Việc nhiều bên sử dụng những hình ảnh chưa được cấp phép cho các bài viết trên blog cá nhân và không nhằm mục đích thương mại có thể chấp nhận được. Nhưng nếu họ sử dụng những hình ảnh tương tự cho bao bì sản phẩm, trang web của tổ chức hay thậm chí trong quá trình marketing lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Việc sử dụng hình ảnh có bản quyền mà không có giấy phép phù hợp là một trong những hành vi vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) xảy ra nhiều nhất và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bài viết này sẽ mang đến những thông tin liên quan đến các tiêu chuẩn về bản quyền và một số bước đơn giản để tìm nguồn và cấp phép sử dụng hình ảnh, qua đó, giúp mọi người có thể tránh vi phạm bản quyền hình ảnh.
Bản quyền là các quyền độc quyền. Ngay cả việc phân phối bị hạn chế, phi thương mại đối với các đối tượng được bảo hộ bản quyền đều có khả năng vi phạm các quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền SHTT. Mặc dù các điều luật về bản quyền của các quốc gia trên thế giới có nhiều điểm khác biệt, nhưng chúng phần lớn đều được dựa trên các hiệp ước như Công ước Berne về Bảo hộ Tác phẩm Văn học và Nghệ thuật (1886) khi được sửa đổi. Vì các tác phẩm nghệ thuật, nhiếp ảnh, tranh vẽ, hội họa và các tác phẩm tương tự đều được tự động bảo hộ bản quyền tại thời điểm chúng được “định hình” hoặc khi chúng được tạo ra.
Giống như các quyền sở hữu trí tuệ khác, bản quyền trao cho chủ sở hữu tác phẩm quyền được cấp phép cho bên khác quyền sử dụng tác phẩm của họ và thu lợi nhuận từ việc đó. Nhiều nhiếp ảnh gia thường tự thương lượng việc cấp phép sử dụng hình ảnh hoặc thông qua các cơ quan. Những nhiếp ảnh gia khác cũng cấp phép việc sử dụng hình ảnh cho các bên cung cấp hình ảnh miễn phí như Getty Images, Shutterstock hoặc AdobeStock. Các tổ chức này sau đó cấp giấy phép phụ cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp – những bên trả phí một lần để sử dụng hình ảnh.
Một số yếu tố cần cân nhắc trước khi xin giấy phép sử dụng hình ảnh
Bên mua ảnh có nhu cầu sử dụng hình ảnh với mục đích marketing hoặc thêm hình ảnh trực quan cho trang web doanh nghiệp không? Trong cả hai trường hợp, họ cần phải có giấy phép được trao quyền sử dụng hình ảnh cho mục đích thương mại một cách rõ ràng.
Giấy phép thương mại có thể là giấy phép miễn phí bản quyền hoặc quản lý theo quyền. Giấy phép miễn phí bản quyền gần như không bị giới hạn về thời hạn, mục đích sử dụng trên thị trường và tần suất sử dụng lại và thường yêu cầu một khoản thanh toán trả trước. Với giấy phép thương mại được quản lý theo quyền, bên cấp phép có thể tính phí hoặc “tiền bản quyền” cho mỗi mục đích sử dụng. Bên cấp phép có thể kiểm soát cách thức và thời điểm sử dụng hình ảnh có bản quyền nên họ có thể hạn chế việc hình ảnh được sử dụng trong các lĩnh vực hoặc sản phẩm cụ thể.
Nếu chỉ sử dụng hình ảnh một lần (trong các bài viết trên blog, trang web, bài đăng trên mạng xã hội, v.v.), bên sử dụng chỉ cần giấy phép sử dụng một lần, nhưng bên họ sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản. Nếu bên sử dụng hình ảnh có nhu cầu bán lại hoặc phân phối lại hình ảnh, họ phải xin giấy phép cho phép việc sử dụng hình ảnh như vậy.
Các phóng viên ảnh và các nhiếp ảnh gia cá nhân khác thường yêu cầu (và tính phí) giấy phép sử dụng một lần hoặc hạn chế sử dụng, trong khi giấy phép bán lại hoặc tái sử dụng thường xuyên thường được các bên thứ ba cung cấp hình ảnh yêu cầu.
Một số giấy phép sử dụng hình ảnh được quản lý theo quyền là giấy phép sử dụng độc quyền, nghĩa là chỉ một bên được cấp phép cụ thể mới có thể sử dụng chúng – trong một vùng lãnh thổ cụ thể. Trong hầu hết các trường hợp, việc sử dụng những hình ảnh này sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với việc xin giấy phép sử dụng hình ảnh không độc quyền. Điều này có thể rất quan trọng trong các lĩnh vực có tính cạnh tranh cao hoặc khi quyền độc quyền sử dụng hình ảnh rất quan trọng như trong lĩnh vực báo chí.
