Thần Đồng Đất Việt là bộ truyện tranh gắn liền với bao thế hệ trẻ Việt Nam. Có thể hiểu, khi bộ truyện tranh được công bố chuyển thể thành phim ảnh vào năm 2016, các fan hâm mộ của bộ truyện đã phấn khích đến mức nào. Tuy nhiên, đi kèm với những cảm xúc háo hức, mong chờ là những ý kiến gây tranh cãi như ‘đòi công bằng cho ông Lê Linh’ hay ‘tẩy chay bộ phim Trạng Tí’.

Cuộc chiến khốc liệt trên mạng xã hội

Bộ phim “Trạng Tí Phiêu Lưu Ký” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng trong thời gian gần đây. Một bên bảo vệ họa sĩ Lê Linh và đứa con tinh thần “Thần Đồng Đất Việt” của ông, một bên khác lại bảo vệ cô Thanh Vân và studio sản xuất phim. Cuộc tranh cãi đã lên đến đỉnh điểm khi trailer bộ phim Trạng Tí Phiêu Lưu Ký vừa được nhà sản xuất Ngô Thanh Vân tung ra. Trong khi có nhiều lời khen về hiệu ứng kỹ xảo hay dàn diễn viên hóm hỉnh, dễ thương, thì vẫn còn nhiều bình luận yêu cầu công ty Phan Thị và nhà sản xuất phim Trạng Tí trả lại công bằng cho ông Lê Linh.

Đáp trả lại những cáo buộc của cộng đồng mạng, tối 22-12, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân ở phía Studio68 đã tự thân lên tiếng để bảo vệ tính hợp pháp của bộ phim.

Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân lên tiếng bảo vệ Studio68 và bộ phim “Trạng Tí”. Ảnh: facebook

Cô khẳng định rằng: “Xin được nói rõ, nó (Trạng Tí) là nội dung tôi mua và trả tiền theo đúng luật Sở hữu trí tuệ, nên tố chúng tôi ăn cắp là không đúng. Khi việc ký kết xảy ra mình hoàn toàn không biết về vụ kiện này (vụ kiện giữa họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị) nên mình có tí lỗi trong việc nên nắm rõ thông tin trước khi mua.”

Ai đúng ai sai?

Việc nhà sản xuất Ngô Thanh Vân lên tiếng để bảo vệ bộ phim phần lớn nguyên do đến từ làn sóng dư luận bức ép; chứ thực chất họa sĩ Lê Linh cũng không hề đâm đơn kiện bộ phim Trạng Tí phiêu lưu ký hay cô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Có lẽ là do ông Lê Linh hiểu được rằng cô Thanh Vân và ekip làm phim không phải người sai trong việc này.  Bất công mà ông phải gánh chịu chủ yếu vẫn đến từ công ty Phan Thị – ‘kẻ thù truyền kiếp’ của ông.

Tính pháp lý của bộ phim này phụ thuộc rất nhiều vào quyền sở hữu của công ty Phan Thị đối với bộ truyện “Thần Đồng Đất Việt”. Bởi công ty Phan Thị phải sở hữu bộ truyện thì mới có quyền cho phép Studio68 sản xuất và phát hành bộ phim.

Muốn biết cô Thanh Vân có vi phạm bản quyền khi làm nên bộ phim Trạng Tí hay không, ta phải quay ngược thời gian đến thời điểm TAND TP.HCM tuyên án vụ kiện giữa ông Lê Linh và công ty Phan Thị liên quan đến bộ truyện Thần Đồng Đất Việt.

Tuyên án của Tòa về vụ kiện Thần Đồng Đất Việt

Sáng mùng 3/9 năm 2019, Tòa Án Nhân Dân TP.HCM đã tuyên án vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đối với hình tượng 4 nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong tác phẩm truyện tranh “Thần Đồng Đất Việt” giữa họa sĩ Lê Phong Linh và công ty Phan Thị cùng bà Phan Thị Mỹ Hạnh.

Cụ thể, tòa tuyên bố ông Linh là chủ sở hữu duy nhất đối với 4 hình tượng nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo; còn công ty Phan Thị chỉ sở hữu quyền tài sản của bộ truyện. Công ty Phan Thị có quyền sử dụng 4 hình tượng nhân vật nêu trên với mục đích kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, dù có quyền tài sản, công ty Phan Thị vẫn phải tôn trọng quyền nhân thân gắn liền với họa sĩ Lê Linh.

HDXX tuyên án vụ kiện Thần Đồng Đất Việt. Ảnh: Tuyết Mai

Qua đó, công ty Phan Thị được phép làm tác phẩm phái sinh nhưng không được phép sửa chữa, cắt xén hình thức thể hiện các nhân vật hoặc xuyên tạc hình tượng các nhân vật của bộ truyện dưới bất cứ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của ông Linh.

Tạm kết

Qua tuyên án của vụ kiện ta thấy được rằng ông Lê Linh có quyền nhân thân và công ty Phan Thị có quyền tài sản đối với bộ truyện Thần Đồng Đất Việt. Do đó, công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh có quyền thực hiện các tác phẩm phái sinh, phóng tác, cải biên, … Điều này nghĩa là cô Ngô Thanh Vân và Studio68 – người mua bản quyền 5 tập truyện TDDV từ bà Phan Thị Mỹ Hạnh – không hề vi phạm luật sở hữu trí tuệ và có toàn quyền sản xuất và phát hành bộ phim Trạng Tí phiêu lưu ký.

Tuy nhiên, điều chưa được sáng tỏ ở đây là liệu bộ phim Trạng Tí có thay đổi nội dung câu chuyện, hình tượng các nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo và từ đó – vi phạm quyền nhân thân của ông Lê Linh? Chúng ta chỉ có thể chờ đến khi bộ phim ra mắt để chính thức ‘tuyên án’ vụ việc này.

Dù đã tồn tại hơn 20 năm, Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam dường như vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ đối với phần lớn người dân trong cộng đồng. Rút kinh nghiệm từ bài học này, giới trẻ Việt Nam hiện nay cần đặc biệt chú tâm đến vấn đề bản quyền, tác quyền khi sáng tạo nên tác phẩm của mình để tránh khỏi tình cảnh bị người khác giang tâm bán đứt ‘đứa con tinh thần’ của mình mà không thể ho he câu nào.

-Monster Hunter-