Đổi mới sáng tạo đang là xu hướng phát triển trước sự bùng nổ của thời đại công nghệ 4.0. Nó đang có những ảnh hưởng sâu rộng đến giáo dục và đời sống từ về những mặt thích cực như thúc đẩy và mở rộng cơ hội tương lai cho học sinh cũng như những giới hạn về mặt đào tạo và kiến thức. Do đó, việc chú trọng đầu tư đào tạo nghề là rất cần thiết, đòi hỏi mỗi cơ sở đào tạo phải không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo.
Xu thế đổi mới đã và đang có những tác động sâu rộng đến giáo dục và đào tạo giáo viên. Từ việc nắm vai trò là người dạy, giáo viên trở thành người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập, tức là cố vấn giúp học sinh điều chỉnh chất lượng và giá trị nguồn thông tin, kiến thức mới, là người cung cấp cách hiểu theo kiểu dàn giáo bắc cầu.
Tác động của của xu thế đổi mới sáng tạo đến giáo dục hiện nay
Với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, giáo viên cần đáp ứng các chuẩn chương trình đào tạo để tăng cường sức sáng tạo, tính tò mò ham hiểu biết và động cơ học tập của người học; cần đảm bảo môi trường an toàn trên lớp học.
Sự biến đổi của thời đại công nghệ buộc giáo viên phải đối diện với nhiệm vụ mới một cách linh hoạt hơn trong việc thiết kế và tạo ra nhiều tài liệu giảng dạy khác nhau nhằm đem lại lợi ích tối đa cho hoạt động dạy và học. Đặc biệt khi công nghệ bùng nổ, việc kết hợp công nghệ vào việc giáo dục là cần thiết như các tài liệu online, thiết kế powerpoint thuyết trình, làm kiểm tra trên máy tính,.. là điều mà các giáo viên cần lưu tâm.
Trong quá trình tương tác với các học liệu qua các giao thức công nghệ, người học để lại những “dấu chân kỹ thuật số” về năng lực, hành vi và xu hướng học tập của mình. Quá trình phân tích các dấu vết đó giúp cả người học, người dạy hiểu hơn về trải nghiệm học tập của từng cá nhân, từ đó có những điều chỉnh chủ động về hành vi, phương thức và mục tiêu học tập, bên cạnh những điều chỉnh do máy tính gợi ý và âm thầm thực hiện.
Trong “Xu hướng ứng dụng công nghệ trong giáo dục: cải tổ toàn diện vì một thế hệ người học mới” so với thế hệ milenials (thế hệ Y, sinh từ 1981 đến 1996), thế hệ centennial (thế hệ Z, sinh từ 1996 đến 2011) có những bùng phát mạnh mẽ hơn về nhu cầu thể hiện bản thân. Nếu như trong thập niên trước, giáo viên là trung tập thì hiện nay sau quá trình cải tổ, chủ trương cá thể hoá giáo dục khuyến khích người học tự điều hướng quá trình học tập của mình.
Với sự chắp cánh của công nghệ, các trải nghiệm học tập có thể diễn ra một cách đồng bộ hoặc không đồng bộ. Các hoạt động học tập đồng bộ tập trung đến việc trao đổi ý tưởng và thông tin giữa nhiều người trong cùng một khoảng thời gian, yêu cầu sự lắng nghe và học hỏi từ những người khác. Mặt khác, các hoạt động học tập không đồng bộ, người học tiến hành theo tốc độ riêng của bản thân mình để nghe lại một bài giảng, hay để suy nghĩ nhiều hơn về một câu hỏi mà không làm ảnh hưởng đến những người khác.
Công nghệ 4.0 đã làm xuất hiện các trang web, phần mềm học trực tuyến. Việc học trực tuyến ngày càng phổ biến, được mọi người đón nhận và sử dụng ngày càng đông đảo khi nó mang đến nhiều tiện ích hơn cho người học. Các bài giảng vẫn đảm bảo lượng kiến thức theo giáo trình, thay vì chỉ được truyền đạt bằng lời nói như trước đây, học trực tuyến còn kết hợp với các hình ảnh, video cụ thể một cách sinh động. Điều này, giúp người học có thể dễ dàng hiểu và ghi nhớ hơn. Học trực tuyến còn giúp người học tiết kiệm được chi phí và thời gian, khi bạn có thể học mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có thiết bị được kết nối internet.