Nếu bên sử dụng hình ảnh mua giấy phép sử dụng độc quyền cho một bức ảnh, họ có quyền độc quyền sử dụng hình ảnh đó và ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh sử dụng hình ảnh. Trên lý thuyết, bất kỳ bên cấp phép nào độc quyền cấp phép một hình ảnh cho bên sử dụng và sau đó lại cấp phép hình ảnh đó với một bên khác sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Creative Commons và bản quyền hình ảnh
Creative Commons (CC) là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động như một cơ quan trung gian giữa bên mua và bên bán bản quyền hình ảnh để cấp phép miễn phí cho các tác phẩm nghệ thuật được thành lập vào năm 2001. Với công cụ tìm kiếm Openverse, người dùng có thể tìm kiếm hàng triệu bức ảnh, hình ảnh, âm thanh và tác phẩm viết miễn phí. CC có thể là giải pháp đơn giản nhất để đáp ứng nhu cầu cấp phép hình ảnh, mặc dù vẫn có những hạn chế nhất định.
Có sáu giấy phép CC về thỏa thuận quyền sử dụng khác nhau và phạm vi công cộng (Public domain), được gọi là CC Zero (CC0). Ảnh và tác phẩm nghệ thuật khác được đưa vào phạm vi công cộng thông qua CC0 có thể được sử dụng tự do mà không cần ghi danh tác giả của tác phẩm. Mặt khác, các nội dung có sẵn trong phạm vi công cộng thường không phù hợp với nhu cầu của người dùng vì chỉ có số lượng hạn chế.
Các giấy phép CC thực tế cung cấp cho người dùng những phạm vi sử dụng khác nhau. Giấy phép CC BY chỉ yêu cầu ghi danh cho tác giả của tác phẩm bất cứ khi nào tác phẩm đã được cấp phép được hiển thị hoặc được sao chép công khai. Ngược lại, giấy phép CC BY-NC-ND cho phép sao chép và phân phối lại tác phẩm và phải có ghi danh tác giả, nhưng tác phẩm không được sử dụng cho mục đích thương mại, không được thay đổi hoặc chỉnh sửa. Ba trong số sáu giấy phép CC cho phép sử dụng thương mại — CC BY, CC BY-SA và CC BY-ND — vì vậy hãy đảm bảo việc lựa chọn các giấy phép sử dụng một cách thích hợp.
Các thư viện hình ảnh miễn phí bản quyền có một số lượng đáng kể các đối thủ cạnh tranh cung cấp hình ảnh miễn phí sử dụng như Unsplash, Pexels, Gratisography và Canva… Ngay cả những nhà cung cấp lớn trên thị trường cũng cung cấp hình ảnh miễn phí cho mục đích sử dụng phi thương mại, ví dụ như Getty Images có một bộ sưu tập 66 triệu bức ảnh cho chính mục đích này.
Một số trang web cung cấp các thỏa thuận cấp phép sử dụng hình ảnh của riêng họ với các hạn chế duy nhất: Ví dụ: Unsplash cấp phép quyền sử dụng hầu như mọi hình ảnh của họ miễn là chúng không được sử dụng với mục đích tạo đối thủ cạnh tranh trực tiếp hoặc bán lại mà không có sự chuyển đổi đáng kể. Các trang web này cũng có thể có các bậc thành viên với yêu cầu trả phí tùy chọn mang lại khả năng sử dụng linh hoạt hơn — hoặc, trong trường hợp của Canva, cho phép người dùng tự tạo hình ảnh tùy chỉnh.
Vấn đề chính khi lấy hình ảnh từ các trang web hình ảnh cung cấp giấy phép sử dụng miễn phí (CC hoặc loại giấy phép khác) là phạm vi lựa chọn. Các thư viện hình ảnh này đơn giản là không lớn bằng các thư viện hình ảnh trả phí, vì vậy tính hữu dụng của chúng trong một trường hợp cụ thể phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng hình ảnh cụ thể của người dùng.
Khi tìm kiếm hình ảnh được cấp phép, có một số mẹo sẽ giúp người dùng có thể tìm thấy tác phẩm mình muốn đồng thời tránh vi phạm quyền của chủ sở hữu bản quyền:
- Đảm bảo xem xét cẩn thận các thỏa thuận cấp phép sử dụng hình ảnh, bất kể người dùng lấy nguồn hình ảnh của mình ở đâu hoặc từ ai.
- Các thỏa thuận cấp phép Creative Commons và Miễn phí bản quyền thường sẽ được tiêu chuẩn hóa nhiều phần, trong khi các giấy phép sử dụng được quản lý theo quyền có thể rất khác nhau.
- Xem xét kỹ mọi hạn chế đối với mục đích sử dụng (chủ yếu là mục đích sử dụng thương mại), các yêu cầu ghi danh tác giả, các tùy chọn độc quyền và các điều khoản để bán lại, phân phối lại và sửa đổi hình ảnh.
- Cũng như các hình thức cấp phép quyền SHTT khác, các hạn chế về địa lý có thể phát huy tác dụng, tương tự với các giới hạn về thời gian.
- Cả bên cấp phép và bên được cấp phép sử dụng hình ảnh phải hiểu về tất cả các giới hạn trong hợp đồng và hậu quả của việc vi phạm chúng.