Khi đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn có thể lựa chọn đăng ký nhãn hiệu chỉ có phần chữ hoặc chỉ có phần hình, hoặc có cả phần chữ và phần hình vốn là lựa chọn phổ biến nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ đăng ký mỗi phần hình làm nhãn hiệu thì người nộp đơn cần lưu ý về những yếu tố nào?

Việc đăng ký nhãn hiệu hình mà không có phần chữ liệu có được chấp nhận không? Nếu được chấp nhận thì rủi ro khi đăng ký nhãn hiệu chỉ có phần hình là gì?

Nhãn hiệu

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 của Việt Nam quy định: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.”

Đối tượng bảo hộ đối với nhãn hiệu bao gồm nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Nhãn hiệu có thể là từ ngữ, chữ cái, ảnh, hình ảnh – bao gồm cả hình khối – hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc

Theo đó, có thể hiểu là nhãn hiệu là sự tổng hợp của các yếu tố cấu thành, bao gồm phần chữ, phần hình hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó. Khi đăng ký nhãn hiệu, người đăng ký có thể lựa chọn đăng ký nhãn hiệu hình, nhãn hiệu chữ, hoặc nhãn hiệu bao gồm cả hình và chữ.

Trong đó, việc phân loại loại hình của nhãn hiệu tại Việt Nam sẽ được dựa theo Bảng phân loại quốc tế về các yếu tố hình của nhãn hiệu theo Thoả ước Vienna.

Lưu ý về nhãn hiệu chỉ gồm phần hình

Việc đăng ký nhãn hiệu chỉ bao gồm phần hình là không bị cấm theo quy định pháp luật. Người đăng ký hoàn toàn có thể nộp đơn đăng ký cho nhãn hiệu hình mà không bao gồm phần chữ.

Hiện tại, tuy hiếm nhưng trong tương lai, khi mà nhãn hiệu mùi được bảo hộ tại Việt Nam hoặc thậm chí là hiện tại, từ ngày 14/1/2022 khi mà quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ thông qua vào ngày 16/6/2022 thì các loại nhãn hiệu không bao gồm phần chữ mà chỉ bao gồm phần đối tượng đặc biệt như hình ảnh, mùi hương, âm thanh,… sẽ không còn là quá đặc biệt.

Starbucks, Coffee Shop, Coffee, Logo, Neon
Lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu chỉ có phần hình

Dẫu vậy, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ gồm phần hình sẽ có nhiều khó khăn cho chính sự phát triển của doanh nghiệp bởi lẽ hiện tại, yếu tố chữ vẫn là yếu tố để lại ấn tượng nhất cho người tiêu dùng.

Tuy rằng phần hình sẽ có tác dụng gây ấn tượng và để lại dấu ấn hằn sâu vào lòng người tiêu dùng nhưng điều đó thông thường chỉ khả thi khi nó được dựa trên một phần chữ đi kèm. Nghĩa là khi so sánh 2 nhãn hiệu chữ cho cùng 1 loại sản phẩm/dịch vụ thì nhãn hiệu nào đi kèm với yếu tố hình sẽ có lợi thế hơn so với nhãn hiệu còn lại.

Tuy nhiên, nếu chỉ có hình ảnh mà không có phần chữ thì người đọc sẽ khó mà kết nối nhãn hiệu với thương hiệu sản phẩm và công ty của quý khách hàng.

Tưởng tượng đơn giản, một người tiêu dùng thích sản phẩm quần áo có hình ảnh dễ thương làm nhãn hiệu nhưng khi cô ấy muốn chia sẻ cho một người bạn về thương hiệu quần áo này thì cô không thể có từ ngữ nào ngoài từ ‘hình ảnh dễ thương’ để miêu tả về thương hiệu quần áo.

Dù người bạn cô ấy có hiểu được và muốn tìm kiếm thương hiệu đó, họ cũng sẽ không thể nào tìm ra được trang bán quần áo, vì họ không thể nào tìm được thương hiệu quần áo khi google từ khóa ‘quần áo với hình ảnh dễ thương’ được.

Việc không có tên nhãn hiệu cụ thể sẽ gây khó khăn trong việc tiếp cận đến người tiêu dùng. Dù muốn thì khách hàng cũng sẽ không thể gợi nhớ đến thương hiệu nếu không có phần chữ của nhãn hiệu.

Chắc chắn rằng điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động mở rộng, xây dựng và phát triển của doanh nghiệp trên thị trường.

Theo đó, khi đăng ký nhãn hiệu, tốt nhất là doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu bao gồm cả phần chữ và phần hình với việc phần hình được xây dựng dựa trên phần chữ để làm nổi bật tên thương hiệu của mình.