Thực trạng nhận thức của học sinh về định hướng nghề nghiệp trong đổi mới sáng tạo
Theo một thống kê, số học sinh được điều tra có nhận thức về định hướng nghề nghiệp trong xu thế đổi mới sáng tạo và công nghệ 4.0 chỉ ở mức độ trung bình làm ảnh hưởng đến sự lựa chọn đến trường đại học/nghề nghiệp sau này của học sinh. Ví dụ, như ở nhiều vùng trung du và miền núi, học sinh còn chưa có thông tin về đổi mới và sáng tạo trong việc giáo dục. Trong khi đó, các học sinh ở thành phố có những định hướng và nhận thức tốt hơn do có điều kiện học tập và giáo dục phát triển. Ngoài ra, cũng có những học sinh nhân thức sai, và yếu kém về đổi mới sáng tạo, đang là một thách thức to lớn cho hệ thông giáo dục.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do mỗi học sinh chưa tự giác tìm hiểu về định hướng giáo dục trong xu thế đổi mới sáng tạo và công nghệ 4.0. Cùng với đó là nhà trường chưa làm tốt công tác định hướng và thiếu sự quan tâm, giáo dục từ phía gia đình. Các bậc phụ huynh chưa chủ động phối hợp với giáo viên, nhà trường và dành thời gian trao đổi, thông tin, giáo dục, chia sẻ với con cái. Do việc để các con tự tìm hiểu, tự tìm kiếm thông tin từ nhiều kênh khác nhau sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Ngoài ra, sự chênh lệch về kinh tế và vùng miền cũng khiến cho việc tiếp cận công nghệ trở nên khó khăn đối với trẻ em ở vùng dân tộc và vùng quê nghèo.
Giải pháp thúc đẩy định hướng nghề nghệp theo xu hướng đổi mới sáng tạo và công nghệ 4.0
- Theo đề xuất, việc nâng cao nhận thức về xu thế đổi mới sáng tạo và công nghệ 4.0 là vô cùng quan trọng, giúp học sinh có đủ hiểu biết sâu rộng, chính xác, toàn diện về xu thế xã hội cũng như những yêu cầu và đòi hỏi của xã hội đối với người lao động trong tương lai. Từ đó học sinh sẽ chủ động trong việc chuẩn bị và luôn sẵn sàng khi định hướng nghề nghiệp
- Tìm hiểu, dự báo về nhu cầu nhân lực trong tương lai: giải pháp này đòi hỏi từng học sinh chủ động và tích cực tìm hiểu, đặc biệt là đối với những ngành nghề các em yêu thích và quan tâm; tránh việc lựa chọn và định hướng nghề nghiệp đối với những nghề xã hội không có nhu cầu sử dụng hoặc sẽ mất đi trong tương lai.
- Đánh giá chính xác về bản thân (ước mơ, khát vọng, kỹ năng…) và khả năng đáp ứng trước nhu cầu của xã hội: với giải pháp này, từng học sinh THPT phải tự đánh giá một cách chính xác, đầy đủ và toàn diện về bản thân mình; tức là hiểu về mình một cách chính xác và khách quan nhất; soi chiếu bản thân mình đối với các yêu cầu của những ngành nghề mà mình yêu thích trong tương lai; nhận thấy những điều mình còn thiếu hụt và dự báo được khả năng của bản thân mình trong việc đáp ứng những ngành nghề mà mình yêu thích trong tương lai.
- Quyết định lựa chọn ĐHNN đúng đắn: từng học sinh THPT phải tự nhận thức việc đưa ra quyết định về định ĐHNN là trách nhiệm của bản thân chứ không thể là việc của cha mẹ, gia đình hay xã hội; học sinh phải tự chịu trách nhiệm về quyết định đó và quyết định đó ảnh hưởng rất lớn đến các bước tiếp theo trong cuộc đời của mỗi học sinh.
Quá đó thấy rằng, để đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh khoa học, công nghệ không ngừng phát triển, giáo dục nghề nghiệp bắt buộc phải đổi mới tư duy, sáng tạo phương pháp dạy và học.