẽ tiến hành các hành động pháp lý, với lý do Ghostwriter đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để bắt chước giọng hát của 2 nghệ sĩ này.
Mặc dù Drake có thể đã biết về vụ việc này nhưng dường như nam rapper này không bận tâm cho lắm. Trên thực tế, chỉ hơn một năm sau, Drake đã kết hợp giọng hát do AI tạo ra vào sản phẩm âm nhạc của mình trong “cuộc chiến” với rapper Kendrick Lamar.
Khoảnh khắc ngắn ngủi của AI 2pac
Vào ngày 19 tháng 4 năm 2024, Drake phát hành bài hát có tựa đề “Taylor Made Freestyle” với giọng hát do AI tạo ra giống với Tupac Shakur và Snoop Dogg. Đây là bài diss hướng đến Lamar, có sự “góp giọng” của 2pac, trong khi nam rapper huyền thoại này đã qua đời từ năm 1996.
Người nắm giữ tài sản của 2pac sau đó đã đe dọa hành động pháp lý chống lại Drake, cáo buộc Drake sử dụng trái phép giọng và hình ảnh của Tupac, điều mà họ cho rằng đã vi phạm quyền kiểm soát việc sử dụng danh tính của nghệ sĩ đã qua đời. Drake sau đó đã xóa bài hát khỏi các nền tảng âm nhạc trực tuyến và YouTube.
Luật bản quyền và âm nhạc do AI tạo ra
Luật bản quyền theo truyền thống công nhận “tác giả” là người sáng tạo ra tác phẩm. Điều này có nghĩa là các tác phẩm có bản quyền như văn học nghệ thuật, ảnh và âm nhạc—không thể được người khác sử dụng nếu không có sự cho phép của người sáng tạo. Vấn đề pháp lý cốt lõi giữa AI và bản quyền là mức độ mà tài liệu có bản quyền có thể được sử dụng để đào tạo các mô hình AI. Giống như vụ việc tờ The New York Times đã kiện OpenAI và Microsoft vì sử dụng các trái phép các bài viết của họ để đào tạo các mô hình AI.
Luật bản quyền dựa trên ý tưởng bảo vệ sự sáng tạo của con người và đảm bảo rằng người sáng tạo có thể kiểm soát và thu lợi nhuận từ tác phẩm của họ. Việc sử dụng giọng hát do AI tạo ra thách thức quan niệm này vì AI không sở hữu khả năng sáng tạo và tự đưa ra quyết định như các nghệ sĩ. Do đó, các tác phẩm do AI tạo ra sẽ tồn tại trong vùng xám pháp lý, nơi các biện pháp bảo vệ bản quyền truyền thống có thể không được áp dụng.
Đào tạo mô hình AI: Câu hỏi hóc búa về bản quyền
Một trong những vấn đề trọng tâm liên quan đến sự giao thoa giữa AI và luật bản quyền là việc đào tạo các mô hình AI sử dụng tài liệu có bản quyền. Ví dụ: nếu một mô hình AI được đào tạo trên tập dữ liệu bao gồm các bài hát có bản quyền, nó sẽ đặt ra câu hỏi về việc liệu việc sử dụng tài liệu đó có phải là hành vi trái phép hay không. Cuộc chiến pháp lý giữa The New York Times và OpenAI đã làm nổi bật sự phức tạp của vấn đề này, và dấy lên câu hỏi liệu việc sử dụng tài liệu có bản quyền để đào tạo mô hình AI có cấu thành hành vi vi phạm bản quyền hay không.
Nội dung do AI tạo ra và vấn đề vi phạm bản quyền
Khi nội dung do AI tạo ra bắt chước phong cách hoặc giọng hát của một nghệ sĩ cụ thể, điều đó càng làm phức tạp thêm vấn đề vi phạm bản quyền. Với bài hát “Heart on My Sleeve” của Ghostwriter, AI đã bắt chước giọng hát của Drake và The Weeknd, điều này có khả năng vi phạm quyền độc quyền trong việc kiểm soát sử dụng giọng nói của họ. Tương tự, việc Drake sử dụng giọng hát do AI tạo ra giống với Tupac Shakur trong “Taylor Made Freestyle” đặt ra câu hỏi về quyền của các nghệ sĩ quá cố và giọng hát của họ có thể được bảo vệ theo luật bản quyền hay không.
Khi công nghệ AI tiến bộ, việc bảo vệ vai trò sáng tạo của con người trong hoạt động nghệ thuật lại càng trở nên quan trọng hơn. Mặc dù AI sở hữu những khả năng ấn tượng, nhưng nó lại thiếu đi linh hồn và tính ngẫu hứng mà các nghệ sĩ có thể mang đến cho tác phẩm của họ. Vai trò của AI trong hoạt động sáng tác là hỗ trợ các nghệ sĩ chứ không phải làm lu mờ những đóng góp của họ.